03:09 30/03/2012

Đợi mưa

Người đời thì tìm chỗ tránh mưa, nhưng ông thì lại mong được đón mưa. Không biết cơn mưa nó có duyên nợ gì với ông, mà lòng ông cộn cạo, chao đảo. Cái sự đón mưa khác người. Không giống kiểu người nhà nông đón mưa trừ hạn.

Chả biết vì sao cứ mỗi lần xe chạy qua cánh đồng khoai là Đại tá Hoàng bảo lái xe dừng lại. Nhất là những lúc trời nổi cơn mưa, mây đen, mây xám vần vũ, sấm chớp xé trời. Người đời thì tìm chỗ tránh mưa, nhưng ông thì lại mong được đón mưa. Không biết cơn mưa nó có duyên nợ gì với ông, mà lòng ông cộn cạo, chao đảo. Cái sự đón mưa khác người. Không giống kiểu người nhà nông đón mưa trừ hạn. Tôi còn thấy ông rảo bước xuống ruộng khoai đã dỡ, nhổ lên một củ khoai mầm. Rửa qua vũng nước, ông cho khoai vào túi. Những động thái này thật lạ, chả giống ai. Ông ngồi tư lự, mắt nhìn về phía xa xăm như nỗi chờ mong khắc khoải một cơn mưa ập đến.

* *
*

Đó là cơn mưa tầm tã cách đây đã ba mươi năm. Trời cũng mây xám, mây đen vần vũ như hôm nay. Mưa to, mưa đổ như trút. Nước chảy từ các máng, từ các mái nhà rào rào dội xuống. Mưa đập lộp bộp vào những tầu lá chuối, mo cau. Mưa quất tới tấp vào những rặng tre, mái ngói. Nước chảy không kịp, nước tràn lên ngõ lênh láng. Nứớc tràn cả sân nhà Hoàng. Mấy chú cá rô lách ngược quật đuôi kêu tanh tách. Gái mặc áo tơi lá, đội nón, xách rổ chạy qua nhà Hoàng rủ đi mót khoai lang. Mưa vẫn rơi không ngớt, hai đứa đội mưa, rảo cẳng nhằm hướng cánh đồng khoai.


Đi chừng nửa tiếng là đến những thửa ruộng, vừa mới dỡ khoai xong chiều qua. Mưa to làm trôi lớp đất bao phủ bên trên, lộ ra những củ khoai còn sót. Chưa bao giờ Hoàng thấy nhiều khoai đến thế. Củ to, củ nhỡ, củ bé, củ vừa, củ sứt sẹo, củ nguyên lành, thôi thì đủ cả. Mưa to thế này người ta ngại ra đồng, nên hai đứa cứ tha hồ nhặt. Cơ hội này chỉ xảy ra vài lần trong năm. Nhà Hoàng ít gạo, nhiều khoai. Mỗi lần đi mót, Hoàng đều đội về một rổ. Khoai nhà Hoàng nhiều lắm, chỗ nào cũng thấy khoai. Khoai là thứ sâm Nam cứu đói nhà Hoàng qua tháng ba ngày tám. Bây giờ rau lang là đặc sản, chứ hồi ấy nhà Hoàng mỗi bữa luộc đầy một rổ. Rau mọc không kịp để cho người hái. Chỉ khổ cho mấy ông tuần đồng suốt ngày vung gậy hò la, xua đuổi người hái rau như đuổi quạ. Mấy cậu em họ Hoàng từ Hà Nội về chơi, được ăn rau luộc, khoai vần róc vỏ thì tỏ ra khoái lắm. Chúng nó mà ăn trừ bữa liên tục như nhà Hoàng, sẽ thấy ông bà ông vải. Khoai lang nóng từ ruột trở ra, nóng đến tận cuống họng vẫn phải ăn, phải nuốt. Rau lang chấm mẻ ăn với cơm khoai là món ăn thường nhật nhà Hoàng. Gọi là cơm cho nó oách thôi, chứ đào đâu ra gạo. Mà gạo ở vùng Hoàng hiếm lắm, đất bán sơn địa mà. Đất lúa thì ít, đất khoai thì nhiều. Người ta qui đổi hoa màu ra thóc theo tỷ lệ một ngô một gạo, một gạo ba khoai. Nhà Hoàng mỗi vụ chỉ được chia hơn nửa tạ thóc với tạ rưỡi khoai. Với ngần ấy thóc chia cho tám miệng ăn cả vụ thì còn đâu ra gạo. Gạo chỉ để dành cho lũ trẻ thôi. Còn tụi nhầng nhầng như nó phải ăn cơm độn với khoai. Chính xác hơn là ăn khoai độn cơm, vì mỗi củ khoai chỉ cõng mấy hạt cơm.

