11:23 25/11/2011

Độc đáo Tết cơm Đe Mường Rậm

Người dân Mường Rậm, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đón Tết cơm Đe vào ngày 26/10 âm lịch. Không khí chuẩn bị cho ngày Tết vui vẻ, nhộn nhịp khắp xóm làng.

Người dân Mường Rậm, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đón Tết cơm Đe vào ngày 26/10 âm lịch. Không khí chuẩn bị cho ngày Tết vui vẻ, nhộn nhịp khắp xóm làng. Đây là một cái Tết độc đáo của người dân Mường Rậm, vì chỉ duy nhất người dân ở Lạc Thịnh mới tổ chức Tết cơm Đe. Trên mâm cúng Tết bao giờ cũng phải có quả đu đủ luộc, quả mướp đồ, măng giang tươi luộc hoặc đồ bên cạnh món vừng rang giã mịn, không cho muối hoặc bất kỳ gia vị nào khác. Đặc biệt không thể thiếu món cơm Đe. Cơm Đe được đồ bằng gạo nếp, sau đó trộn ủ với men bằng lá cây rừng. Đây là thứ quan trọng nhất trong mâm cúng Tết cơm Đe.

Mâm cỗ cúng trong Tết cơm Đe của người Mường Rậm (xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy).


Ông Bùi Văn Mạp, Chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh, cho biết: “Người Mường Rậm ăn ba cái Tết lớn, gồm Tết Nguyên đán, Tết Độc lập và Tết cơm Đe. Trong đó, Tết cơm Đe được tổ chức to và đông vui hơn cả. Những ngày này, con cháu của làng dù đi làm ăn, sinh sống ở đâu cũng đều cố gắng thu xếp công việc, kịp về đông đủ.

Để có mâm cỗ cúng Tết được chu tất, các gia đình chuẩn bị đầy đủ đồ cúng từ chiều hôm trước như hái đu đủ, măng giang... Riêng cơm Đe thì phải chuẩn bị trước đó từ 7 - 8 ngày. Từ mờ sáng ngày 26/10 gia đình nhà nào cũng tất bật chuẩn bị cúng Tết, bởi theo quan niệm của người Mường Rậm, lúc tinh mơ là khoảng thời gian linh thiêng và mát mẻ nhất. Mâm lễ dâng lên ông bà, tổ tiên được đặt chính giữa hướng ngôi nhà sàn. Tùy theo từng gia đình và với cách tính của dòng họ mà có số mâm cúng khác nhau. Chủ nhà mời thầy mo có uy tín trong làng đến cúng. Nội dung của bài cúng Tết cơm Đe là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, con người khỏe mạnh. Lễ cúng kết thúc cũng là lúc cả gia đình cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ Tết ăn uống, hưởng lộc. Từ các cụ già đến trẻ nhỏ, ai cũng đều thưởng thức một bát cơm Đe để lấy may mắn, mạnh khỏe.

Cụ Bùi Văn Tề, xóm Đình, xã Lạc Thịnh kể lại: Ngày xưa, có một vị tướng đem quân đi đánh giặc. Nhưng trận ấy ông chẳng may bị thua, ông cùng đoàn tùy tùng vượt qua núi rừng chạy về vùng Yên Thủy. Đến khu vực xã Lạc Thịnh thì trời đã chuyển sang ngày 26 tháng 10 (âm lịch). Vừa bị đau, vừa đói, vị tướng đã gõ cửa nhà một người dân tộc Mường ở đây xin nghỉ lại. Vì nhà nghèo không có lương thực dự trữ, chủ nhà đành luộc bí xanh, đu đủ và vài con măng giang đang chỏng chơ trong góc bếp nhà sàn để vị tướng và tùy tùng ăn cho qua bữa. Đang ăn những thứ đó với vừng rang giã nhỏ không có muối (bởi ngày xưa muối trên miền núi rất hiếm) thì chủ nhà chợt nhớ ra là còn có ít cơm Đe đang ủ, chuẩn bị nấu rượu dùng vào dịp Tết Nguyên đán, vội lấy ra mời vị tướng. Nó không còn là cơm nữa, nhưng cũng chưa phải là rượu, xưa nay người dân ở Lạc Thịnh không ai ăn. Sáng hôm sau, trước khi đi, cảm kích trước tấm lòng của người dân ở đây và thương dân nghèo đói, vị tướng đã lập đàn cúng thần cầu mưa. Thật linh thiêng, vị tướng cúng xong thì trời đổ mưa, dân làng ai cũng vui mừng khôn xiết.

Biết ơn vị tướng, hàng năm cứ đúng ngày 26/10 (âm lịch) người dân ở đây lại tổ chức Tết cơm Đe. Vật cúng trong mâm chính là những thứ mà vị tướng trước kia đã ăn, nhất là món cơm Đe là thứ không thể thiếu. Và cũng thật ngẫu nhiên, cứ đúng vào dịp 26/10 (âm lịch) hằng năm thì ở vùng Mường Rậm trời lại đổ cơn mưa, không to thì nhỏ, làm cho không khí ngày Tết cơm Đe càng thêm dư vị.

Cuộc sống của người dân Mường Rậm ở xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy ngày càng ấm no, hạnh phúc. Song điều đáng quý nhất ở đây là những nghi lễ truyền thống vẫn được giữ nguyên vẹn. Mâm cơm chay cổ truyền dâng lên ông bà, tổ tiên làm cho cả gia đình nhớ về những năm tháng khó khăn, thiếu thốn của dân tộc. Nếu ai đã từng đến Lạc Thịnh và thưởng thức cơm Đe, chắc hẳn sẽ không thể quên được hương vị riêng, độc đáo mà không dễ gì bắt gặp được ở nơi nào, lại càng không quên được tấm lòng hiếu khách của bà con nơi đây.

Bài và ảnh: Hương Thu