Thị trường bán lẻ trước sức ép của doanh nghiệp ngoại - Bài 2

Hiện nay thị trường nông thôn với 70% dân số hầu như đang còn bỏ ngỏ và cũng chỉ mới tồn tại hình thức bán lẻ truyền thống. Đây chính là khoảng trống để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần, nâng cao tỷ lệ bán lẻ hiện đại.

Khoảng trống thị trường nông thôn

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch đến năm 2020 hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước sẽ phát triển lên 45% trong toàn bộ thị phần bán lẻ, với khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Những con số này cho thấy thị trường nông thôn nói riêng và thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung sẽ là mảnh đất màu mỡ để các nhà sản xuất, kinh doanh và các nhà bán lẻ thâm nhập. 


Thế nhưng, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong nước hiện nay chỉ tập trung phát triển ở những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ… trong khi dư địa rất lớn hiện nay chưa được các doanh nghiệp quan tâm đó là toàn bộ thị trường nông thôn và những tỉnh thành đang trong quá trình phát triển. Vấn đề là Nhà nước cần có chiến lược như thế nào để hỗ trợ độ phủ thị trường phân phối không bị trống. 

Ảnh minh họa - TTXVN

Các chuyên gia cho rằng, thực tế nhiều doanh nghiệp như Co.opmart, Vissan, Satra… đã mở rộng mạng lưới ở hầu hết các tỉnh thành, nhưng thực chất chỉ tập trung ở khu vực thành thị, chưa thật sự thâm nhập thị trường nông thôn. Vì thực tế qua nhiều chuyến bán hàng lưu động về nông thôn, chi phí đầu tư rất lớn nhưng sức mua ở khu vực này còn thấp, đó cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà. 


Đại diện một doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cho biết, thị trường nông thôn Việt Nam vẫn còn mang tính chất tự cung tự cấp, cũng như người dân chưa có thói quen vào siêu thị mua hàng. Việc mang một hệ thống phân phối có tất cả bộ máy hoạt động như một siêu thị về nông thôn là rất khó, doanh thu không bù đắp nổi chi phí đầu tư, vận chuyển, bảo quản và nhiều chi phí khác. 


Đánh giá về việc hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước còn thờ ơ với thị trường nông thôn, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, nếu nhà sản xuất có kế hoạch và chiến lược phát triển hệ thống phân phối đồng bộ trên cả hai kênh hiện đại và truyền thống, không để mình lệ thuộc vào bất kỳ kênh phân phối nào thì nhà sản xuất vẫn có thể chủ động để điều hòa lợi ích của mình và có những chiến lược đầu tư khác nhau cho từng kênh phân phối. Điều này cũng sẽ giúp nhà sản xuất không bị bất cứ sức ép nào, bởi vì dù có trống sân ở thị trường này nhưng doanh nghiệp vẫn còn thị trường khác làm hậu thuẫn, giúp doanh nghiệp nắm thế chủ động tương quan trên bàn đàm phán. 


Thị trường của tương lai 

Người dân tham gia mua sắm tại Chương trình "Đưa hàng Việt về miền núi" năm 2016. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food cho biết, do nhà cung cấp chỉ muốn dùng kênh bán lẻ hiện đại để xây dựng thương hiệu mà “bỏ ngõ” rất nhiều kênh phân phối khác, thị trường nông thôn và chợ truyền thống là một điển hình. Điều này đã vô tình tạo ra “quyền lực” cho các nhà bán lẻ, cụ thể là các siêu thị. Vì vậy nên chỉ cần một doanh nghiệp rút hàng ra khỏi siêu thị thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp khác xếp hàng để được thế chỗ dù mức chiết khấu cao.


Tuy nhiên theo bà Lâm, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, do đó để xây dựng một kênh truyền thống là rất khó khăn, tốn nhiều chi phí đầu tư và công sức. Việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị vẫn nhanh hơn so với việc gây dựng một hệ thống siêu thị của riêng mình. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt khi chọn phương án kinh doanh, bước đầu luôn chọn kinh doanh vào hệ thống siêu thị vì ít tốn kém chi phí đầu tư. “Sau 13 năm kinh doanh, Saigon Food cũng đang tự mình gây dựng kênh phân phối truyền thống, dù việc đầu tư tốn rất nhiều chi phí và công sức nhưng đó là một sự đầu tư lâu dài và cần thiết trong tình hình hiện nay”, bà Lâm chia sẻ. 


Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, những kênh phân phối quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp thì Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện phát triển, vì đây là chiến lược phát triển hệ thống phân phối ở tầm vóc quốc gia chứ không phải là chuyện của riêng doanh nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước cần quy hoạch mạng lưới bán lẻ và có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp phân phối Việt Nam tăng tốc và mở rộng nhanh mạng lưới, chiếm lĩnh thị phần, chiếm được thị trường; trong đó, thị trường nông thôn là thị trường mà những doanh nghiệp phân phối lớn trong nước như Saigon Co.op, Satra… cần quan tâm trong chiến lược phát triển mạng lưới của mình. Mặc dù thị trường này đầu tư trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn và thậm chí phải chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vì không còn sự lựa chọn nào khác, nếu chờ đến khi thị trường phát triển thì sẽ không còn vị trí để khai thác. Điều này đòi hỏi các nhà bán lẻ phải hình thành một chiến lược mạng lưới, đâu là thị trường trọng điểm để sinh lời, lấy hiệu quả và đâu là thị trường đầu tư cho tương lai. 


Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, với mục tiêu xây dựng chuỗi phân phối phủ rộng cả nước, Saigon Co.op đã xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường nông thôn bằng cách đưa các mặt hàng nhu yếu phẩm tiêu dùng cần thiết để dần thay đổi thói quen mua sắm của người dân ở các vùng sâu, vùng xa. Với chiến lược đưa siêu thị, hình thức mua sắm hiện đại đến với mọi miền trong cả nước, Saigon Co.op sẽ tiếp tục mở rộng ra các tỉnh xa để người dân ở các vùng miền có thể tiếp cận được hàng hóa, mở rộng đối tượng khách hàng. 


Việt Âu (TTXVN)
Thị trường bán lẻ trước sức ép của doanh nghiệp ngoại - Bài 1
Thị trường bán lẻ trước sức ép của doanh nghiệp ngoại - Bài 1

Với tiềm năng lớn, hấp dẫn, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN