Nhiều ý kiến xung quanh chủ trương điều chuyển xe khách tuyến Nghệ An - Hà Nội

Nghệ An là địa phương có số lượng xe khách chạy tuyến Nghệ An - Hà Nội và ngược lại lớn nhất các tỉnh Bắc miền Trung, với tần suất mỗi ngày trên 80 chuyến. Thành phố Hà Nội đang xây dựng kế hoạch điều chuyển xe khách liên tỉnh nhằm giảm ùn tắc giao thông. Chủ trương này của Thành phố Hà Nội đang khiến các doanh nghiệp vận tải khách ở Nghệ An lo lắng.

Hợp tác xã vận tải xe khách Nghệ An là đơn vị có số lượng xe khách chạy tuyến Nghệ An - Hà Nội nhiều nhất tỉnh, với tần suất mỗi ngày 40 chuyến từ Nghệ An đi bến xe nước Ngầm và bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Với chủ trương điều chuyển xe khách liên tỉnh đang làm cho các lái xe và toàn thể hợp tác xã băn khoăn, lo lắng. Ông Phan Đình Khẩn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX vận tải xe khách Nghệ An cho biết, "Việc sắp xếp có cạnh tranh lành mạnh hay không, việc đó thuộc quy hoạch lộ trình của Thành phố Hà Nội. Về phía doanh nghiệp, tôi cho rằng nếu nói thực hiện Luật Doanh nghiệp thì cũng chưa đúng vì như thế đụng chạm đến việc kinh doanh bình đẳng và lành mạnh. Trong khi đó, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ổn định". Không chỉ Hợp tác xã vận tải xe khách Nghệ An băn khoăn, lo lắng mà nhiều doanh nghiệp vận tải khách tuyến Nghệ An - Hà Nội cũng có nhiều tâm tư. 

Các doanh nghiệp cho rằng bến xe Mỹ Đình chưa quá tải, còn khả năng tiếp nhận thêm các phương tiện, thời điểm này nên giữ nguyên hoạt động các tuyến vận tải và giữ ổn định tần suất hoạt động các tuyến để doanh nghiệp ổn định tư tưởng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trả nợ ngân hàng... Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An cho biết: "Việc điều chuyển như thế, không hợp lý. Nếu điều chuyển thì nên điều chuyển về một điểm để tất cả các doanh nghiệp cùng phát triển và cạnh tranh lành mạnh cùng với nhau. Nếu điều chuyển đến nhiều bến quá thì lượng khách và lượng xe sẽ không hợp lý với nhau". 

Xe khách tại bến xe Vinh sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại của thí sinh . Ảnh Lan Xuân/TTXVN

Trong kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở Nghệ An cũng cho rằng, tại Điều 1, khoản I của Quyết định 3848/QĐ-BGTVT ngày 29/5/2015 của Bộ Giao thông vận tải thì đối với các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chỉ tăng cường vào dịp lễ tết và định hướng đến năm 2030. Thông qua quyết định này, nhiều doanh nghiệp vận tải khách đã yên tâm đầu tư mới phương tiện, vay vốn ngân hàng mua xe mới giường nằm cao cấp. Trước khi cho vay, ngân hàng yêu cầu phải có chấp thuận, có tuyến cố định hai đầu được cấp. Nay với chủ trương này các doanh nghiệp vận tải khách cho rằng để kinh doanh phải làm quen với môi trường kinh doanh mới, phải xây dựng lại phương án kinh doanh, xây dựng lại thương hiệu, xây dựng lại khách hàng và ít nhất phải 2 năm mới ổn định kinh doanh nước, như vậy nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, có thể nhiều lái xe, phụ xe sẽ bị mất việc làm. Ông Phan Đình Khẩn, Chủ tịch HĐQT, 

Giám đốc HTX vận tải xe khách Nghệ An cho biết : "Nếu buộc phải đi theo lộ trình điều chuyển thì mong Thành phố Hà Nội điều chuyển như thế nào đó cho hợp lý, một là đi thì đi cả, ở thì ở cả. Giải pháp thứ 2, Thành phố Hà Nội nên nghiên cứu, xem xét nên đưa về bến Nước Ngầm cả hay đưa về Giáp Bát vì theo chúng tôi được biết hiện nay bến xe Giáp Bát diện tích đang còn đủ để đáp ứng lưu lượng xe hàng ngày từ Mỹ Đình về Giáp Bát. Nếu phải về Nước Ngầm thì việc này cũng mong Thành phố Hà Nội cùng bến xe Nước Ngầm có ý kiến và phải giải trình về cơ sở hạ tầng như thế nào để không làm ảnh hưởng, thiệt đến các doanh nghiệp vận tải khách từ Nghệ An ra Hà Nội". 

Thực tế, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng ô tô từ tỉnh Nghệ An đến Hà Nội, thời gian qua nhiều đơn vị kinh doanh vận tải của tỉnh đã đầu tư thay mới phương tiện và đến nay 100% là xe giường nằm, nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách để ngày càng văn minh, lịch sự; đã xây dựng được thương hiệu, ổn định kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, được người dân ghi nhận và đánh giá cao. UBND tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, nếu điều chuyển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải hành khách và nhu cầu đi lại của người dân. Trong công văn gửi UBND Thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Thành phố Hà Nội xem xét giữ nguyên hiện trạng, không thực hiện việc điều chuyển các xe đang hoạt động ổn định trên tuyến vận tải khách cố định từ Nghệ An đến bến xe nước Ngầm và bến xe Mỹ Đình.  
Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Giảm ùn tắc giao thông cuối năm tại Hà Nội
Giảm ùn tắc giao thông cuối năm tại Hà Nội

Ngày 30/11, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã họp triển khai kế hoạch phòng chống ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN