01:16 15/01/2015

Đổi mới thể chế, phát triển môi trường kinh doanh năm 2015

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định vấn đề sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tích cực cải thiện trong năm 2015.

Năm 2014 kết thúc với nhiều cải cách về thể chế và môi trường đầu tư, kinh doanh… Những thay đổi này đã góp phần ghi dấu ấn mạnh mẽ về một Việt Nam minh bạch hóa, hiện đại hóa, phù hợp với các thông lệ thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Dương Giang-TTXVN


Tiếp nối những thành công của 2014, trong năm 2015, môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện. Nhân dịp đầu năm 2015, phóng viên  đã có buổi trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh xoay quanh vấn đề này.

* Thưa Bộ trưởng, năm 2014 được đánh dấu bằng những thay đổi mạnh mẽ trong thể chế kinh tế với việc ban hành Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi… Xin Bộ trưởng cho biết, tiếp nối những thành công của 2014, trong năm 2015, chúng ta sẽ có những kế hoạch cụ thể gì nhằm hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam?

Phải nói là công việc cải thiện thể chế kinh tế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cũng như là vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước là rất quan trọng và có rất nhiều việc phải làm. Cho nên, năm nay chúng ta làm việc này, thì năm sau chúng ta sẽ làm việc khác.

Từ năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là một dấu ấn rất quan trọng trong việc hạn chế đầu tư tràn lan, kém hiệu quả của đầu tư công.

Tiếp theo, Luật Đầu tư công ra đời với những nội dung rất thiết thực. Đó là, nâng cao tính pháp lý của hệ thống quản lý về đầu tư công, giúp công tác quản lý đầu tư công một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn bằng những quy định rất chặt chẽ của pháp luật. Từ đó, việc đầu tư cho các công trình của đất nước sẽ được tập trung có hiệu quả hơn, đồng tiền của nhân dân sẽ được sử dụng tốt hơn.

Năm 2014 vừa qua, chúng ta đã có thêm hàng loạt bộ Luật mới để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, hai bộ Luật quan trọng nhất được sửa đổi và ban hành, đó là Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Năm 2015, theo nhiệm vụ mà Chính phủ và Quốc hội đã phân công cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ sẽ phải trình ra Quốc hội hai Luật mới mà tôi cho rằng cũng rất quan trọng. Thứ nhất, đó là Luật Quy hoạch, đây là Luật mà có lẽ rất nhiều người đang mong đợi.

Luật này dự kiến sẽ giải quyết được tình trạng quy hoạch tràn lan, kém hiệu quả. Thực tế cho thấy, quy hoạch không tốt sẽ gây ra đầu tư không hiệu quả.

Hiện tại, lĩnh vực nào cũng quy hoạch, ngành nghề nào cũng quy hoạch, những quy hoạch đó không có sự thống nhất và không đem lại hiệu quả, thậm chí tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau ở các khu vực lân cận, làm giảm hiệu quả của nền kinh tế.

Thứ hai là Luật Thống kê sửa đổi. Ngoài ra, sắp tới chúng ta sẽ có thêm các Luật về đặc khu kinh tế, hành chính kinh tế... Theo tôi, những luật này cũng rất quan trọng. Nó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế của chúng ta và tạo ra những động lực, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, riêng đối với năm 2015, tôi nghĩ rằng, chúng ta có nhiều việc phải làm hơn. Năm 2015 là năm khá đặc biệt, đây là thời điểm mà chúng ta bước vào hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn.

Năm 2015, chúng ta sẽ chính thức tham gia sâu rộng hơn vào cộng đồng kinh tế ASEAN và thực thi rất nhiều Hiệp định thương mại tự do mà Việt nam đã ký kết. Việt Nam sẽ đứng trước thách thức giữa cơ hội phát triển và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà.

Nếu chúng ta không làm tốt điều này, Việt Nam không những không tạo ra thêm được các lợi thế về mở rộng thị trường, mà chúng ta còn bị thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà. Đây là điều mà tôi rất lo lắng.

Một điều nữa mà chúng tôi rất quan tâm và sẽ tích cực cải thiện trong năm 2015, đó là vấn đề sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng ta đã nhận thấy rằng, một nền kinh tế mạnh, một nền kinh tế tự chủ là một nền kinh tế phải có doanh nghiệp sở tại (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp tư nhân) phát triển. Các doanh nghiệp này đều phải rất mạnh mẽ thì chúng ta mới có được một nền kinh tế mạnh. Đó mới thực sự đem lại lợi ích cho dân tộc, cho mỗi người dân, cho đất nước. Điều này đang thách thức chúng ta.

Tôi nghĩ đây là hai vấn đề thách thức rất lớn. Ở đây, tôi chưa nói đến những thách thức còn lớn hơn của ảnh hưởng quốc tế, của khu vực, vấn đề Biển Đông… nhưng theo quan điểm của tôi, đây thực sự là hai thách thức quan trọng trong kinh tế và chúng ta cần phải giải quyết trong năm 2015. Từ đó sẽ tạo ra những đột phá chuyển biến cho nền kinh tế Việt Nam.

Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


* Từ 1/1/2015, Luật Đầu tư công đã chính thức có hiệu lực. Đây là một trong những Luật đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo Bộ trưởng, đâu là những điểm nhấn quan trọng mà chúng ta cần lưu ý, để giúp cho Luật này có thể thực sự phát huy hiệu quả?

Mất bảy năm Luật Đầu tư công mới ra đời được. Có thể nói, từ việc ra đời Luật cho tới làm thế nào để Luật này được sống khỏe mạnh, đóng góp vào việc quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư công của đất nước còn là một câu chuyện dài.

Chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Đầu tiên và ngay từ bây giờ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phải tích cực thực hiện, đó là hoàn thiện 5 nghị định triển khai Luật để trình Chính phủ. Chúng tôi phải tiến hành đối chiếu lại, chỉnh sửa, cũng như phải cập nhật và xin ý kiến rất nhiều trước khi ban hành các Thông tư, chỉ thị hướng dẫn thi hành Luật.

Nhưng điều quan trọng hơn tôi nghĩ rằng, đó là làm thế nào nâng cao ý thức và nhận thức của các cấp, các ngành về vấn đề đầu tư công. Đã có một thời gian rất dài, chúng ta phân cấp mạnh mẽ, tạo tự chủ cho các bộ, ngành, các địa phương. Tất cả mọi công trình từ nhóm lớn nhất cho tới nhóm bé nhất đều phân cấp và trao quyền phê duyệt cho các địa phương. Thủ tướng không phê duyệt, quyết định bất kỳ một công trình nào.

Luật Đầu tư công mới quy định, với những dự án đầu tư quy mô thuộc loại A của các nhóm, sẽ phải có chủ trương, trình tự và sẽ phải trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Các dự án này phải được phân tích làm rõ, tại sao lại làm như vậy và nếu triển khai thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội gì.

Điều này tạo ra rất nhiều điều kiện và những vướng mắc làm cho các đơn vị đăng ký đầu tư và các cơ quan chủ quản cảm thấy bó buộc. Như vậy, điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là đả thông nhận thức, phải hiểu rõ chúng ta cần phải làm điều đó và cùng nhau làm từ Trung ương tới địa phương.

Tất cả các cấp sẽ phải cùng làm một cách quyết liệt, đảm bảo các công trình đầu tư công có sự rà soát, xem xét kỹ lưỡng trước khi đầu tư. Đây là chủ trương đầu tư. Đây là điều quan trọng chứ không phải nghĩ ra cái gì hay, thích cái gì là làm cái đó ngay, bất chấp nó như thế nào.

Điều thứ hai, theo tôi, đó là phải làm tốt kế hoạch đầu tư trung hạn. Trong Luật Đầu tư công có một vấn đề cốt lõi là chuyển từ đầu tư công hàng năm (năm nào biết năm đấy) sang hình thức đầu tư dài hơi hơn, đầu tư trong 5 năm.

