Phong trào khởi nghiệp ở TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Đa dạng mô hình khởi nghiệp

Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng sôi động và được quan tâm phát triển.

Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đang diễn ra ngày càng phong phú dưới nhiều hình thức, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự tham gia của các thanh niên, sinh viên tạo thành phong trào khởi nghiệp.

Không gian làm việc của các kỹ sư trẻ Công ty Vihat tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Thông qua các Trung tâm Ươm tạo của TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ và phát triển nhiều công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động. Nhiều nhóm sinh viên, doanh nghiệp đã trưởng thành và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo tại vườn ươm thuộc Khu công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh…

Theo ông Lê Nhật Quang, Trưởng Phòng Marketing, Vườn ươm Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ITP), hiện tại ITP đang hỗ trợ cho 50 doanh nghiệp gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp (start up), với hơn 400 việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và 300 sinh viên tại các trường đại học đang thực tập. ITP khác với những vườn ươm khác là tập trung vào các giai đoạn dưới, tận dụng sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ để các bạn sinh viên quen với môi trường khởi nghiệp. Mục đích là nhằm tạo ra những doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng. Sau này, nhóm sinh viên khởi nghiệp chắc chắn sẽ có chất lượng, trải nghiệm, kiến thức và tồn tại trong những giai đoạn tiếp theo dễ hơn. Nếu giai đoạn dưới làm tốt thì sẽ cung cấp lực lượng tốt cho những giai đoạn trên.

Magik Lab là một trong những điển hình về “startup” sinh viên trong lĩnh vực công nghệ tại ITP. Các bạn sinh viên đã bắt đầu các dự án khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm thứ 2, năm thứ 3 và tạo ra dòng doanh thu bền vững trả lương cho chính mình và nhóm trước khi tốt nghiệp. Khi hoạt động đến một mức nào đó, các thành viên có thể tách ra làm dự án và hoạt động riêng.

Bạn Nguyễn Văn Hướng, Trưởng nhóm SkyX (thành viên Magik Lab), sáng lập phần mềm Hellolingo – mạng xã hội kết nối người học tiếng Anh cùng trò chuyện, cải thiện kỹ năng giao tiếp, với hơn 100.000 người sử dụng trên toàn cầu cho biết: “Magik Lab như một môi trường “cộng sinh” để những người đam mê khởi nghiệp cùng giúp đỡ nhau. Magik Lab hỗ trợ tiền lương, văn phòng, thiết kế phát triển sản phẩm ra thị trường, còn mình thì hỗ trợ training cho một số bạn mới gia nhập, hỗ trợ một số kỹ thuật mà nhóm khác đang còn yếu”. Sau 2 năm phát triển sản phẩm, đến tháng 8/2017, SkyX sẽ hoàn toàn tự chủ về tài chính với những định hướng rõ ràng, chú trọng chăm sóc khách hàng và việc thành lập doanh nghiệp sẽ là trong tương lai không xa.

Hay như Mimosatex là doanh nghiệp khởi nghiệp trưởng thành từ môi trường “cộng sinh” của ITP, cũng được ITP hỗ trợ từ cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin… trong chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ITP. Từ lúc thành lập năm 2014 đến nay, Mimosatex đã phát triển vượt bậc với 22 thành viên. Dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Mimosatex đã trở thành một xu hướng và được áp dụng rộng rãi, đem lại thành công cho những người trẻ tâm huyết và đam mê sáng tạo.

Hàng năm, thông qua nhiều nguồn từ các trường đại học, Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP-IC) đã tổ chức các cuộc thi sáng tạo trên cả nước để tìm kiếm ý tưởng, sản phẩm để đưa vào ươm tạo.

Ông Lê Thanh Nguyên, Giám đốc, Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cho biết, quan điểm của SHTP-IC là chỉ đưa vào ươm tạo những “hạt giống” chất lượng. Trong quá trình ươm tạo, nếu dự án đó không có khả năng phát triển thành sản phẩm, không thương mại hóa được sẽ chấm dứt hỗ trợ. Khi vào ươm tạo, nội dung hỗ trợ đầu tiên là xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các dự án, tư vấn về kiểu dáng công nghiệp, mẫu mã sản phẩm, kỹ thuật, pháp lý… Vườn ươm sẽ hỗ trợ một phần kinh phí hoàn thiện sản phẩm để doanh nghiệp phát triển những tính năng mới của sản phẩm. Nhưng nguyên tắc hỗ trợ tại Vườn ươm Khu công nghệ cao lại bắt buộc doanh nghiệp phải có đối ứng, không miễn phí 100% để doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc tận dụng những đội ngũ tư vấn đó.

Vì là cuộc thi nên đa phần là ý tưởng chứ chưa có sản phẩm, vườn ươm sẽ kết nối với các chuyên gia để giúp các doanh nghiệp biến ý tưởng thành sản phẩm, gắn vào thực tế hay một phân xưởng cụ thể. Ví dụ, giao thông thông minh thì gắn vào khu công nghệ cao; nông nghiệp thông minh thì gắn vào khu nông nghiệp công nghệ cao...

Sau khi kết thúc giai đoạn ươm tạo, sẽ là giai đoạn tăng tốc. Trong khoảng 6 tháng, khi sản phẩm đã hoàn thiện và đã hiểu về thị trường, vườn ươm sẽ hỗ trợ xác định những phương án kêu gọi đầu tư, kêu gọi quỹ đầu tư xem xét đầu tư. Sau khi kết thúc, vườn ươm sẽ tổ chức tốt nghiệp và hoàn thành quá trình ươm tạo đối với những dự án có hoạt động tốt. Sau khi tốt nghiệp sẽ là giai đoạn hậu ươm tạo, kéo dài trong khoảng 2 năm đến 3 năm. Trong quá trình đó, vườn ươm sẽ tiếp tục thông tin những chính sách Nhà nước hỗ trợ đến các doanh nghiệp. Hoặc khi doanh nghiệp thuê nhà xưởng tại khu công nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi…

Công ty cổ phần công nghệ Acis là một điển hình đi lên từ Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, được tạo dựng bởi nhóm cựu sinh viên của đội Robocon trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Acis đã mất nhiều năm để có chỗ đứng trên thị trường sau nhiều lần thất bại với sản phẩm là giải pháp cho nhà ở thông minh (smart home). Hiện tại Acis chiếm 70% đến 80% thị phần về số lượng công trình tại TP Hồ Chí Minh và đang xác lập thị trường vững bền ra cả nước.

Theo ông Đỗ Nguyễn Thanh Đồng, Giám đốc, Công ty cổ phần công nghệ Acis, điểm cốt lõi của Acis hoàn toàn từ công nghệ đến khâu sản xuất và lắp đặt, không qua trung gian và không mất chi phí về tư vấn. Do đó, giá thành chỉ bằng 1/7 đến 1/10 so với các sản phẩm của nước ngoài, dao động từ mức 60 triệu đến 150 triệu đồng tùy theo gói lắp đặt hay từ căn hộ chung cư đến nhà phố, biệt thự sân vườn.


Không chỉ với Acis mà với các công ty “smart home” khác, trở ngại lớn nhất vẫn là làm sao thuyết phục được khách hàng, giúp họ vượt qua lo ngại khi sử dụng công nghệ “smart home”, nên mọi thứ phải hoàn toàn đơn giản và dễ sử dụng. Nhiều khách hàng lo ngại khi áp dụng “smart home” phải phá vách, đục tường nhưng công nghệ của Acis chỉ cần thay công tắc cơ bằng bảng công tắc cảm ứng Acis.

Khác với Acis, công ty Elinkgate hiện chưa đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. Khi tham gia vào Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nhân sự của Elinkgate đã có kiến thức bài bản trong lĩnh vực khởi nghiệp, có kiến thức về kinh doanh và đã đăng ký bản quyền sáng chế ở Mỹ nên việc thương mại hóa sản phẩm sau này cũng tương đối thuận lợi.

Tuy sản phẩm chưa được đưa ra thị trường, nhưng đã có nhiều nhà đầu tư phản hồi tốt về sản phẩm, chứng tỏ khả năng cạnh tranh cao. Thiết bị được đánh giá là có tính hữu dụng, được thiết kế như một USB chỉ cần có Internet cắm thiết bị vào thì dù ở bất cứ đâu máy bị trục trặc phần mềm, hỏng hệ điều hành vẫn sẽ điều chỉnh được. Hơn thế nữa, tính bảo mật của sản phẩm cũng rất đáng tin cậy. Quan trọng nhất là có thể can thiệp ngay lập tức mà không đợi lâu; giá cả lại cạnh tranh so với những giải pháp khác trên thế giới. Dự kiến đầu năm 2018, sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường với số lượng dự kiến ban đầu là 10.000 sản phẩm.   

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, sáng lập viên, Công ty Elinkgate chia sẻ, ý tưởng về sản phẩm được hình thành từ 4 năm trước. "Lúc ấy, nhiều người còn cảm thấy mơ hồ, không biết có làm được hay không. Mãi đến hơn 2 năm kiên trì, tự bỏ tiền đầu tư làm phần cứng, sau đó chứng minh với mọi người đây là sản phẩm “chạy” được. Vì là khởi nghiệp nên tất cả chi phí đều phải tiết kiệm, đội ngũ đa chức năng, vừa làm kỹ thuật, vừa làm phần cứng, vừa đi giới thiệu sản phẩm…

"Việc từ một ý tưởng đến sản phẩm cần phải bắt đầu từ ý tưởng, kế hoạch hành động, con người và nguồn vốn để thực hiện. Để thành công cần sự kiên trì và phải có lòng tin mới tồn tại được. Ý tưởng chỉ là một phần, cách thực hiện mới là quan trọng, có đủ kiên nhẫn đến khi sản phẩm được thị trường chấp nhận hay không"- ông Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ.

(Bài 3: Những khó khăn cản bước khởi nghiệp)

Lan Phương - Việt Âu (TTXVN)
Phong trào khởi nghiệp ở TP HCM - Bài 1: Vai trò quan trọng của 'vườn ươm'
Phong trào khởi nghiệp ở TP HCM - Bài 1: Vai trò quan trọng của 'vườn ươm'

Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp của cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang diễn ra sôi nổi. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN