03:00 10/03/2012

Độc đáo Hội hát Ví của dân tộc Cao Lan Yên Bái

Ngày nay, do có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc thiểu số nên người Cao Lan (hay còn gọi là người Sán Chay) ở Yên Bái đã du nhập nhiều nét văn hóa của các dân tộc khác vào đời sống tinh thần

Ngày nay, do có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc thiểu số nên người Cao Lan (hay còn gọi là người Sán Chay) ở Yên Bái đã du nhập nhiều nét văn hóa của các dân tộc khác vào đời sống tinh thần.

Xình ca là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa của người Cao Lan.


Nhưng Hội hát Ví (hát Xình ca) vẫn được lưu truyền ở các xã: Tân Hương, Đại Đồng, Tân Nguyên, Bảo Ái... huyện Yên Bình. Xình ca là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa của người Cao Lan mỗi khi mùa xuân về. Lời hát Xình ca trang nhã, tình tứ và thường dựa vào cảnh sinh hoạt hàng ngày để nói lên nỗi lòng mình.

Xình ca chính là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng. Khi hát Xình ca, đồng bào sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình kết hợp cùng trang phục truyền thống. Chính sự kết hợp hài hòa này đã tạo nên nét văn hóa riêng của người Cao Lan. Nói đến Xình ca là nói đến một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp giao duyên, lời hát có từng chương, trai gái hát đối nhau hết chương này nối sang chương khác, lời hát đối đáp mộc mạc của các chàng trai cô gái Cao Lan cứ say sưa kéo dài chưa hết. Đây chính là nét độc đáo trong thơ ca của người Cao Lan.

Trai gái Cao Lan đến với nhau để thổ lộ tâm tình không chỉ qua những đêm hát mà họ còn hát với nhau ở trên đồi núi, ruộng đồng, góp phần xua đi những mệt mỏi vất vả sau mỗi vụ mùa.

Tương truyền, người sáng tạo ra bài hát này là nàng LauSlam (phiên âm Hán nôm là nàng Lưu Ba hay Lưu Tam).
“LauSlam làm ra thơ ca cho con người tiếp lấy

Ba mươi sáu ngày đêm hát không hết lời”

Nàng LauSlam là người có tiếng hát trong như tiếng chim. Trong ngày hội xuân LauSlam đã hát Xình ca với chàng Dừn đến nỗi "Con nộc cau (tên tiếng Cao Lan của một loài chim) bảy đêm đi tìm mồi, vẫn nghe tiếng hát hai người". Họ tiếp tục hẹn nhau tới hội sau "Ta lại cùng nhau tung còn hát ví".
Những năm gần đây, hát Xình ca ở Yên Bái không còn được phổ biến. Chỉ còn được những người già trên 60 tuổi hát. Trong sâu thẳm cõi lòng các cụ luôn tâm niệm rằng phải truyền lại cho thế hệ trẻ những câu hát Xình ca.

Ông Lục Tiên Sinh, năm nay 64 tuổi, ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, Yên Bái, cho biết: "Tôi học hát từ năm 17 tuổi, ban đầu tôi đến với các bậc đàn anh, đàn chị xem họ hát và được thưởng thức những giọng hát rất hay - chất giọng đằm thắm, trữ tình và mộc mạc chân thành. Không khí sôi nổi của những đêm hát ở làng còn đọng lại trong tâm trí tôi những ngày sau. Từ đó tôi quyết tâm học hát, hát làm sao cho thật hay. Qua những lần nghe các anh chị hát ở làng tôi dần biết hát và thuộc được nhiều bài hát...".

Một trong những người tiên phong làm sáng giá Xình ca là cố nhà thơ - nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Lâm Quý, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Cao Lan của dân tộc mình như: Nàng Kó LauSlam; Xình ca Cao Lan; chuyện cổ Sán Chay... Trước nguy cơ mai một nét văn hóa truyền thống của người Cao Lan, Chi hội Nhà văn Sông Chảy Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Khoa văn hóa - Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái tìm hiểu, lập hồ sơ trình Tổ chức Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam - một tổ chức quốc tế (CEEVN). Ngoài việc tuyên truyền để chính người Cao Lan hiểu và trân trọng nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Giữ gìn tiếng nói, hát Xình ca tại địa phương, xã hội hóa hoạt động văn hóa kết hợp với xây dựng văn nghệ quần chúng ở cơ sở nhằm thu hút mọi người dân, nhất là thanh niên tham gia học. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, truyền dạy những bài Xình ca cho thế hệ trẻ để nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình sinh hoạt ca hát dân ca này.

Bích Ngọc