Luật Đầu tư công ra đời là để phục vụ cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020. Đây cũng là một vấn đề mà tất cả các Bộ, ngành chưa bao giờ làm, vì vậy sẽ có những vướng mắc.

Quan hệ của đầu tư công với ngân sách trung hạn như thế nào. Nếu chúng ta không có sự phối hợp nhịp nhàng thì sẽ gây ra sự cản trở lẫn nhau. Cần phải xem xét tới những vấn đề khác như, trần nợ công như thế nào để ra quyết định phát hành trái phiếu hay không…

Nếu chúng ta chỉ trông cậy vào ngân sách như bình thường thì rất có thể nguồn lực của chúng ta trong 5 năm tới sẽ rất thấp, rất ít. Với việc kế hoạch hóa 5 năm trung hạn, chúng ta sẽ có thể quyết định được vấn đề nên bổ sung thêm nguồn lực hay không…

Vừa qua, Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này. Phải nói rằng, đây là vấn đề còn tồn tại rất nhiều các rào cản và nhiều ẩn số ở phía trước.

Chúng ta cần nguồn vốn lớn để phát triển đất nước, còn nhiều công trình then chốt, động lực hiện đang thiếu vốn, nếu chúng ta lại để chi tiêu đồng vốn đó phân tán, không tập trung, không hiệu quả thì chúng ta có tội với đất nước với người dân, những người nộp thuế.

Tuy nhiên, với tinh thần là mỗi một đồng vốn đầu tư công phải được quản lý tốt, chặt chẽ, không thể dễ dàng, không tùy tiện, tôi nghĩ rằng, dù khó mấy cũng phải làm. Tôi có thể kể ra rất nhiều khó khăn mà chúng tôi đang thực thi và đang vướng phải. Nhưng rõ ràng, để làm tốt điều này thì trước hết tôi cho rằng, các Bộ, ngành cần phải thống nhất nhận thức, đồng tình thực hiện.

Điểm thứ hai là chúng ta phải bắt tay vào, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện các khung pháp lý. Có thể trong nhiệm kỳ đầu, việc thực thi sẽ còn nhiều khó khăn, thậm chí làm chậm tiến độ xây dựng kế hoạch, nhưng khi mọi vấn đề đã đi vào những đường ray rồi thì công tác triển khai sẽ rất tốt.

* Bộ trưởng vừa chia sẻ điểm nhấn trong năm 2014 là hai Luật mà Quốc hội đã thông qua là Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi. Hai Luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng mới về đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về tác động mà hai Luật này có thể mang lại cho kinh tế Việt Nam trong năm 2015?

Hai Luật này ra đời với những tư tưởng rất thông thoáng và xuyên suốt. Đó là cố gắng minh bạch nhất, rõ ràng nhất, giúp cho người dân và doanh nghiệp được thực hiện quyền của mình là được đầu tư, kinh doanh vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà luật pháp không cấm.

Thêm vào đó là tư tưởng, làm sao cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường với chi phí rẻ nhất, tăng hiệu quả cho các hoạt động kinh doanh.

Chúng tôi hoàn toàn tin rằng sau khi hai Luật: Đầu tư sửa đổi và Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, cùng những Nghị định và Thông tư hướng dẫn mà nếu chúng ta thực hiện tốt, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh hết sức tốt cho người dân và doanh nghiệp. Đây là điều chắc chắn.

Tuy nhiên, từ môi trường thuận lợi làm sao để cho doanh nghiệp có thể tạo thành làn sóng đầu tư mới hoặc là những cơ hội để cho doanh nghiệp của chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn còn phụ thuộc vào những yếu tốt khác nữa, như: chính sách về tín dụng, giải quyết nợ xấu để cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn hay là những cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh khác kèm theo… Có làm được đồng bộ những điều này thì chúng ta mới có thể tạo ra làn sóng đầu tư tốt được.

Đây là hai Luật gốc. Với những tư tưởng hết sức thông thoáng cùng với việc khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất hoan nghênh, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng những hai luật này sẽ tạo ra động lực mới cho nền kinh tế.

* Xin cám ơn Bộ trưởng.




Diệu Linh (TTXVN)