06:20 12/06/2015

Đổi mới giáo dục phải có chiến lược lâu dài

Nhiều ý kiến của cử tri đánh giá cao và đồng tình với những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng như phần trả lời chất vấn sát thực tế của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận trong chiều 12/6, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri cả nước. Phóng viên TTXVN tại Hà Nội, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri đánh giá cao và đồng tình những câu hỏi chất vấn, trả lời chất vấn sát với thực tế của các đại biểu Quốc hội và của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


* Đổi mới chương trình sách giáo khoa là cần thiết

Cử tri Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Đại biểu Nguyễn Phương Thảo (Hải Dương) đã có câu hỏi rất hay về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa nhưng đổi mới phải phù hợp với văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế.

Về câu hỏi này, bộ trưởng trả lời cũng rất sát với thực tế, khiến tôi cũng thấy yên tâm bởi bộ trưởng khẳng định việc đổi mới chương trình sách giáo khoa không phải là bỏ hết các nội dung cũ mà có sự kế thừa, có chọn lọc những tinh hoa tốt đẹp, bổ sung những cái thiếu, bỏ những cái không phù hợp.

Theo ý kiến của cá nhân tôi việc đổi mới chương trình sách giáo khoa là cần thiết bởi bộ sách giáo khoa đang sử dụng lâu nay đã có những phần lạc hậu, thậm chí có những phần, nội dung chưa phù hợp, chưa theo kịp những đổi thay của xã hội, nên việc thay đổi là tất yếu.

Tôi cũng nhận thấy các em học sinh của Việt Nam nói chung và của Thanh Hóa nói riêng trong những năm vừa qua khá giỏi về lý thuyết, nhưng lại kém trong khâu thực hành, nên theo tôi trong việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, ngành giáo dục cũng cần chú ý tăng thêm các tiết học thực hành và giảm bớt các tiết học lý thuyết nhằm giúp các em có thể áp dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi học sinh. Qua đó giúp các em học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.

Nhà giáo Phạm Thị Kim Liên ở Khu tập thể Trung Tự- Đống Đa (Hà Nội) cho biết: về trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đối với các vấn đề lớn được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII như đổi mới chương trình sách giáo khoa, sự chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới và việc thực hiện Thông tư 30... tôi thấy, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên phần trả lời lưu loát rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề mà cử tri quan tâm, nhất là đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang đến gần để các em học sinh cũng như phụ huynh học sinh yên tâm, không quá căng thẳng, lo lắng với kỳ thi để làm bài đạt kết quả tốt.

Đối với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, đây là một việc hệ trọng có ảnh hưởng tác động lớn đến mục tiêu giáo dục, chất lượng dạy và học của thầy và trò. Là người trong ngành, trong nghề tôi biết để làm ra một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đảm bảo tiêu chí, yêu cầu không hề đơn giản, nói thì dễ, làm lại là một chuyện khác.

Về thay đổi sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa ra yêu cầu, nguyên tắc kế thừa thành tựu chương trình, sách giáo khoa hiện hành, chỉ thay đổi những quyển, những nội dung không phù hợp. Làm theo hướng này là phù hợp với thời gian biên soạn, thử nghiệm, tập huấn ngắn và đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo được yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra.

* Đánh giá học sinh tiểu học cần sát đúng năng lực của học sinh


Quan tâm đến Thông tư số 30 quy định về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cử tri Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng đã có nhiều mặt chuyển biến tích cực cho giáo viên và học sinh. Cụ thể, giáo viên chủ động hơn trong công tác giảng dạy; riêng đối với học sinh được giảm sức ép, áp lực về điểm số.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận xét của giáo viên dành cho học sinh giúp giáo viên thể hiện cái tâm của một người thầy. Tuy vậy, qua thời gian thực hiện, đã phát sinh không ít những khó khăn cho chính người trực tiếp giảng dạy. Nhiều nội dung yêu cầu đánh giá học sinh về kết quả môn học, năng lực, phẩm chất… đã tạo áp lực cho chính giáo viên. Ngoài ra, sổ sách theo dõi năng lực cho học sinh quá nhiều, và việc khen thưởng chưa thực sự cụ thể và thực tế đối với tâm lý của học sinh tiểu học.

Hoan nghênh phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc sẽ tiếp tục cải tiến, thay đổi theo hướng giảm bớt các phần ghi chép cho giáo viên, cử tri Võ Ngọc Thu kiến nghị, Thông tư 30 đã mạnh dạn đổi mới trong công tác giảng dạy và tiếp thu của thầy và trò, nhưng cũng cần đi sâu sát hơn vào thực tế. Trong năm học tới, về mặt đánh giá học sinh chỉ cần đánh giá 2 mặt là kết quả và thực hiện các nhiệm vụ của học sinh. Đối với đề thi kiểm tra cuối năm mỗi lớp, hiệu trưởng các trường cần là người duyệt đề, riêng đối với kiểm tra học sinh cuối cấp, nên để Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề để đảm bảo sự khách quan trong thi cử.

Cử tri Thanh Hóa theo dõi phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: TTXVN


Cô giáo Bùi Vũ Liên Hương, dạy lớp 5 trường Tiểu học quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội về các vấn đề Đổi mới Chương trình sách giáo khoa, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới và việc thực hiện Thông tư 30 là chỉ đánh giá nhận xét học sinh thay vì cho điểm như trước đây... lưu loát, đi thẳng vào vấn đề mà cử tri quan tâm, thậm chí còn động viên học sinh, cha mẹ học sinh yên tâm với việc đổi mới trong thi cử không gây căng thẳng cho các em.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Thông tư 30 tôi thấy còn nhiều bất cập, các thầy cô giáo tiểu học cũng đang bị gây áp lực. Bởi thay vì cho điểm, nay phải viết nhận xét về sự tiến bộ của từng em. Các trường đều có quy định là lời nhận xét phải tinh tế, tránh làm tổn thương các em và không lặp lại. Vì thế giáo viên phải mất nhiều thời gian và nhiều lúc lời phê không phản ánh đúng năng lực của học sinh.

