09:18 02/09/2011

Độc đáo Lễ Tu Cải của người Dao

Trong đời sống tín ngưỡng của người Dao, chưa làm Lễ Tu Cải dù người đàn ông có thể có vợ, có con thậm chí có cháu vẫn chưa phải là con người thực thụ.

Theo quan niệm của người Dao, những đứa trẻ là nam nhi khi chưa làm Lễ Tu Cải (còn gọi là lễ cấp sắc) thì chưa phải là một con người đích thực. Chính vì thế, Tu Cải là một nghi lễ tín ngưỡng tâm linh chứng nhận đứa bé trai đã  trưởng thành, được tổ tiên, thần linh nhận mặt.

Khi các gia đình tổ chức Lễ Tu Cải sẽ dựng cây nêu trước nhà báo cho bà con dân bản đến chung vui.


Trong đời sống tín ngưỡng của người Dao, chưa làm Lễ Tu Cải dù người đàn ông có thể có vợ, có con thậm chí có cháu vẫn chưa phải là con người thực thụ. Chưa qua Tu Cải cũng đồng nghĩa với việc chưa có linh hồn, người đàn ông có chết cũng không được làm ma, không được cộng đồng thừa nhận với tư cách một cá nhân độc lập. Vì thế, Lễ Tu Cải cũng được hiểu như sự sinh thành lần thứ 2 của một người đàn ông. Lễ Tu Cải cũng là quá trình mang thai, sinh nở của người mẹ, người mẹ ở đây chính là các thầy cúng có nghĩa vụ thiêng liêng, hoài thai, sinh sản, ghép vào đứa bé trai phần linh hồn của người đàn ông.

Các thầy cúng làm các nghi thức gọi tổ tiên người Dao về nhận con cháu đã trưởng thành.


Đối với các bản người Dao, các gia đình có con trai sắp đến tuổi trưởng thành (từ 10 – 15 tuổi) sẽ tập hợp nhau lại cùng nhau tổ chức Lễ Tu Cải. Các gia đình sẽ phải mời thầy cúng chọn ngày tốt trong năm để tổ chức lễ. Trước ngày làm lễ, các bé trai phải thực hiện các kiêng kỵ trong 9 ngày, việc kiêng kỵ cực kỳ nghiêm ngặt: Tuyệt đối không được sát sinh từ lá cây, ngọn cỏ đến con kiến con sâu, không được đào đất, ăn chay, mỗi ngày chỉ được ăn 2 lưng bát cơm với canh nhạt, không được uống nước, không được nhìn ánh nắng mặt trời.

Trình diện các cháu bé được làm Lễ Tu Cải trước tổ tiên và thần linh của người Dao và làm nghi thức soi sáng tâm hồn và thể xác .


Lễ Tu Cải diễn ra liên tiếp trong 9 ngày. Trong 9 ngày đó, sẽ có 3 thầy cúng chính và 10 thầy cúng phụ thay nhau nhảy múa mời tổ tiên, thần linh về dự lễ và nhận mặt người nam nhi sắp được công nhận là đã trưởng thành trong cộng đồng. Lễ quan trọng nhất sẽ diễn ra vào ngày thứ 9 khi tiến hành các nghi thức rơi Mà Đài. Mà Đài là những cái cột cao được dựng ở bãi đất trống trên có đặt một cái bàn phẳng tượng trưng cho chiếc bào thai của người mẹ sắp hoài thai sinh nở.

Làm lý trước khi ra Mà Đài (nơi thử thách cuối cùng của các thiếu niên để được chứng nhận đã trưởng thành cả tâm hồn và thể xác).

Trong quá trình đưa các nam nhi lên Mà Đài, các thầy cúng tiến hành các nghi thức như những bài học cực kỳ quan trong đối với người đàn ông Dao, như: Dạy cách bảo vệ bản mường, dạy cách dựng nhà, dạy cách lên rừng săn thú, dạy cách báo hiếu đối với bố mẹ đã sinh thành…

Lưới được kết từ dây rừng tượng trưng cho bào thai của người mẹ để hứng các cháu thiếu niên khi rơi Mà Đài.


Sau khi rơi Mà Đài, mỗi đứa bé trai có thêm ba người bố cũng chính là ba người thầy đã mang lại cho chúng ba phần hồn và một cái tên mới, cái tên này chỉ để “trò chuyện” với thần linh và tổ tiên. Từ đây, người đàn ông phải có trách nhiệm gánh vác nhiệm vụ của bản mường, của gia đình.

Nghi thức rơi Mà Đài – Thử thách cuối cùng để chứng nhận thiếu niên đã trưởng thành.

Thầy cúng mở vỏ bọc sau khi rơi Mà Đài.



Lễ Tu Cải là nghi lễ tín ngưỡng quan trọng bậc nhất trong đời sống tinh thần của người Dao, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Các cha mẹ có con được làm Lễ Tu Cải dâng rượu cảm ơn thầy cúng. Chính những vị thầy cúng này sẽ là những người cha mới trong đời sau này của các chàng trai.



Bài: Thông Thiện ; Ảnh: Yên Ninh