11:06 19/11/2014

Đổi mới cơ chế đánh giá công chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đăng đàn để trả lời 18 lượt chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, “nóng” nhất là các vấn đề liên quan tới việc tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan Trung ương, cải cách hành chính và chế độ tiền lương...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đăng đàn để trả lời 18 lượt chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, “nóng” nhất là các vấn đề liên quan tới việc tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan Trung ương, cải cách hành chính và chế độ tiền lương để thu hút nhân tài.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn.


“Lạm phát” cấp phó

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đặt vấn đề, hiện nay số lượng cấp phó quá “lạm phát”, làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, theo quy định, cấp phó trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, một số cơ quan ngang bộ sẽ có 4 người, nếu tăng thêm thì phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự Đảng của Chính phủ rồi trình Bộ Chính trị quyết định. Bộ Nội vụ đã đề nghị quy định cứng nhưng khi đưa ra thảo luận, bỏ phiếu ở Chính phủ thì không thông qua được, số ủng hộ không vượt quá bán. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ trao đổi với các bộ. Bộ Nội vụ đã đề nghị ít thứ trưởng, cấp phó thì các bộ lại đề nghị số lượng nhiều.

Thực tế, quy định cấp bộ là 4 phó nhưng bình quân là 5,4; Cấp tổng cục 3 nhưng bình quân 3,69; Cấp vụ 3 bình quân là 3,04. Như vậy, chỉ có cấp thứ trưởng và các cơ quan ngang bộ, tổng cục tăng, còn các đơn vị khác cơ bản không có vượt quá quy định.

Đề giải quyết thực trạng này, phải hướng tới quy định cứng số thứ trưởng ở các bộ, để không có sự bàn cãi. Cấp phó ở các chức danh khác đã được quy định cứng.

Theo Bộ trưởng, việc bổ nhiệm quá nhiều cấp phó gây lãng phí, không tạo được sự đồng thuận trong nội bộ và ngoài xã hội. Nhưng do sức ép công việc của một số cơ quan, nền hành chính của chúng ta họp hành nhiều phải có cấp phó đi họp. Ngoài ra, do đặc thù một số ngành đòi hỏi nhiều cấp phó do số lượng công việc nhiều. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã làm gương trong việc giảm cấp phó, từ 6 thứ trưởng, sau đó là 7, giảm xuống chỉ còn 4 thứ trưởng như hiện nay. Nhưng việc này vẫn chưa lan tỏa ra các bộ khác. Thực tế, có một số cơ quan có nhiều cấp phó mà không xuất phát từ yêu cầu.

Ngoài ra, để tinh giản biên chế, Bộ trưởng Thái Bình cho biết: “Sẽ tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có quy định cứng, thực hiện cho thống nhất, còn nếu vượt chỉ tiêu thì tự điều chỉnh nội bộ. Ngoài ra, cần có chương trình nghiên cứu tổng thể để có giải pháp phù hợp. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiến hành xây dựng đề án xác định vị trí việc làm, trên cơ sở đó tính toán biên chế phù hợp và tinh giản biên chế, giảm biên chế không đáp ứng được yêu cầu công việc, không hoàn thành nhiệm vụ, thay bằng các đồng chí có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ của địa phương”.

Một vấn đề nữa cũng liên quan tới biên chế đó là các quy định về hàm trong các cơ quan hành chính. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt câu hỏi, nhiều nơi quy định hàm vụ trưởng, hàm trưởng phòng… tiêu chuẩn nào để quy định những hàm này?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bình cho biết, không có quy định nào về bổ nhiệm hàm, nhưng nhiều đơn vị vận dụng để cho hưởng. Đây là vấn đề cần quan tâm. Tháng 6/2014, chúng tôi đã có công văn gửi các bộ, ngành về việc các công chức được hưởng cấp hàm. Hiện có 329 công chức đang được hưởng chế độ này, cấp phòng cũng có hàm, hiện hưởng hàm vụ trưởng 96 người, trưởng phòng 76, phó phòng 17 người… Có nơi ban hành cả quy chế bộ nhiệm hàm. Bộ đã tổ chức nghiên cứu về mặt lý luận, thực tiễn, một đồng chí thứ trưởng đứng đầu để giải quyết vấn đề này.

