01:10 18/01/2011

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng qua công tác kiểm tra, giám sát

Trích tham luận “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát - giải pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” do đồng chí Trịnh Long Biên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình bày tại Đại hội XI trong phiên họp ngày 14/1.

Trích tham luận “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát - giải pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” do đồng chí Trịnh Long Biên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình bày tại Đại hội XI trong phiên họp ngày 14/1.

“… Nhiệm vụ chính trị, yêu cầu về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới đặt ra là: Phải bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, một Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo cả hệ thống chính trị, trong điều kiện đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước; mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế.


Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi mới cũng có không ít khó khăn, thách thức, do vậy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được coi là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công.

Một là, phải nắm vững mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát là góp phần bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, năng lực cầm quyền của Đảng; khắc phục cơ bản tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong Đảng; ngăn chặn và đẩy lùi một bước sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.


Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ; giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm. Tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong toàn Đảng về công tác kiểm tra, giám sát. Nâng cao ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Hai là, cấp ủy tập trung vào kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo xem xét giải quyết các vụ việc bức xúc, nổi cộm tại địa phương đơn vị mình; xử lý nghiêm minh theo pháp luật và theo Điều lệ Đảng những cán bộ, đảng viên có vi phạm.


Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, kịp thời phát hiện nhân tố mới để phát huy, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, kịp thời nêu gương cán bộ và tổ chức đảng làm tốt, giúp đỡ cán bộ và tổ chức đảng gặp khó khăn, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ (về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…) và công tác cán bộ (thực hiện nguyên tắc, quy chế, chế độ đã quy định về phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ…).

Bốn là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát bằng việc bổ sung, phát triển quan điểm, nguyên tắc, quy chế, quy trình, quy định trong lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của ngành kiểm tra ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; tăng thẩm quyền cho ủy ban kiểm tra các cấp theo Kết luận về Chiến lược của Bộ Chính trị về phối hợp, xử lý trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng trở lại đây, theo quy định của Điều lệ Đảng, ủy ban kiểm tra cấp trên cơ sở được giao thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên là cán bộ do cấp ủy cấp mình quản lý, có cả hình thức cách chức, lưu đảng, khai trừ (Đại hội III), nhưng trước khi ra quyết định phải xin ý kiến của cấp ủy cùng cấp


Quy định này cho thấy Đảng ta xác định vị trí, vai trò quan trọng của ủy ban kiểm tra các cấp, cơ quan chuyên trách giúp cho Đảng trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng, là cơ quan kiểm tra, giám sát do cấp ủy bầu ra, nắm vững Điều lệ, có nghiệp vụ chuyên sâu, có cơ quan giúp việc, có cán bộ chuyên trách và phương pháp đúng đắn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như chức năng tham mưu, giúp cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng…”.