11:17 01/11/2011

Đời cười 11 - “Lên đời” nhưng chưa... đã!

Khai thác chuyện “chạy chọt” vốn là chủ đề nóng trong cuộc sống hằng ngày, vậy nhưng phiên bản thứ 11 của Đời cười xem ra vẫn chưa thỏa mãn được sự trông đợi từ khán giả.

Khai thác chuyện “chạy chọt” vốn là chủ đề nóng trong cuộc sống hằng ngày, vậy nhưng phiên bản thứ 11 của Đời cười xem ra vẫn chưa thỏa mãn được sự trông đợi từ khán giả.

Sự trông đợi ấy được hình thành từ việc sân khấu hài phía Bắc đang bị đánh giá là ngày một nhạt dần trong thời gian vừa qua. Bởi thế, với “thương hiệu” Đời cười được khẳng định từ hơn chục năm nay, khán giả mong mỏi được thấy phong cách đặc trưng của kịch Tuổi trẻ khi nhìn về những chuyện thời sự như... “chạy chọt”: nụ cười đến không chỉ từ nhân vật, từ diễn xuất mà còn từ sự thú vị khi phát hiện hàng loạt cái trái khoáy, ngược đời mà vẫn hiện hữu ngang nhiên cứ rất hợp lý, hợp tình.

Cảnh trong tiểu phẩm Cưới chạy


Nếu theo cách nhìn này, 2/4 tiểu phẩm của Đời cười 11 có nội dung khá đơn giản và sơ lược, cho dù xoay quanh những kiểu “chạy” đang rất phổ biến trong xã hội hiện đại: chạy chức, chạy học, cưới chạy và chạy... nghèo.Chạy chức được cảm tác từ tiểu phẩm Việc làng và Lý trưởng - Mẹ Đốp trong chèo cổ, nhưng chỉ giữ nguyên hệ thống nhân vật với những vợ mõ và các hương chức mù, câm, điếc. Đó là câu chuyện về một vị quan lớn về làng gặp hương chức để tuyển người tài ra giúp nước. Kết quả: vị hương chức gửi “quà cám ơn” bằng vàng thì được cơ cấu, những người khác vì lễ vật giản dị nên... trượt từ vòng gửi xe. Chấm hết. Ấm ức trước câu chuyện theo kiểu “hai với hai là bốn” như vậy, khán giả phải tự hỏi rằng tại sao tác giả dụng công “mượn xưa nói nay” mà không chọn lấy một câu chuyện về nạn chạy chức ngay từ đời sống thường nhật - vốn dĩ sống động và phong phú hơn nhiều.

Hoặc như tiểu phẩm Cưới chạy. Một gia đình cụ ông qua đời nhưng vẫn phải vội vàng lo đám cưới cho cậu cháu đích tôn trót “ăn cơm trước kẻng”. Theo thỏa thuận, nhà gái sẽ chủ động “ôm” phần tổ chức đám cưới, để nhà trai tập trung lo tang lễ. Người xem khá hào hứng trước “viễn cảnh” về những tình huống dở khóc dở cười, để rồi tiểu phẩm bỗng kết thúc khá bất ngờ: bị đánh thức bởi nhạc hiếu của phường bát âm, cụ ông tưởng như qua đời bỗng tỉnh lại, sau đó lại... ra đi vĩnh viễn vì tiếng nhạc đám cưới chát chúa. Chỉ vậy, không xuất hiện những gì được khai thác sâu hơn để khán giả có thể cười và ngẫm nghĩ về cuộc đời.

Chạy học và Chạy nghèo – hai tiểu phẩm còn lại – có phần hấp dẫn người xem hơn. Với khả năng diễn xuất khá tốt của NSƯT Ngọc Huyền, Chạy trường dựng lại cảnh một cụ bà 80 tuổi khăn gói đi lo “nâng điểm” để chắt mình lên lớp giữa sự bát nháo, ầm ĩ của hàng loạt ông bố bà mẹ đang chen vai xếp hàng để nộp đơn xin học cho con. Chạy nghèo thành công bởi cách nhập vai của “ông nói nhiều” Đức Khuê trong câu chuyện về một cán bộ xã luôn miệng “tố khổ” để mong được rót kinh phí xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, so với sự háo hức khi xem những Bến ô sin hay Những bệnh nan y từng làm nên thương hiệu của Đời cười trước đây, cảm xúc của người xem vẫn có chút gì... chưa thỏa. Có lẽ, nạn thiếu vắng kịch bản hài chất lượng cũng ảnh hưởng không ít tới những chương trình có thương hiệu như Đời cười, cho dù đạo diễn NSND Lê Hùng và các diễn viên Đoàn kịch II Tuổi trẻ đã cố hết sức để... bù vào khoảng trống ấy.


Theo thethaovanhoa