Phê tốt thì thành sáo rỗng mà phê xấu sẽ làm tổn hại các em. Một lớp có tới gần 50 học sinh, thậm chí có lớp còn hơn 50 học sinh, một mình cô giáo chủ nhiệm khó có thể nhớ hết điểm yếu, điểm mạnh của từng em khi không chấm điểm. Vào cuối năm học 2014-2015, nhiều nhà trường lại quá rộng rãi trong khen thưởng, nhưng cũng có nhiều trường lại khắt khe... điều này dẫn đến sự nhận xét, đánh giá các em không sát, không đem lại động lực để các em phát huy thế mạnh của mình.

* Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia nhằm nâng cao chất lượng học sinh


Nhất trí với những bước đổi mới giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và đào tạo, cử tri Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường Tư thục Nhân Việt, quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: Sự đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra vào tháng 7 này đã tạo được sự đồng thuận của đa số, cho thấy sự chuyển biến tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lắng nghe những phản hồi của xã hội, đặc biệt, giảm bớt gánh nặng tâm lý thi cử cho học sinh và phụ huynh, tiết kiệm ngân sách quốc gia. Theo cử tri Hiếu, kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, đề thi cần có sự phân hóa cao nhưng cũng không quá khó để các em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp có thể tốt nghiệp.

Cử tri Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức cho biết: Ban đầu tôi cũng rất băn khoăn như đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) bởi trước đây thi tốt nghiệp THPT là do địa phương chấm điểm, nhưng do đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, nên việc chấm điểm thi tốt nghiệp và đại học là do các cơ sở giáo dục đại học chấm điểm, điều này có thể làm giảm tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT. Về câu hỏi này bộ trưởng đã giải đáp thắc mắc cho đại biểu Trịnh Ngọc Thạch cũng như nhiều cử tri đó là việc coi thi và chấm thi đã có quy chế riêng. Ngành giáo dục cũng sẽ làm nghiêm túc không để xảy ra tình trạng gian lận trong thi cử nhằm nâng cao chất lượng học tập của các em học sinh.

Cử tri Nguyễn Mạnh An cho biết thêm trường Đại học Hồng Đức đã được chọn làm cụm thi chung của hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Nhà trường cũng đã chuẩn bị hơn 1.500 phòng thi. Các điểm thi được lựa chọn chủ yếu là trường đại học, cao đẳng, trung cấp và THPT, THCS thuộc các huyện nằm dọc Quốc lộ 1A nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh đi lại, ăn ở và tìm địa điểm thi.

Tuy nhiên các thí sinh ở 11 huyện miền núi ở Thanh Hóa đăng ký thi đại học khá thấp một phần do đường sá đi lại khó khăn, có nơi từ trung tâm huyện xuống đến thành phố Thanh Hóa xa đến gần 300km nên ngành giáo dục cũng cần có chính sách hỗ trợ các em trong việc đi lại như chuẩn bị phương tiện đưa các em học sinh xuống thành phố để đi thi.

Đối với Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa, cử tri Bùi Gia Hiếu cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mạnh dạn đổi mới mạnh mẽ, nhấn mạnh hình thức tiếp cận năng lực của học sinh, giúp học sinh phát huy được năng lực học tập thật sự, đáp ứng được nhu cầu của xã hội đào tạo người lao động có khả năng làm việc quốc tế.

Cử tri Hiếu đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc bộ sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách và khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, cử tri Bùi Gia Hiếu kiến nghị, việc biên soạn sách giáo khoa cần có sự tham dự của chính giáo viên là người trực tiếp giảng dạy chương trình phổ thông vì họ là người hiểu được năng lực và mong muốn của học sinh. Khi bộ đã ra khung chương trình cần tham khảo ý kiến của các nhà khoa học để họ phản biện, nhằm tạo sự khách quan hơn.

* Cải cách giáo dục phải có chiến lược lâu dài

Cử tri Lê Đức Thi, Bí thư Chi bộ phố Dương Đình Nghệ 1, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa cho rằng, cải cách nền giáo dục quốc dân là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển xã hội hiện nay, phù hợp với thời cuộc của đất nước cũng như sự phát triển của thế giới.

Tuy nhiên, thay đổi, cải cách nền giáo dục nói chung và chương trình sách giáo khoa nói riêng không phải là công việc một sớm một chiều, điều cần thiết là ngành giáo dục phải có chiến lược lâu dài, thống nhất cao. Về việc đổi mới kỳ thi quốc gia là là cách làm hay, mới và khoa học, nhưng cần phải có chiến lược lâu dài, cụ thể, phải có sự chuẩn bị, thử nghiệm, rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà.

Cử tri Lê Đức Thi cũng bày tỏ ý kiến về quan điểm đào tạo và sử dụng nhân tài của Đảng, cử tri Lê Đức Thi đánh giá, đây là quan điểm sáng suốt, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển đất nước.

Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống cần phải thực hiện thống nhất, khoa học, công bằng và phải có chế tài cụ thể, sát thực với thực tế. Cử tri Lê Đức Thi cũng cho rằng, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có chất lượng cao, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, điểm chưa phù hợp của hệ thống giáo dục, cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.


TTXVN/Tin Tức