Mưa vẫn rơi nặng hạt, ngoài đồng tịnh không một bóng người. Khoai đã đầy miệng rổ. Lúc này hai đứa mới thấm lạnh, thấm mệt. Mới vào đầu thu mà trời đã rét. Người chúng ướt như chuột lột. Sợ bị cảm, Gái rủ Hoàng vào chòi vịt anh Tâm trú nhờ. Nhìn quanh quẩn thấy cái nồi để chỏng chơ ở góc chòi, Gái lấy khoai rửa sạch cho vào nồi luộc, vừa để hong quần áo, vừa để chuẩn bị bữa ăn trưa. Hoàng lấy quần áo vắt kiệt nước, phơi lên giây màn, rồi chui vào ổ rơm nằm. Ổ rơm này ấm thật. Ngày xưa các cụ nói: “No cơm tấm, ấm ổ rơm” cấm có sai bao giờ. Vừa đặt mình một lát, Hoàng đã ngáy vang chòi.

… Hoàng thấy mình đang hì hụi trên đồng nước trắng, hai chân giẫm đạp, mò khoai. Ở vùng Hoàng có nhiều giống khoai: Khoai nghệ ruột vàng, khoai lang vỏ trắng, khoai mật ruột hồng, khoai chợ Dầu, khoai Hoàng Long và còn nhiều giống nữa mà Hoàng không biết. Có khi người ta gọi gộp lại là khoai chiêm, khoai mùa theo thời vụ thu hoạch. Khoai chiêm củ dài và trong, khoai mùa củ tròn và bở. Thỉnh thoảng Hoàng cúi xuống, moi lên một củ. Bất ngờ Hoàng giẫm phải vật gì choán hết cả bàn chân. Hoàng sướng quá moi lên, một củ khoai dài đến gần gang, nặng chừng nửa ký. Nó thuộc giống khoai Hoàng Long chính hiệu. Thứ khoai này vừa ngọt vừa bổ, ăn sống đã thấy ngon rồi. Kiểu mót này không phải ai cũng biết. Phải lần tìm khoai sót trong bùn. Phải phân biệt được độ rắn của đá, độ nháp của đất, của khoai. Nước ngập lút luống, người ta dùng trâu, dùng bò, cày xả hai bên, rồi cho xã viên bới khoai thu hoạch. Khoai bắt đầu có mùi. Binh tình này, không dỡ kịp thì chỉ vài ngày nữa, khoai sẽ thối. Mấy ổ chuột đồng bị trâu cầy vỡ, chuột mẹ, chuột bố trốn chạy, bơi lóp ngóp. Bầy con đỏ hỏn, ngọ nguậy, kêu chin chít, trên những mô đất còn khô. Những chú rắn bơi lặn lập lờ, uốn đuôi thia lia, ngoe nguẩy trên mặt nước. Hoàng ngửi thấy mùi khoai luộc phảng phất đâu đây. Hoàng lại nhìn thấy củ khoai mầm nhú lên trên mặt ruộng. Hoàng cúi xuống nhổ, rửa qua vũng nước mưa, rồi đưa vào mồm nhai ngấu nghiến. Khoai mọc mầm ăn sống rất ngon, vừa giòn vừa mát. Bụng Hoàng đói cồn cào. Bây giờ mà có khoai luộc ăn với cà nén thì tuyệt cú mèo. Từ sáng đến giờ, chưa được hạt cơm nào vào bụng Hoàng. Cả làng, cả xã đang ùa ra đồng. Người dỡ, người mót đen đặc cả ruộng khoai. Đang mê mải mót, Hoàng chợt nhìn thấy ông tuần đồng giơ gậy rượt đuổi. Hoàng càng chạy thì càng gần ông ấy. Chân Hoàng như bị ai níu giữ, không bứt lên được.- Hoàng đang bị chéo kheo. Hoàng trông thấy ông tuần giơ cao cây gậy, vụt xuống đầu Hoàng. Hoàng ú ớ hét lên, chạy vù ra khỏi chòi, trượt chân ngã ngửa, gáy đập xuống nền đường.

Gái hoảng sợ hết hồn tưởng Hoàng bị ma đuổi. Cô chạy ra bế thốc Hoàng vào chòi. Người Hoàng mềm nhũn bất động, hai mắt nhắm nghiền. Chân tay Hoàng lạnh toát. Gái lấy áo khô lau người cho Hoàng rồi cởi áo ngoài phủ lên chân Hoàng. Xong rồi cô lấy hai tay ấn vào ngực Hoàng tới tấp. Bài hô hấp nhân tạo này, cô mới học được chiều qua trong lớp cứu thương. Cô làm lấy làm để mà Hoàng vẫn chưa tỉnh. Gái vừa thút thít khóc, vừa gọi Hoàng rối rít: “Hoàng ơi, tỉnh lại đi, tỉnh lại đi”. Cô sợ bạn mình không sống được. Ở giữa đồng không mông quạnh này kêu được ai bây giờ. Cô chợt nhớ đến bài học cuối cùng phải dùng mồm thổi và hít qua miệng người bị nạn, may ra mới cứu được Hoàng. Gái cúi xuống cậy mồm Hoàng vừa thổi vừa hít liên tục. Gái làm một thôi một hồi, mà Hoàng vẫn chưa tỉnh. Cô tiếp tục hít, thổi. Vừa thổi vừa mút lưỡi Hoàng. Người ta bảo bị gió mà lưỡi thụt là toi, nên cô ra sức mút. Gái thấy người Hoàng ấm dần, lưỡi Hoàng nồng nồng, mằn mặn. Hoàng không thể chết được. Bỗng Hoàng từ từ mở mắt, hai tay ôm chặt lấy cô, mồm ngậm vào ngực Gái. Cô Gái thổn thức. “Hoàng làm mình sợ hết hồn, tưởng là cậu đi rồi”. Hoàng đỏ mặt, thấy mình trần như nhộng. Chiếc quần đùi bị đội ngược lên dúm dó như mô rạ gẵy. Thì ra Hoàng bị mộng du ngã choáng chỉ trong mấy phút thôi.

