11:06 12/11/2014

Đổi mới thực chất chương trình, sách giáo khoa

Chiều 11/11, trong phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Nhiều đại biểu đồng tình với chủ trương cũng như lộ trình thực hiện Đề án. Tuy nhiên...

Chiều 11/11, trong phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Nhiều đại biểu đồng tình với chủ trương cũng như lộ trình thực hiện Đề án. Tuy nhiên, việc đổi mới chương trình, SGK cần thực hiện đồng bộ với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư trang thiết bị dạy học…

Bộ GD - ĐT chủ trì biên soạn

Theo các đại biểu nên để nguyên thời gian giáo dục phổ thông là 12 năm như hiện nay để tránh việc xáo trộn. Nhất trí giao cho Bộ GD - ĐT chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa chung; các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách hoặc các cuốn SGK khác.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Theo đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), việc biên soạn cần rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 40 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông từ 2001-2010 , tránh tình trạng khi thực hiện một thời gian thấy lạc hậu thì lại thay đổi. Việc dạy tích hợp và phân hóa làm sao phải phù hợp với thực tế hiện nay. Đặc biệt phải căn cứ điều kiện từng địa phương, từng trường.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội):

Chủ trương là Bộ GD - ĐT sẽ đứng ra chủ trì viết bộ sách giáo khoa đổi mới, trọn vẹn. Bộ sẽ giao cho Nhà xuất bản Giáo dục hoặc một đơn vị, tổ chức các nhà khoa học làm. Bộ sẽ ban hành bộ sách này và bên cạnh đó còn rất nhiều sách giáo khoa khác, tác giả khác. Khi Bộ thẩm định xong thì các sách giáo khoa giữa các tác giả là hoàn toàn bình đẳng.

Theo tôi khuyến khích các cá nhân viết sách giáo khoa và đứng ra bán bản quyền. Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ cho sách giáo khoa mà Bộ chủ trì và Bộ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hội đồng thẩm định sẽ do Bộ GD - ĐT thành lập và sẽ có nhiều tổ chức xã hội tham gia. Bộ GD - ĐT là đơn vị chịu trách nhiệm trong thẩm định và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về chất lượng sách giáo khoa. Những thành phần thẩm định ngoài các nhà khoa học còn có cả học sinh, phụ huynh. Đó là quyền của Bộ GD - ĐT để đảm bảo bộ sách giáo khoa đảm bảo tính khoa học và chuẩn mực, đạo đức thuần phong mỹ tục. 


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):

Qua nhiều lần thay sách giáo khoa thì hiệu quả đưa lại không cao và đặc biệt trong những lần thay sách giáo khoa cho thấy gây rất phiền hà cho phụ huynh học sinh, tốn kém tiền của Nhà nước bỏ ra để biên soạn sách. Việc tốn kém của ngân sách chỉ là một phần nhưng chi phí của phụ huynh hằng năm phải thay sách là rất lớn. Trong đánh giá của đề án vẫn còn mang tính chủ quan bởi lý lẽ thuyết phục với mục đích để thay sách giáo khoa lần này. Việc đổi mới này theo tôi cũng chỉ một phần. Còn trong tất cả quá trình thực hiện về chương trình giáo dục thì một số điểm làm chưa tốt nay làm lại. Ví dụ như đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy trí lực học sinh thì lâu nay giáo dục đã làm và ngành giáo dục đã phát động như đầu những năm 1990 với phương pháp “thầy đọc, trò chép” và “thày đọc, trò nghe”.

Đổi mới giáo dục trong thời gian qua cũng đưa lại hiệu quả, bởi thực tế nhiều học sinh thi các kỳ thi quốc tế đạt huy chương vàng về vật lý, toán... Do đó việc đổi mới sách giáo khoa lần này cần đổi mới vấn đề gì, bổ xung và phát huy như thế nào chứ không phủ nhận quá khứ và đưa ra nội dung hoàn toàn mới.

XM (thực hiện)

Đại biểu Lê Tuấn Tứ (Khánh Hòa) cho rằng nên thống nhất một bộ SGK do Bộ GD - ĐT ban hành. Tuy nhiên “Chính phủ nên giao cho Bộ GD - ĐT đặt hàng một tổ chức nào đó soạn bộ SGK chuẩn bởi Bộ không thể đủ lực lượng để viết SGK. Người viết sách phải từng phải dạy các cấp học”, đại biểu Lê Tuấn Tứ nói.

Thừa nhận thực tế này, đại biểu Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cho biết: Qua ba, bốn lần viết sách giáo khoa vừa rồi, lực lượng tham gia vào viết SGK là không nhiều. Trong số những người có kinh nghiệm không phải ai cũng sẵn sàng. Trong khi đó, chính sách đãi ngộ cho việc viết SGK hiện là thấp.

Cho rằng chương trình học, SGK hiện nay còn quá nặng nề, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) kiến nghị nên lược bỏ một phần hai khối lượng không cần thiết SGK hiện nay ở khối tiểu học và THCS. “Cần nâng những tiết học về đạo đức lên nhiều hơn. Một tuần nếu chỉ học từ 1 - 2 tiết học thể thao nên sức khỏe học sinh không tốt, nên cấu trúc tiết học thể dục tăng lên. Trẻ em tiểu học cần có thêm nhiều thời gian để chơi, rèn luyện ý thức cộng đồng”, đại biểu An nói.

Cũng theo đại biểu An, việc xây dựng chương trình chuẩn sẽ là Bộ GD - ĐT vì Bộ quản lý Nhà nước nhưng SGK thì nên thực hiện xã hội hóa. Thầy giáo về hưu, người có kiến thức có thể viết. Nhưng cần có một hội đồng thẩm định trong đó thành phần bao gồm một phần từ Bộ, một phần từ chuyên gia. Kinh phí viết sách cũng nên xã hội hóa, ai viết chuẩn sẽ trả. Bộ SGK này và chương trình chuẩn trước khi ban hành phải tham khảo ý kiến cộng đồng, ngay cả học sinh, thầy cô giáo đã và đang giảng dạy.

Quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm

Theo các đại biểu, để có thể thực hiện đề án thì cần đội ngũ giáo viên đủ năng lực. Tuy nhiên, trình độ giáo viên hiện chưa đáp ứng được với công tác đổi mới. Việc có quá nhiều trường sư phạm đào tạo giáo viên dẫn đến dư thừa và khó có thể đạt chất lượng cao.

Minh chứng cho điều này, đại biểu Lê Tuấn Tứ dẫn ra một thực tế hiện nay ngoài các trường Đại học sư phạm của Trung ương ra thì các tỉnh, thành cũng có trường đại học sư phạm, thậm chí các trường đại học khác cũng có khoa sư phạm đào tạo giáo viên.

“Bộ GD&ĐT nên tham mưu cho Chính phủ quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Không nên để các tỉnh, các trường đại học đại học khác (có khoa sư phạm) đào tạo giáo viên. Các trường sư phạm ở trung ương phải đào giáo viên chuẩn ngay từ bây giờ và chỉ nên đào tạo giáo viên sư phạm theo vùng. Phải căn cơ như vậy thì giáo viên mới tiếp cận được SGK mới”, đại biểu Tứ nhấn mạnh.

Cũng theo nhiều đại biểu, đổi mới chương trình GSK trong khi thiếu trang thiết bị thì khó có thể đạt hiệu quả thực sự. Vì vậy, dù ngân sách khó khăn, cũng phải đầu tư trang thiết bị mà trước mắt tập trung cho cấp tiểu học, cấp làm nền cho các bậc học sau này.

“Nghị quyết 40 đã không đáp ứng được điều kiện để triển khai, trong đó một phần do trang thiết bị dạy học còn rất thiếu. Hiện nay giờ dạy trên lớp đang đi ngược lại tất cả các nơi trên thế giới. Học sinh ngồi cố định ở một phòng học truyền thống, còn giáo viên thì bê thiết bị dạy học từ phòng này sang phòng khác do không có phòng bộ môn. Điều này dẫn đến thiết bị đắp chiếu để đấy, chỉ khi có đoàn kiểm tra thì mang ra”, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nói .

Vì vậy cần có phòng bộ môn, đến giờ học môn nào thì học sinh đến phòng bộ môn đó học, từ đó mới đảm bảo thời gian trên lớp cho việc dạy và học.

Bên cạnh đó, để có thể thực hiện được theo chương trình đổi mới thì một lớp chỉ nên có 20 - 25 học sinh thay vì 40 - 50 học sinh như hiện nay.

“Trong đề án chưa nhắc gì đến xã hội hóa, nên cho các trường ngoài công lập chất lượng cao phát triển. Tất nhiên, phải tính đến quy mô dân số. Không thể hôm nay thành lập trường ngoài công lập chất lượng cao, nhưng thời gian sau lại thành lập tiếp một trường ngay gần đó”, đại biểu Minh nhấn mạnh.

Xuân Phong