XK dệt may:Bước đột phá mới về giá trị

Năm 2010, ngành dệt may Việt Nam đã mang về 11,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, vượt 7% so với kế hoạch năm 2010. Với kim ngạch xuất khẩu (XK) vượt trội đó, dệt may đã xếp trước dầu thô, dẫn đầu ngành công nghiệp.

Đơn hàng nhiều, giá trị tăng cao

m 2010, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt 10,5 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm thực hiện, XK toàn ngành mới đạt 4,65 tỷ USD, trung bình mỗi tháng đạt 775 triệu USD. Tuy nhiên, mức doanh thu này đã tăng cao, tới 16% so với cùng kỳ năm 2009. Sự bứt phá mạnh về XK của toàn ngành dệt may thực sự bắt đầu từ quý III và đến quý IV, với 3 tháng liên tiếp đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD/tháng.

May sản phẩm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May xuất khẩu Marport (Thái Bình). Ảnh: Hà Thái - TTXVN.


Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kết quả nêu trên tổng hợp sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt trong bối cảnh các nước NK lớn về sản phẩm dệt may mới phục hồi.


Đặc biệt, nhờ các hiệp định thương mại giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc mà XK hàng dệt may Việt Nam vào các thị trường này tăng đáng kể cả về đơn hàng và đơn giá. Trong đó, phải kể đến thị trường Hàn Quốc tăng trưởng 80%, thị trường Nhật Bản tăng trưởng 15%. Sản phẩm sợi của Việt Nam cũng tiếp cận được thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Braxin, đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. “Có được kết quả trên là do lượng hàng XK có giá trị gia tăng cao và các đơn hàng nhiều hơn, ổn định hơn so với năm 2009” - bà Dung khẳng định.

Theo tính toán, doanh thu đạt được tính theo ngoại tệ sau khi trừ giá nguyên liệu NK của toàn ngành dệt may, năm nay ước tăng khoảng 18%, tương đương khoảng 4,5 - 4,7 tỷ USD. Mấu chốt thành công quan trọng là các DN dệt may đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất hàng XK theo giá FOB (giao hàng tại cảng Việt Nam) nhiều hơn, tỷ lệ thực hiện các đơn hàng có giá trị cao cũng tăng trên 17%.

Mục tiêu XK 13 tỷ USD

Hiện nay, nhiều DN dệt may đã ký được đơn hàng cho đến hết quý II/2011, thậm chí là đến hết năm 2011. Đơn giá gia công cũng tăng 10 - 20% so với năm 2010.

Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10, cho biết: Đối tác và khách hàng nhiều là cơ hội để các DN dệt may Việt Nam lựa chọn những đơn hàng với các mặt hàng có giá trị gia tăng cao để ký kết. Việc ký được các đơn đặt hàng này là tín hiệu khá mừng cho các DN. Bên cạnh thuận lợi, hàng dệt may Việt Nam cũng phải chịu sự cạnh tranh khá mạnh từ Pakixtan do nước này được giảm thuế NK vào EU với mức giảm từ 12 -14%.

Một xu hướng đang diễn ra theo hướng có lợi cho các DN dệt may Việt Nam là uy tín về chất lượng mẫu mã và giá cả phù hợp với thị trường quốc tế nên trong thời gian gần đây nhiều đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam tăng.


Với dự báo châu Á sẽ là khu vực cung cấp chủ lực hàng dệt may cho thế giới trong 10 năm tới, ngành dệt may Việt Nam có cơ hội lọt vào top 5 nước XK hàng dệt may lớn trên thế giới. Với mục tiêu này, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần được coi là giải pháp cấp bách. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề thiếu hụt lao động vẫn tồn tại, buộc các DN phải cải tiến quy trình sản xuất, nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại để giảm áp lực về lao động.

Năm 2010 cũng là năm các DN dệt may rất quan tâm phát triển thị trường nội địa. Các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “ Đưa hàng Việt về nông thôn” đã được tích cực triển khai. Mạng lưới phân phối hàng hóa phủ khắp 63 tỉnh, thành phố với khoảng 15.000 cửa hàng và đại lý bán hàng. Doanh thu nội địa toàn ngành năm 2010 đạt 65.000 tỷ đồng.


Nhằm tạo đột phá về năng suất, công nghệ trong sản xuất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng mua máy móc thiết bị hiện đại. Ngành cũng sẽ tập trung liên kết những DN XNK, tổ chức lại việc cung ứng nguyên phụ liệu trong nước; triển khai đề án xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại đủ tiêu chuẩn thay cho các thiết bị nghiên cứu thử nghiệm chất lượng hàng dệt may đã cũ. Hiện nay giá trị thặng dư của nhiều DN dệt may cũng tăng rất nhanh do nâng tỉ lệ sử dụng nguyên phụ liệu trong nước.

Năm 2011, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch XK 12,5 - 13 tỷ USD. Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến nghị các DN duy trì khách hàng hiện có, tiếp tục tìm kiếm thị trường, khách hàng và dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.


Một số DN ở một số tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án di dời sản xuất ra khỏi khu vực nội thành để tăng năng lực sản xuất; tăng cường đầu tư chiều sâu, hợp tác với các đối tác nước ngoài để đầu tư sản xuất vải dệt thoi, vải dệt kim cao cấp, giúp ngành chủ động về nguyên liệu, có thể tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trần Thúy Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN