Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Phùng Đắc Lộc:

Xây dựng thị trường bảo hiểm trên cơ sở hợp tác

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) hiện hành, mỗi một tổ chức chỉ được quyền nắm giữ nhiều nhất 20% vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu thực hiện đúng, chắc chắn sẽ không có “sản phẩm bảo hiểm nội bộ”.

Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Phùng Đắc Lộc đã chia sẻ vấn đề này cùng những tồn tại của thị trường bảo hiểm Việt Nam như: Cần được tháo gỡ về hành lang pháp lý; tạo cơ hội và sự sẻ chia rủi ro cho nhiều doanh nghiệp.

´Thưa ông, những bất cập của thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay là gì?

Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không cần thành lập hoạt động ở Việt Nam nhưng được bán sản phẩm bảo hiểm vào Việt Nam. Điều này đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam không biết “đối thủ” cạnh tranh của mình là ai cũng như sản phẩm bảo hiểm bán ở Việt Nam là gì. Trong khi đó, những doanh nghiệp bảo hiểm thành lập ở Việt Nam đều phải nộp các loại thuế theo luật định, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, phí sử dụng đất.

Tình trạng đang xảy ra hiện nay trong lĩnh vực KDBH là “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”. Hiện có 29 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ với gần 500 chi nhánh tại các tỉnh, thành địa phương đã khiến môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chính vì vậy, trong kinh doanh, đa số các đơn vị đã mở rộng điều khoản bảo hiểm sang cả phạm vi bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm khác. Ví dụ: Bảo hiểm về cháy nổ lại mở rộng sang bảo hiểm cả con người. Thứ hai là đua nhau hạ phí bảo hiểm, vì để bán sản phẩm bảo hiểm, bán lời cam kết nên cứ hạ phí. Với đặc thù của KDBH là không biết được giá thành sản phẩm, doanh thu có trước, chi phí có sau. Doanh nghiệp cứ hạ phí sẽ mất khả năng thanh toán. Tôi đã chứng kiến một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài suýt phá sản do hạ phí. Cũng may là được công ty mẹ cứu trợ vốn lưu động là 20 triệu USD.

´Ông bình luận gì khi có thông tin cho rằng: Việc áp dụng hình thức đấu thầu chưa chắc đã mang lại hiệu quả vì bảo hiểm là loại kinh doanh đặc biệt, việc phân tán rủi ro đối với các dự án hay công trình lớn đều do các nhà tái bảo hiểm nước ngoài nắm giữ?

Tôi nghĩ nên áp dụng hình thức đấu thầu sản phẩm bảo hiểm. Theo quy định của Luật Đấu thầu, những dự án sử dụng 30% vốn của nhà nước phải đấu thầu. Đối với những dự án lớn phải vay tiền ngân hàng, những cơ sở tín dụng cũng đã áp đặt điều khoản với doanh nghiệp là phải tổ chức đấu thầu. Với kinh tế tư nhân, không cần đấu thầu vì tiền của họ, họ chọn ai, kiểm soát thế nào là do họ, để làm sao mang lại hiệu quả lớn nhất. Với mô hình bảo hiểm chuyên ngành thuộc sở hữu nhà nước ít nhiều cũng được “ưu ái” dành sản phẩm từ những tập đoàn, công ty mẹ đối với những công ty thành viên nên phải đấu thầu để chọn sự cạnh tranh. Hiện nay trong lĩnh vực dầu khí, 94% thị phần bảo hiểm dầu khí là do Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí PVI thực hiện. Nguyên tắc của bảo hiểm là phải phân tán rủi ro, không nên tập trung tại một DN.

Tôi cho rằng khi tổ chức đấu thầu, nhà thầu cũng phải chọn những người am hiểu bảo hiểm, có vậy mới soạn được thư mời thầu, nội dung mở thầu ra sao, chấm điểm và kết luận chọn người thắng thầu. Nếu không hiểu, khi soạn thầu sẽ xảy ra tình trạng “râu ông nọ, cắm cằm bà kia” như tôi đã đề cập ở trên.

´Một doanh nghiệp bảo hiểm có tiếng trong nước cho rằng: Cần phải có quy định chặt chẽ đối với mô hình bảo hiểm chuyên ngành nhằm tránh độc quyền, ý kiến của ông về vấn đề này?

Theo Luật KDBH, mỗi một tổ chức được quyền nắm giữ nhiều nhất 20% vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp bảo hiểm, kể cả các tập đoàn. Nếu thực hiện điều này chắc chắn sẽ không có “bảo hiểm chuyên ngành”. Nếu sở hữu 20%, các thành viên của tập đoàn chắc gì đã “ưu ái”. Tất nhiên khi mới thành lập, các công ty thành viên rất cần sự ủng hộ của công ty mẹ, nhưng sau khi phát triển vững, phải tự vươn ra thị trường. Không thể có tình trạng “ông rào giậu vườn nhà mình rồi lại đi hái quả của người khác”. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Tín, Hùng Vương…(không phải công ty bảo hiểm chuyên ngành) gặp khó khăn.

Tôi băn khoăn: Đối với sản phẩm bảo hiểm chuyên ngành của PVI, PVI chỉ được giữ lại bao nhiêu phần trăm, phần lớn phải chuyển cho các nhà tái bảo hiểm quốc tế. Vậy tại sao PVI lại không chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cũng như tránh độc quyền trong việc lựa chọn nhà tái bảo hiểm quốc tế?

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN