03:09 14/03/2011

Độc đáo chương trình cho “vay chuộc sổ”

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Hậu Giang luôn là bạn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện ước mơ xóa đói giảm nghèo.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Hậu Giang luôn là bạn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện ước mơ xóa đói giảm nghèo.

Cho"vay chuộc sổ”

Đây là một chương trình nhằm giúp đỡ hộ chính sách có điều kiện nhận lại sổ lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng đã cầm cố. Ông Lâm Quang Tố, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh cho biết, ý tưởng thực hiện chương trình này nảy sinh một cuộc gặp tình cờ: “Mấy năm trước, tôi gặp vợ chồng ông Dũng, hộ khẩu thường trú tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, ông và vợ đang cầm cố sổ lĩnh tiền trợ cấp hưu trí với món nợ 7 triệu đồng mà nhiều năm không cách nào hoàn trả được vốn. Từ đó, ý tưởng về một chương trình cho vay chuộc sổ ra đời”.

Theo đề xuất của chi nhánh NHCSXH và Sở LĐTB&XH tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1053/QĐ-UBND tạm thời cho vay đối với hộ gia đình người có công với Cách mạng để chuộc sổ lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng.


Nguồn vốn vay được thực hiện bằng Quỹ Xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Ban đầu tỉnh chọn cho vay thí điểm tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp với 22 hộ, số tiền phát vay 214 triệu đồng. Sau gần một năm triển khai, thấy hiệu quả nên tiếp tục thực hiện tại xã Hòa Mỹ với tổng số 43 hộ, số tiền vay 318 triệu đồng.

Nghề dệt chiếu đã mang lại cho gia đình bà Son thu nhập ổn định.


Đến nay, theo báo cáo của huyện thì đã có 53/65 hộ đi cầm cố đã nhận lại sổ, tổng số thu nợ 536 triệu đồng. Còn lại 12 hộ với số dư nợ 23 triệu đồng. Ông Huỳnh Viết Thuấn, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phụng Hiệp cho biết: “Cách thức NHCSXH chi nhánh tỉnh Hậu Giang cho vay vốn đã đảm bảo được điều kiện sống cho gia đình chính sách trong khoảng thời gian hoàn vốn.


Hàng tháng, sau khi trả gốc và lãi theo thỏa thuận với ngân hàng, hộ vay vẫn còn khoảng 40% tiền lĩnh để sử dụng cho chăn nuôi và trang trải chi phí sinh hoạt gia đình”. Tuy thời gian hoàn vốn khá dài nhưng hiệu quả chương trình đã được chứng thực và nhiều gia đình chính sách đồng tình. Thường thì mỗi gia đình cầm sổ bên ngoài với lãi suất từ 4 - 10%/tháng cho chủ nợ nhưng ngân hàng phát vay chỉ 0,65%/tháng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình của hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng ổn định.

Dự kiến năm 2011, NHCSXH chi nhánh tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cho vay chuộc sổ ở các huyện, thị xã, thành phố khác. Lãnh đạo NHCSXH tỉnh cho biết: “Chúng tôi đang trình UBND tỉnh xét duyệt để tiếp tục cho vay vốn chuộc sổ đối với những hộ khác trên địa bàn tỉnh.


Theo kết quả rà soát của Sở LĐTB&XH tỉnh vào năm 2008 thì toàn tỉnh có 498 hộ cầm sổ với số tiền gần 4,3 tỷ đồng. Nhưng do nguồn vốn còn khó khăn nên tỉnh sẽ chọn những hộ khó khăn nhất ưu tiên tiếp cận chương trình và phát vay khoảng 50% số hộ đang cầm sổ”.

Khi vốn vay trở thành điểm tựa

Bên cạnh chương trình vay chuộc sổ trên, NHCSXH còn là điểm tựa của nhiều gia đình nghèo trên địa bàn với các chương trình cho vay thiết thực. Những nguồn vốn này là đòn bẩy để hộ nghèo thực hiện ước mơ làm kinh tế. Chúng tôi đã đến thăm gia đình bà Lý Thị Son ở ấp Thạnh Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành.


Vừa kéo khung ép những cọng lát nhịp nhàng, bà Son vừa kể: "Trước đây, nhà tôi chỉ đi làm mướn để sống. Hồi đầu năm 2010, được hưởng chương trình cho vay chuyển đổi ngành nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi đầu tư mua nguyên liệu theo nghề dệt chiếu". Bà Son xúc động nói tiếp: “Nghề này cũng vất vả nhưng mình làm chủ, không sợ mất việc.


Có cái nghề trong tay mừng lắm”. Hưởng thụ chương trình này, bà được hỗ trợ 3 triệu đồng và vay NHCSXH 10 triệu đồng. Mỗi ngày, hai mẹ con bà Son dệt được 2 đôi chiếu, lúc có giá thì bán được 80.000 đồng/đôi. Một năm qua, nghề dệt chiếu đã cho gia đình bà thu nhập ổn định.

Hiện tại, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đang triển khai 12 chương trình cho vay tín dụng ưu đãi, mỗi chương trình có một hiệu quả riêng và có thể khẳng định nguồn vốn vay đã góp phần không nhỏ giúp người nghèo, gia đình chính sách và một số đối tượng khác vươn lên có cuộc sống tốt hơn. Vốn vay cho học sinh, sinh viên là chiếc thuyền đưa sinh viên nghèo đi suốt quãng đường học tập.


Còn nguồn vốn giải quyết việc làm là động lực cho hộ vay phấn đấu vươn lên mở rộng sản xuất, vốn chương trình cho vay nhà ở tiếp sức xây những căn nhà kiên cố cho người nghèo… Theo nhận định của các cơ quan chức năng thì hiện đã có hơn 80% hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được tiếp cận với nguồn vốn vay này. Các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tạo việc làm, cải thiện đời sống và đảm bảo an sinh xã hội.

Cùng với đó, mạng lưới giao dịch của ngân hàng đã đi sâu vào cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt NHCSXH đã thực hiện thành công mô hình quản lý vốn tín dụng thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, thực hiện tốt hơn sứ mệnh mang vốn đến cho dân nghèo.

Hồng Diễm