02:11 02/02/2015

Đổi mới toàn diện công tác cán bộ Đảng viên

Thực hiện Nghị quyết Trung ương ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ được triển khai thực hiện khá đồng bộ ở tất cả các khâu.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ được triển khai thực hiện khá đồng bộ ở tất cả các khâu, trong đó công tác quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, góp phần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp.      


Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2015. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN.


*Chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước    

      

Ngành Tổ chức, xây dựng Đảng đã tham mưu duy trì tốt công tác quy hoạch cán bộ, đảm bảo sự liên thông, gắn kết giữa quy hoạch cấp trên và cấp dưới, quy hoạch ở Trung ương và địa phương.    

      

Trên cơ sở quy hoạch, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban, bộ, ngành Trung ương đã triển khai công tác luân chuyển đào tạo cán bộ và bố trí, sắp xếp cán bộ, chuẩn bị một bước nhân sự lãnh đạo cấp ủy khóa tới. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy và Đảng ủy Công an Trung ương đã thực hiện tốt chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ không phải là người địa phương. Đảng ủy Công an Trung ương phấn đấu bố trí 100% trưởng công an huyện và trên 80% giám đốc công an tỉnh, thành phố không phải là người địa phương.    

       

Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Trên cơ sở quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, căn cứ vào việc phát hiện, giới thiệu của các đồng chí Ủy viên Trung ương, việc thẩm định của các ban đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, quyết định một bước danh sách quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương và danh sách quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Đây là lần đầu Đảng ta xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Công việc này đã được tiến hành khá bài bản, chặt chẽ và đạt kết quả bước đầu tích cực. Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư.    

      

Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các địa phương, kiện toàn 21 chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, thành phố tăng thêm từ nguồn nhân sự tại chỗ; tập trung tham mưu thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị, bảo đảm thời gian quy định, góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị trước một bước công tác nhân sự phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Một số địa phương thực hiện quy hoạch dự nguồn Ban chấp hành, Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ như: Cao Bằng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Kiên Giang, Tuyên Quang. Một số địa phương thực hiện quy hoạch dự nguồn Ban chấp hành, Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) cao như: Tuyên Quang (10,71%), Hà Tĩnh (9,8%),...   

      

Đến nay, các tỉnh ủy, thành ủy đã thực hiện và hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Ban chấp hành, Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020. 30% bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương thực hiện và hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2014-2016 và giai đoạn 2016-2021 theo tinh thần Nghị quyết 42, Kết luận 24 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 15 của Ban Tổ chức Trung ương.    

      

Công tác luân chuyển cán bộ được tiến hành thận trọng, chu đáo đảm bảo quy trình, chặt chẽ, khách quan. Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ diện Trung ương quản lý nhằm thực hiện một bước việc chuẩn bị nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tiến tới Đại hội XII của Đảng. Căn cứ Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Kết luận 146 của Bộ Chính trị (khóa XI), Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các cấp ủy địa phương tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện luân chuyển đối với 52 đồng chí cán bộ về địa phương để đào tạo, rèn luyện, trong đó có 24 Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 28 Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Trong số này, nhiều đồng chí có trong quy hoạch Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.    

      

Trên cơ sở quy hoạch cán bộ đã được phê duyệt, các tỉnh ủy, thành ủy đã thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ trong quy hoạch để đào tạo, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, kiện toàn nhân sự nhiệm kỳ 2010-2015 và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020.     

      

Thực hiện tốt công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương góp phần quan trọng chuẩn bị được nguồn cán bộ một cách cơ bản lâu dài cho đất nước, các địa phương và cơ sở.    

      

*Xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược cán bộ lãnh đạo cao cấp    

      

Thực hiện chủ trương của Đảng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của hệ thống chính trị, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp cho hệ thống chính trị; lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và đào tạo bồi dưỡng theo chức danh đối với Bí thư cấp uỷ cấp huyện. Nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng chủ động, gắn lý luận với thực tiễn, gắn thực tế trong nước với kinh nghiệm của nước ngoài, vừa củng cố về lý luận cơ bản, vừa bổ sung, cập nhật, bồi dưỡng kiến thức mới và rèn luyện kỹ năng, kỷ luật, đạo đức, tác phong của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các lớp học này được tổ chức trở thành những lớp học kiểu mẫu nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cao cấp có phẩm chất và năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.    

      

Trong hai năm 2013-2014, 5 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp đã được tổ chức với 416 học viên tham dự. Các cán bộ tham dự lớp học này là nguồn được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các địa phương và các bộ, ban, ngành ở Trung ương nhiệm kỳ 2016-2020 và những năm tiếp theo, là những chức danh cán bộ quan trọng trong hệ thống chính trị.    

      

Hai lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã được tổ chức. Chương trình lớp học cung cấp các chuyên đề lý luận, cập nhật những thông tin mới, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Qua lớp học, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào hoạt động của mình, góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn ở tầm chiến lược và đóng góp vào sự nghiệp phát triển lý luận của Đảng.    

      

Năm 2014, Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã mở 3 lớp bồi dưỡng cho 176 bí thư cấp ủy cấp huyện. Đây là nguồn cán bộ được cấp ủy, tổ chức đảng tín nhiệm, giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh chủ chốt của địa phương. Chương trình đã chú trọng bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống của Bí thư cấp ủy cấp huyện trên các mặt công tác.    

        

Trên 50 cấp ủy địa phương cũng đã chủ động mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn các chức danh quy hoạch thuộc cấp mình quản lý, tạo sự khép kín giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn cán bộ một cách cơ bản, lâu dài.     

      

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Đề án 165 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức các loại hình đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài đối với cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ trẻ trong quy hoạch và tiếp tục tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.    

      

* Đổi mới, hoàn thiện công tác đánh giá cán bộ    

      

Lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là một chủ trương mới, đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm và đồng tình, ủng hộ. Quốc hội khoá XIII đã hai lần tổ chức thành công việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các tỉnh ủy, thành uỷ, các cơ quan, đơn vị ở Trung ương cũng đã tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm. Đến nay, Trung ương và 100% các địa phương, đơn vị đã triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm.    

      

Tại Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm thăm dò tín nhiệm, giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.    

      

Việc lấy phiếu tín nhiệm ngày càng được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn; dư luận đánh giá việc thực hiện công tâm, khách quan hơn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh được sự thay đổi tích cực của người được lấy phiếu tín nhiệm vừa có tác dụng động viên người được tín nhiệm cao tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp người có phiếu tín nhiệm thấp nhìn nhận lại mình để điều chỉnh, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.    

      

Các ban tổ chức cấp uỷ và cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục tham mưu Trung ương, cấp ủy, tập thể lãnh đạo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai các quy chế, quy định để từng bước đổi mới, hoàn thiện công tác đánh giá cán bộ, tập trung đánh giá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phục vụ công tác rà soát, bổ sung quy hoạch và luân chuyển cán bộ.    

      

Nhằm đổi mới công tác bổ nhiệm cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhiều địa phương, đơn vị, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Kiên Giang, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao..., đã thực hiện việc bổ nhiệm một số cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi cạnh tranh, bằng trình bày đề án hoặc giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm có số dư, được dư luận hoan nghênh. Việc đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch đã góp phần tạo bước đột phá trong việc phát hiện người có đức, có tài, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. 

     

Hương Thủy (TTXVN)