02:08 15/02/2012

Đổi mới tuyển sinh không bỏ sót người giỏi

Trao đổi bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) cho biết, những đổi mới trong tuyển sinh nhằm hướng tới quyền lợi của thí sinh, không bỏ sót người học có năng lực…

Trao đổi bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) cho biết, những đổi mới trong tuyển sinh nhằm hướng tới quyền lợi của thí sinh, không bỏ sót người học có năng lực…

Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng: Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường tuyển vượt chỉ tiêu còn nhẹ. Bởi để tuyển sinh được, các trường sẽ sẵn sàng bỏ ra một số tiền để nộp phạt. Vậy Bộ có giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này?

Trong năm 2012, Bộ đã ban hành Thông tư 57 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN để các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên 2 tiêu chí: Số lượng sinh viên/giảng viên cơ hữu và diện tích mặt bằng/sinh viên. Như vậy, sắp tới Bộ sẽ phối hợp với địa phương để kiểm tra theo đúng việc phân cấp quản lý kiểm tra tất cả các trường. Nếu trường nào vi phạm sẽ xử phạt rất nặng, không chỉ lập tức sau khi tuyển sinh mà bất cứ lúc nào trong quá trình kiểm tra: 1 năm hoặc sau 2 năm sau nếu phát hiện sai phạm đều bị xử lý. Việc xử lý nghiêm như vậy sẽ buộc các trường phải công khai các số liệu chân thực để đảm bảo chất lượng.

Dự kiến tuyển sinh của Bộ, từ năm 2016 trở đi chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và môn thi tự chọn. Lúc đó, chỉ một số trường ĐH tốp đầu thực hiện hay triển khai đồng loạt?

Theo lộ trình, từ nay đến năm 2015 thì không thay đổi nhiều, nhưng từ năm 2016 trở đi sẽ không có khối thi nữa mà chỉ thi 2 môn cơ bản Toán, Ngữ văn, để sau đó, các môn Lý, Hóa, Sử, Địa… thành tổ hợp các môn thi do các trường tự xét. Còn năm sau 2020, việc thi tuyển sinh chỉ còn với các trường tốp trên lựa chọn tinh hoa, còn các trường đại trà thì xét tuyển theo kết quả học tập ở bậc THPT. Khi đó, việc tuyển sinh rất nhẹ nhàng. Như vậy, có sự phân tầng rất rõ rệt giữa các trường ĐH, CĐ chứ không phải như hiện nay.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Dự kiến lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ

- Từ nay đến năm 2015: Tiếp tục giữ ổn định công tác tuyển sinh theo “giải pháp 3 chung”. Tuy nhiên, sẽ tiếp tục có điều chỉnh, bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển, tạo sự linh hoạt cho các thí sinh. Cùng với việc tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh theo phương án 3 chung, Bộ giao các trường đại học trọng điểm, các trường năng khiếu nghệ thuật, các trường có kinh nghiệm quản lý, đủ điều kiện… xây dựng phương án tuyển sinh, trình Bộ xem xét phê duyệt.

- Từ 2016 - 2019: Chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và các môn thi tự chọn; các trường quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển cho từng ngành đào tạo (không thi theo khối).

- Từ năm 2020 trở đi: Khi Luật Giáo dục đại học đã đi vào cuộc sống, sự phân tầng đại học đã được thực hiện và công tác kiểm định chất lượng đi vào nề nếp, việc thi tuyển sinh chỉ còn diễn ra ở các trường đại học tốp đầu, các trường đại học theo định hướng nghiên cứu; các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc phổ thông.


Lê Vân thực hiện