Sử dụng người tài


Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) chất vấn, số công chức lười nhác ngày càng nhiều, đây có phải là gia tăng tham nhũng của bộ máy hành chính?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân là do sử dụng cán bộ chưa đúng phẩm chất của từng người, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Chế độ tiền lương chậm cải thiện. Tuyển đầu vào chưa thực sự tìm được người có năng lực, tâm huyết. Tinh thần tự phê bình chưa cao, dĩ hòa vi quý, sợ đụng chạm, người tự đánh giá chưa đúng. Người đứng đầu cơ quan chưa phân loại đánh giá đúng mức.

Để hạn chế tình trạng này, phải đổi mới cơ chế đánh giá, cấp trên trực tiếp đánh giá cấp dưới, sử dụng người có tài năng, làm được việc. Phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phân loại chất lượng của từng cán bộ, công chức. Ngoài ra, phải nâng cao nhận thức, người đứng đầu làm gương, nêu gương người tốt, việc tốt thì mới có sự chuyển biến.

Hơn nữa, phải hoàn thiện thể chế, chức danh công chức, xác định cụ thể vị trí việc làm để xây dựng biên chế phù hợp. Phân công cụ thể thì việc đánh giá càng sát. Xây dựng quy chế theo dõi thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, từng loại hình tổ chức thì cụ thể hóa bởi từng cơ quan như: y tế, giáo dục, công an… sẽ khác nhau. Bộ đã công bố chỉ tiêu cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, để nhân dân đánh giá, các cơ quan giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) dẫn chứng, vừa qua, thầy Đặng Minh Tuấn, tại Trường Amsterdam (Hà Nội) có nhiều thành tích xuất sắc mà trượt viên chức, như vậy việc thi cử hiện nay có phù hợp không?


Bộ trưởng cho biết, trong việc thu hút nhân tài đã có quy định trong Nghị định 29 về xét tuyển, đặc cách, người có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên, đáp ứng được ngay công việc, tốt nghiệp loại giỏi, có chuyên ngành phù hợp, có tài năng, năng khiếu đặc biệt… Do vậy, nếu xem xét phù hợp thì có thể tuyển thẳng.
Ngoài ra, về vấn đề này, Bộ cũng được Bộ Chính trị giao thành lập đề án về sử dụng nhân tài là các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ. Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng Nghị định trọng dụng người có tài năng để báo cáo Thủ tướng.

Bên cạnh đó, để thu hút thêm nhân tài qua việc tăng lương, cần tạo nguồn ngân sách cho kế hoạch điều chỉnh tiền lương cho các năm sau. Theo Bộ trưởng, cần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, các cơ quan đơn vị phải tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy nhân sự cho hiệu quả...

Kết luận phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Bộ Nội vụ đã đưa ra nhiều giải pháp, có tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng cần quan tâm đặc biệt tới kiểm tra, đánh giá công chức, viên chức, đánh giá đội ngũ cán bộ vừa qua chưa thật tốt. Cần tiếp tục rà soát để có đánh giá chính xác, đổi mới cơ chế đánh giá, kèm theo đó có chế độ thi tuyển viên chức chặt chẽ trên tinh thần đổi mới. Chọn ra người thực tài, tuyển chọn đi đôi với trọng dụng nhân tài. Hơn nữa, cần tiếp tục rà soát cơ chế, bộ máy, quy định cấp phó rõ ràng, từ đó giải quyết cho được vị trí việc làm, trên cơ sở đó tinh giản biên chế một cách đồng bộ.

Hữu Vinh