Hoàng đã tỉnh lại, vơ vội quần áo mặc vào người. Gái lấy rổ vớt khoai ra. Giống khoai Hoàng Long này ngon lắm. Khoai ngọt như có mật. Người ta bảo khoai này ở nước ngoài quí lắm. Giá một cân khoai đắt gấp nhiều lần giá khoai ở ta. Gái bóc khoai bón cho Hoàng. Hoàng ăn liền bốn củ. Chưa bao giờ Hoàng thấy khoai lang ngọt và ngon đến thế.

Nhà Gái gần nhà Hoàng, những đêm trăng sáng hai người lại nháy nhau ra đồng ngồi tâm sự đến tận canh khuya. Hôm Hoàng đi bộ đội hai bạn cũng ngồi tâm tình ở chính ruộng khoai này. Nàng ngả đầu vào ngực Hoàng thổn thức: " Hoàng đi chắc sẽ quên mình thôi". "Không bao giờ Hoàng quên Gái được". " Thế sao bên nhà anh các cụ không cho cưới?". "Sang năm được tuổi anh sẽ xin phép thày mẹ cưới em". "Thời chiến này biết sống chết thế nào mà đợi" Gái ơi! Biết trả lời với Gái thế nào đây. Nhà Hoàng bố làm cán bộ thoát ly, lại là đảng viên tiền khởi nghĩa. Ông không thể cho phép con mình lấy con một người đã xỏ nhầm giầy*. Hoàng không đồng ý với quan điểm của bố, nhưng cũng không đủ dũng khí cưỡng lại cái quan điểm thủ cựu này. Vùng Hoàng đã có nhiều đôi lứa không lấy được nhau cũng bởi vì cái quan niệm hẹp hòi ấy. Tuy nhà gần nhau, nhưng bố Hoàng chả khi nào sang chơi nhà Gái. Gặp nhau ngoài đường họ chỉ chào cho phải phép. Hoàng đi bộ đội, ở nhà bao nhiêu người đánh tiếng, ngỏ lời nhưng Gái vẫn không đồng ý một ai. Người thì bảo cô kênh kiệu, kén chọn, cành bổng cành cao. Người thì bảo già kén kẹn hom. Kén mãi rồi sẽ làm bà cô. Mặc cho người đời thị phi, tiếng chì tiếng bấc, cô cứ lầm lũi một mình, một bóng. Chiều chiều cô hay ra ngồi hóng mát trên cánh đồng, nơi hai người đã bao lần tình tự. Hôm địch đánh bom rải thảm lạc trên cánh đồng khoai, Gái bị bom vùi lấp. Dân quân tìm được bới lên, thì cô đã tắt thở. Hoàng nghe tin chỉ kịp về nhìn thấy cô trước khi khâm liệm. Mặt Gái vẫn tươi, mắt nhắm như người đang ngủ. Hai môi cô khép hờ như có điều gì muốn nói. Gái ơi! Hoàng đã lỡ hẹn với Gái rồi. Hoàng đi chiến trận vẫn về được với Gái, mà Gái ở hậu phương lại vĩnh viễn ra đi. Thật là nghịch cảnh. Tất cả chỉ tại Hoàng. Tại cái sự hèn nhát không dám bảo vệ mối tình đầu. Nếu lấy Hoàng chắc đâu Gái đã mất. Hoàng sụt sùi tức tưởi nấc lên. Hoàng cầm mùi xoa che miệng. Hai khóe mắt Hoàng ầng ẫng nước. Sau tang trời đổ mưa như trút. Bầu trời mây xám xịt. Sấm chớp rạch trời. Người ta nói mưa to, trời sẽ quang mây. Nó là một điềm lành, lành cho người quá cố, và cho cả những người đang sống.

... Rời cánh đồng khoai, chúng tôi lên xe. Mây xám vẫn còn vần vũ. Mưa bắt đầu rơi. Tôi thấy ông Hoàng lật đật cất củ khoai mầm vào Xà-cột*. Mặt ông phờ phạc, mắt ông lờ đờ khép lại. Có lẽ ông đã thấm mệt, ông ngủ hay thức. Nói đúng ra thì ông vừa thức vừa ngủ. Ông đang nhớ những kỷ niệm vui buồn của một thời xa vắng, của mối tình đầu ba mươi năm về trước.

---------------------
* Xỏ nhầm giầy- thành ngữ chỉ những ngưòi đi lính cho Pháp.

* Xà-cột - túi đựng tài liệu

Nguyễn Tiến Hóa