10:08 05/10/2011

Đổi mới thi cử để giảm việc dạy thêm, học thêm

Theo lãnh đạo ngành giáo dục, việc học thêm, dạy thêm còn là chính nhu cầu của cha mẹ học sinh, chứ không phải chỉ từ phía ngành giáo dục. Để giải quyết tình trạng này, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương giảm tải chương trình...

Theo lãnh đạo ngành giáo dục, việc học thêm, dạy thêm còn là chính nhu cầu của cha mẹ học sinh, chứ không phải chỉ từ phía ngành giáo dục. Để giải quyết tình trạng này, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương giảm tải chương trình, đổi mới công tác thi cử, để từng bước điều chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan.

Trong buổi họp báo đầu năm học 2011 – 2012, khi được hỏi về nguyên nhân trong việc dạy thêm học thêm và việc quản lý tình trạng này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD – ĐT, nhấn mạnh: “Việc dạy thêm, học thêm cũng xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh học sinh. Tôi biết, nhiều bậc phụ huynh còn đến nài nỉ giáo viên để con mình được học thêm. Họ muốn con mình có thêm nhiều kiến thức hơn ở trường hiện nay”.

Trong năm học này, ngành giáo dục chủ trương giảm tải chương trình học. Nhưng tình trạng học thêm, dạy thêm với những biến tướng vẫn khiến nhiều học sinh rơi vào tình trạng “bội thực học”. Ông Vũ Đình Chuẩn cũng khẳng định: Việc giảm tải được thực hiện một cách có hệ thống và toàn diện. Theo đó, những phần giảm tải sẽ không nằm trong nội dung kiểm tra, đánh giá. Còn thực tế việc dạy thêm, học thêm hiện nay xuất phát từ các nhu cầu khác nhau của cha mẹ học sinh. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương giảm tải, từng bước điều chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, theo quy định thì hoạt động dạy thêm có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, trừ trường hợp được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định miễn giấy phép. Không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Với học sinh tiểu học, các trường dạy 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm cho học sinh.
Trong công văn được ban hành về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm vào cuối tháng 3/2011, Bộ GD – ĐT cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, cải tiến công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá để giảm tình trạng này. Bên cạnh đó, ngành sẽ cho tổ chức kiểm tra theo đề chung cho từng khối lớp, chấm chéo bài kiểm tra để đảm bảo sự công bằng trong đánh giá học sinh. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm theo hướng đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dạy học trên 6 buổi/tuần (2 buổi/ngày).

Sở GD – ĐT Hà Nội cũng đã chỉ đạo cụ thể từ đầu năm học 2011 – 2012 là nhà trường cần chú trọng rèn luyện kỹ năng tự học, tạo điều kiện cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Với các bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm, phải dành tối thiểu 50% yêu cầu của đề bài cho các nội dung thông hiểu, vận dụng sáng tạo. Các trường THPT, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên không được tổ chức học thêm cho học sinh khối lớp 10. Sở GD - ĐT sẽ giám sát và kiểm tra việc dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân. Các đơn vị cần nghiêm túc xử lý các giáo viên có hành vi ép buộc học sinh để dạy thêm, tiến tới chấm dứt các hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Trong tháng 10 này, Hà Nội tiếp tục thanh kiểm tra các trường về tình trạng dạy thêm, học thêm.

Lê Vân