05:06 19/05/2014

Đội quân khổng lồ Thành Potsdam

Nhà nghiên cứu tự nhiên học Charles Darwin từng viết rằng con người không giống con vật nên không thể nào nuôi dưỡng một cách ép buộc để chọn lấy đặc tính mong muốn, ngoại trừ trường hợp của đội vệ binh khổng lồ ở nước Phổ.

Nhà nghiên cứu tự nhiên học Charles Darwin từng viết rằng con người không giống con vật nên không thể nào nuôi dưỡng một cách ép buộc để chọn lấy đặc tính mong muốn, ngoại trừ trường hợp của đội vệ binh khổng lồ ở nước Phổ.

 

Vệ binh James Kirkland.

Mọi quân đội trên thế giới đều ưu tiên tuyển chọn những người lính cao lớn, mạnh khỏe nhất để đưa vào hàng ngũ của họ. Đối với vua Frederick William I của nước Phổ (nay là Đức) điều này thậm chí còn trở thành một nỗi ám ảnh. Lên ngôi năm 1713, ngay lập tức, vua Frederick William I đã bắt tay xây dựng một đoàn quân hùng mạnh theo ý nguyện của ông: Một đội vệ binh cao lớn nhất châu Âu mang tên “Những người khổng lồ Thành Potsdam”. Sau 27 năm trị vì, đội quân đặc biệt này của ông đã tăng ngoạn mục từ 38.000 người lên tới hơn 83.000 người, trong đó có hơn 3.200 lính “khổng lồ”.


Một vệ binh Potsdam tối thiểu phải đạt chiều cao 1,88 mét, trong đó “khổng lồ” nhất là người lính gốc Ireland có tên James Kirkland cao tới 2,17 mét. Chỉ cần nhắc đến đội vệ binh Potsdam, mọi quốc gia lúc bấy giờ đều phải trầm trồ trước những người lính sừng sững trong bộ quân phục trang trọng bậc nhất gồm chiếc mũ ống đội đầu thêu huy hiệu, áo khoác màu xanh điểm xuyết những chiếc cúc mạ vàng, quần ống túm màu đỏ tươi với bao chân màu trắng.

 

Đội vệ binh cao lớn sừng sững của vua Frederick.


Tại thời điểm đầu thế kỷ 18, những người cao lớn như vậy rất hiếm nên vua Frederick phải chiêu mộ binh lính khắp châu Âu hay cử người đến tận Trung Quốc để tìm kiếm. Trong đội quân hùng hậu của ông có 2 người “khổng lồ” khá nổi tiếng là Tomas O Caiside - một nhà thơ người Ireland và Daniel Cajanus - một người khổng lồ thực sự ở Phần Lan. Vua Frederick sẵn sàng bỏ tiền để mua những người lao động cao lớn của các chủ đồn điền. Đôi lúc tiền không giải quyết được vấn đề, vị vua này còn bắt cóc dân hay cướp lính của nước khác. Ông từng có lần bộc bạch với vị đại sứ nước Pháp rằng: “Người phụ nữ đẹp nhất trần gian này cũng không thể gây khó cho tôi, nhưng những binh lính cao lớn lại là điểm yếu của tôi”.

 

Vua Frederick William I.


Hiểu rõ sở thích của vị lãnh chúa nước Phổ, quốc vương các quốc gia lân cận như Hoàng đế Áo, Sa hoàng Nga Peter I và vua Thổ Nhĩ Kỳ… vẫn thường gửi tặng ông những người lính cao khỏe vượt trội để gìn giữ mối quan hệ hòa hữu, thay vì những hòm vàng bạc châu báu. Các quan chức địa phương muốn lấy lòng đức vua thì ra sức lùng sục các trường học để tìm kiếm những nam sinh lực lưỡng, trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mà có dấu hiệu phát triển chiều cao bất thường cũng bị đưa vào tầm ngắm. Tình trạng này đã khiến các ông bố bà mẹ lúc bấy giờ phải đề cao cảnh giác, giấu giếm con trai của họ trong nhà để không bị bắt đi lính.


Nhằm tạo “nguồn cung” dồi dào cho sau này, vua Frederick còn ép đội vệ binh kết hôn với các phụ nữ có dáng vóc cao to để con trai của họ được thừa hưởng sẵn chiều cao của bố mẹ. Tuy tiền thưởng khá cao nhưng không phải người lính “khổng lồ” nào cũng toại nguyện khi đa số họ bị ép buộc phải nhập ngũ, cưỡng ép có con với người phụ nữ mình không yêu thương. Nhiều người trong số họ đã bỏ trốn, thậm chí là tự sát. Cũng có nhà sử học cho rằng, vị vua kì quặc này còn thực hiện hàng loạt thí nghiệm lạ trên cơ thể của các vệ binh với mong muốn họ tiếp tục cao hơn nữa và hậu quả là nhiều người đã phải bỏ mạng.


Việc vua Frederich, chỉ cao 1,6 mét, tuyển chọn binh lính “khổng lồ” từ khắp nơi được ví như sở thích sưu tầm những con tem quý hiếm của các lãnh chúa khác. Không những thế, nhà vua còn đích thân huấn luyện đội vệ binh mỗi ngày và lúc rảnh rỗi, ông lại ngồi vẽ chân dung các anh lính cao lớn của mình rồi khoe với các quan khách nước bạn. Đội quân “khổng lồ” này là niềm tự hào “độc nhất vô nhị” của vua Frederick. Kể cả vào những ngày cuối đời ốm bệnh nằm liệt giường, ông cũng thường xuyên yêu cầu đội quân “cưng” của mình duyệt binh xung quanh phòng ngủ để mua vui.


Trong thực tế, sự vượt trội về hình thể của đội vệ binh Potsdam không có cơ hội được thể hiện trên chiến trường bởi vua Frederick không nỡ để họ tham gia bất cứ cuộc chiến nào. Có rất nhiều lời đồn đoán xoay quanh mục đích gây dựng đội quân “khổng lồ” của ông. Có người nói binh lính cao hơn sẽ sử dụng súng hỏa mai dễ dàng hơn, có người lại cho rằng đội vệ binh “quá khổ” không đủ nhanh nhẹn để chiến đấu. Dù thế nào đi nữa “Những người khổng lồ Thành Potsdam” vẫn được đánh giá là một trong những đội quân oai vệ nhất trong lịch sử châu Âu.


Năm 1740, sau khi vua Frederick qua đời, con trai của ông đã ban lệnh giải tán đội vệ binh Thành Postam gồm hơn 3.200 người “khổng lồ”, đưa họ về các đơn vị chiến đấu cấp dưới. Kinh phí “nuôi” đạo quân đặc biệt này đã được sử dụng để lập thêm 4 đội quân nữa có vóc dang bình thường.


Hoàng Trang