09:09 03/09/2012

Đổi mới nền giáo dục bằng công nghệ thông tin

Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã quán triệt chủ trương: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.

Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã quán triệt chủ trương: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.

 

Phổ cập tin học cho học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú thị trấn Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung - TTXVN

 

Rất nhiều giải pháp được đưa ra khi bàn đến vấn đề đổi mới nền giáo dục Việt Nam. Trong đó, nhiều ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia đã kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đưa CNTT làm nền tảng cho đổi mới giáo dục.

 

CNTT giúp giải quyết nhiều vấn đề trong giáo dục


Hàng loạt các hội thảo, hội nghị tham vấn về vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam đã được tổ chức trong thời gian qua. Tại đây, nhiều ý kiến đã thống nhất 5 quan điểm cơ bản trong việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam và nhấn mạnh tới, CNTT là nền tảng hiện đại hóa và đổi mới GD - ĐT.


Trên thực tế, CNTT đã và đang trở thành một trong những động lực không thể thiếu đối với sự phát triển trong lĩnh vực GD - ĐT. TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD - ĐT dẫn chứng: “Với sự đóng góp của Viettel, hiện tất cả các trường học ở những nơi có điện đều đã được kết nối Internet, cước phí thuê bao đã giảm 85% so với trước.


Bên cạnh đó, gói cước 3G ưu đãi cho sinh viên, học sinh, giáo viên chỉ 30.000 đồng/tháng cũng đã giúp cho việc kết nối Internet cực kỳ thuận lợi. Khả năng kết nối mạng của giáo dục Việt Nam giờ đây vượt cả Thái Lan vì nước này sử dụng công nghệ vệ tinh, tốn kém chi phí, thiết bị cồng kềnh, băng thông hẹp, còn Việt Nam sử dụng công nghệ cáp quang và vô tuyến có băng thông rộng, truyền được cả hình ảnh, video, chi phí lại rẻ hơn”.


TS Quách Tuấn Ngọc cũng chỉ ra hiện nay, trong các bậc học, ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy ngày càng phổ biến hơn. Nhờ đó, CNTT đã đem đến một tư duy học tập mới, đó là tư duy mở và mềm dẻo. Cụ thể, người học có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, có thể thi văn bằng, chứng chỉ mà không cần phải ngồi đúng lớp như cách thức truyền thống. Trong công tác quản lý giáo dục, CNTT giúp xử lý các dữ liệu và quản lý công tác thi cử tốt hơn. Công tác hoạch định chính sách, chiến lược giáo dục nhờ có sự hỗ trợ của CNTT cũng thuận lợi hơn.


Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, CNTT chính là công cụ hữu hiệu để tổ chức lại hệ thống GD-ĐT, tạo ra thiết chế giáo dục mới.

 

Cần xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia về GD - ĐT


TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT cho rằng, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục chắc chắn phải đưa CNTT vào hệ thống giáo dục. Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong đổi mới giáo dục như tái cấu trúc, trao đổi tài nguyên đào tạo xuyên biên giới, hội nhập quốc tế, dạy và học tiếng Anh trong môi trường sinh ngữ, triển khai mô hình khu đào tạo tập trung gắn với mô hình đa cơ sở (một trường nhiều cơ sở) chỉ có thể được thực hiện hiệu quả khi sử dụng CNTT và dựa trên hạ tầng CNTT tốt.


TS Lê Trường Tùng cũng cho rằng, để đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục chắc chắn phải đưa CNTT vào hệ thống giáo dục một cách cơ bản, toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo đến tài nguyên phục vụ đào tạo, khảo thí. Hiện nay CNTT cũng đang nhanh chóng thay đổi bộ mặt GD-ĐT. GD-ĐT thế kỷ 21 dựa trên nền tảng CNTT sẽ tạo thuận lợi để đào tạo nhân lực cho kinh tế hướng tới tri thức và hội nhập.


PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy việc biến lợi ích tiềm năng của CNTT thành hiện thực một cách có chất lượng hiệu quả đòi hỏi nhiều nỗ lực. Điều quan trọng và khó khăn đó là chương trình dạy học, khả năng sư phạm, sự sẵn sàng của các yếu tố quản lý, trình độ, năng lực của nhà giáo, sự ổn định của các nguồn tài chính, cung cấp công nghệ và hàng loạt các vấn đề khác.


Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, điều căn bản của đổi mới GD-ĐT là chuyển từ việc dạy học - đào tạo hiện nay là áp đặt, truyền thụ một chiều, học thuộc là chính sang dạy và giúp học sinh, sinh viên học chủ động, tích cực, sáng tạo; tập trung phát triển các năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, khả năng tự học, học tập suốt đời... Phát triển giáo dục trong môi trường CNTT sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề trong giáo dục.


Tại hội thảo gần đây nhất về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, muốn xác định CNTT là nền tảng hiện đại hóa và đổi mới GD-ĐT thì cần phải xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia về giáo dục và đào tạo, bao gồm: quản lý giáo dục điện tử, học liệu điện tử, đào tạo trực tuyến cho người học và người dạy, khảo thí điện tử; áp dụng giáo dục điện tử, sử dụng sách giáo khoa và học liệu điện tử... Đào tạo tin học là chương trình bắt buộc trong tất cả các bậc học. Đây được xem là những giải pháp cốt lõi về lĩnh vực CNTT được kiến nghị và trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.



Lê Vân