Thương hiệu Việt bị o ép trăm bề

Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp ngoại, khi xu thế mở cửa hội nhập về kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ. Trong khi đó, tinh thần dân tộc của người Việt chưa phát huy cao khi mua và sử dụng hàng hóa.

Đơn cử như mặt hàng bia. Mặc dù là thương hiệu nổi tiếng từ lâu và chiếm thị phần lớn nhất cả nước nhưng bia Sài Gòn vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ông Trần Nghĩa, Giám đốc nhân sự Công ty Bia Sài Gòn (Sabeco) cho biết, ở ngay thị trường thủ phủ của bia Sài Gòn là TP Hồ Chí Minh thì bia Sài Gòn đôi khi cũng phải “lép vế” trước bia ngoại.

“Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để có được hợp đồng độc quyền hình ảnh tại một số quán bia lớn, có nghĩa là quán đó chỉ quảng bá và trưng bày hình ảnh bia Sài Gòn trong thời gian hợp đồng (thường là 6 tháng đến 1 năm). Nhưng hết hợp đồng, các hãng bia ngoại như bia Heniken, Sapporo... có thể nhảy vào và trả gấp 3-4 lần mức giá cũ để tranh suất quảng cáo hình ảnh này, và thế là cuộc chiến cạnh tranh về giá marketing nổ ra. Bị ràng buộc bởi chi phí marketing, chúng tôi đã dần mất các điểm quán độc quyền hình ảnh”, ông Nghĩa chia sẻ.

Ông Trần Nghĩa, Giám đốc nhân sự Công ty Bia Sài Gòn chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt.


Việc này là do quy định hiện hành không cho phép các doanh nghiệp chi cho quảng cáo, marketing vượt quá 10% tổng chi phí phát sinh trong kỳ. Theo ông Nghĩa: “Chúng tôi phải tính toán đau đầu vì nếu chi quá 10% thì lại bị phạt vì trái quy định nhà nước. Tuy nhiên, với hạn mức chi 10% như vậy thì rất khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại vốn có chiến lược và chi phí cho quảng cáo, truyền thông rất bài bản”.

Còn theo GS Phan Đăng Tuất, chuyên gia kinh tế, đúc rút từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, cần thay đổi quy định này. “Cần giới hạn chi phí quảng cáo trong doanh thu của doanh nghiệp chứ không phải giới hạn chi phí trong chi phí. Có như vậy mới thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư để phát triển”, GS Tuất nói.

Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém khi doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu, đó là làm sao để người Việt tin dùng sản phẩm của mình. Thực tế, vì tâm lý “sính ngoại” của không ít người Việt mà hàng Việt dù có tốt ngang hàng ngoại cũng bị “hắt hủi”. “Sản phẩm của chúng tôi không thua kém gì sản phẩm của nước ngoài. Tôi hơi chạnh lòng khi những thương hiệu lớn thuần Việt trên thị trường hiện giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, trên dưới 10 thương hiệu thực sự là của Việt Nam. Nếu người tiêu dùng không cứu giúp, không tạo điều kiện ủng hộ thương hiệu Việt thì chắc chắn thương hiệu đó sẽ mất đi. Dần dần, bia Sài Gòn và cả bia Hà Nội cũng sẽ mất đi và người Việt chỉ còn biết uống bia ngoại mà thôi”, ông Trần Nghĩa xót xa.

Theo GS Tuất, chống buôn lậu cũng là cách để bảo vệ các doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính. Phải kết hợp giữa chống buôn lậu với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. “Cần làm cho người dân hiểu rằng hành vi dùng hàng lậu là một việc tồi tệ. Như ở Đức, người dân luôn tâm niệm: những công dân Đức chân chính không bao giờ dùng hàng lậu. Có như vậy thì doanh nghiệp Việt mới có thể cạnh tranh được”, GS Tuất nói.

Hoàng Dương
Xây dựng thương hiệu quốc gia thời hội nhập
Xây dựng thương hiệu quốc gia thời hội nhập

Khi nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, việc xây dựng được một chương trình thương hiệu quốc gia nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, bảo vệ, quảng bá và phát triển thương hiệu là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN