Nghệ An: Bài học từ việc “găm” giữ đất tại các Khu công nghiệp

Một thực trạng đang diễn ra tại các Khu công nghiệp ở Nghệ An, đó là nhiều dự án triển khai cầm chừng, vốn đầu tư thực hiện thấp so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều dự án đã được giao đất sau thời gian dài, chủ đầu tư không triển khai xây dựng, sau gần chục năm vẫn là bãi đất hoang.

* Những dự án nhiều năm dang dở

Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất nhiên liệu Ethanol Việt Nam do Công ty cổ phần thương mại Hoa Kỳ làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 2/2009 tại khu B, KCN Nam Cấm trên diện tích 5 ha. Cho đến nay, chủ đầu tư mới hoàn thành xong hạng mục san lấp mặt bằng nhà máy và đã dừng thi công từ cuối năm 2010 đến nay. Đã sau 30 tháng, Công ty chưa có đủ cơ sở chứng minh cho việc triển khai thi công dự án và đưa dự án đi vào hoạt động như Hợp đồng gia công và lắp đặt nhà xưởng, hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị. Công ty cũng không làm thủ tục gia hạn tiến độ đối với dự án theo yêu cầu của Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam.

Tương tự, dự án Nhà máy bao bì thân thiện môi trường do Công ty cổ phần bao bì Toàn Thắng làm chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 4/2007 tại khu C trên diện tích 25.409m2 với tiến độ cam kết là 12 tháng. Cho đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành xong một số hạng mục như san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ăn ca và triển khai dở dang một số hạng mục như xây dựng hàng rào, nhà xưởng sản xuất, nhà kho, nhà điều hành và đã dừng thi công từ đầu năm 2010 đến nay. Dự án chậm tiến độ 40 tháng so với cam kết. Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hồ sơ chứng minh năng lực thực hiện dự án và tiếp tục tiến hành xây dựng dự án nhưng dự án vẫn chưa được tiếp tục triển khai.

Đó chỉ là hai trong 16 dự án tại KCN Nam Cấm bị thu hồi trong tổng số 23 dự án bị thu hồi toàn khu kinh tế Đông Nam và các KCN Nghệ An. Theo đại diện Công ty phát triển hạ tầng KCN Nam Cấm, danh sách các doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê lại đất gần như kín đối với diện tích đất sạch (đã giải phóng mặt bằng). Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư xong, nhiều doanh nghiệp chậm rót vốn thực hiện dự án, không báo cáo tiến độ góp vốn với cơ quan chức năng. Trong tổng số hơn 40 dự án đầu tư vào các khu A, B, C của KCN Nam Cấm, có rất ít doanh nghiệp hoạt động thực chất, có hiệu quả, số còn lại hoạt động cầm chừng, thậm chí gần chục năm chẳng triển khai gì.

* Hậu giải quyết sau những dự án treo

Trước thực trạng nhà đầu tư triển khai dự án chậm, cố tình kéo dài chiếm giữ đất, Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam đã có động thái thu hồi lại đất. Tuy nhiên, việc thu hồi lại không hề dễ dàng, vì nhiều lý do, các doanh nghiệp không muốn trả lại đất cho Nhà nước, khi bị thu hồi nhiều dự án vướng chuyện giải quyết tài sản đã đầu tư.

Điển hình của sự nhùng nhằng trong giải quyết hậu quả là chủ đầu tư dự án “Nhà máy chế biến bột đá Barit và bột đá vôi xuất khẩu” của Công ty Phúc Thịnh được Ban quản lý các KCN Nghệ An (nay là Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An) cấp giấy chứng nhận đầu tư số 06/GP-BQL ngày 27/11/2002. Sau gần 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng Công ty Phúc Thịnh không đủ năng lực hoàn thành để đưa dự án đi vào hoạt động, vì vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật, ngày 09/8/2007, Ban quản lý các Khu công nghiệp Nghệ An đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của dự án. Sau khi thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã chỉ đạo Công ty Phát triển Khu công nghiệp tổ chức thanh lý hợp đồng thuê lại đất với Công ty Phúc Thịnh. Tuy nhiên, sau 2 năm việc thanh lý hợp đồng thuê lại đất vẫn không thực hiện được. Đến tháng 3/2010, Công ty Phúc Thịnh đã thống nhất bàn giao lại khu đất cho Công ty Phát triển Khu công nghiệp và tháng 4/2010, Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng Công ty Cổ phần thương mại xây dựng để thực hiện dự án Đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất bột đá trắng siêu mịn và tráng men sứ. Từ đó đến nay, việc bàn giao giữa Công ty Phúc Thịnh và Tổng Công ty CP thương mại xây dựng vẫn chưa thực hiện được vì hai bên không thống nhất được giá trị tài sản đã đầu tư trên đất. Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, căn cứ đề xuất của hai bên, Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam đề nghị UBND tỉnh thành lập hội đồng thẩm định để xác định giá trị tài sản đầu tư tại lô đất trên.


Theo quy định, các dự án chậm triển khai khi bị thu hồi chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về tài sản trên đất đã đầu tư, cơ quan quản lý không phải chịu trách nhiệm và không phải giải quyết chuyện hậu thu hồi. Luật là như vậy, nhưng thực tế, xét trên nhiều khía cạnh, ngoài những chủ đầu tư chỉ muốn lợi dụng cơ chế để trục lợi, thì nhiều chủ đầu tư khi đăng ký thuê đất có ý thức đầu tư thật song quá trình triển khai gặp khó khăn dẫn tới chậm tiến độ, thậm chí phá sản. Do vậy, đối với những dự án chậm, trước khi ra quyết định thu hồi, các ngành chức năng đã làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư để bàn biện pháp giải quyết trên tinh thần hỗ trợ nhà đầu tư. Đó là phối hợp với cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục làm bìa đỏ để chủ đầu tư có tài sản thế chấp vay vốn; đối với dự án dân cản trở thì phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết. Còn đối với những dự án buộc phải thu hồi, lý là không phải giải quyết nhưng tình thì vẫn phải để nhà đầu tư được lấy lại giá trị tài sản đã đầu tư trên đất vì số tiền có khi cả chục tỷ đồng.

* Siết chặt quản lý cấp phép đầu tư

Rút kinh nghiệm từ việc thu hút đầu tư vào Khu kinh tế còn thiếu tính định hướng, còn nặng về số lượng dự án với tư tưởng muốn nhanh chóng lấp đầy diện tích; quá trình cấp chứng nhận đầu tư cho các dự án chưa quan tâm thẩm tra năng lực thực tế của nhà đầu tư, tính toán diện tích sử dụng đất thực tế của các dự án dẫn đến tình trạng vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đăng ký; một số dự án chậm tiến độ triển khai; diện tích chiếm đất của một số dự án được cấp nhiều hơn nhu cầu thực tế gây lãng phí đất, tỉnh Nghệ An đang bắt đầu từ việc “chọn mặt gửi vàng”, tìm ra những kẽ hở để siết chặt trong công tác quản lý đầu tư.

Ông Phan Xuân Hóa – Phó Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho rằng, chính sự thông thoáng của luật đã tạo kẻ hở cho một số nhà đầu tư lách. Ông Hóa lấy ví dụ, trước đây khi nhà đầu tư muốn đăng ký thuê đất thì phải thẩm tra năng lực tài chính của dự án. Thế nhưng, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2006 lại quy định dự án có vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng mới phải thẩm định. Điều đó có nghĩa, dưới 300 tỷ nghiễm nhiên mặc họ, mà nhà đầu tư vào các Khu công nghiệp ở Nghệ An chủ yếu dưới 200 tỷ đồng, thậm chí chỉ vài chục tỷ đồng. Vì thế, chiếu theo luật là phải cấp phép và kết quả là dự án treo, trao tay chuyển nhượng ngầm đã diễn ra khá phổ biến gây bức xúc dư luận.

“Khi thu hút đầu tư chúng ta tạo điều kiện tối đa cho họ nhưng chúng ta lại thiếu cơ chế ràng buộc nhà đầu tư có những cam kết với cơ quan quản lý dự án. Nhiều nhà đầu tư lớn thường có khoản tiền đặt cọc để đảm bảo đầu tư ổn định. Đây là cách làm để sàng lọc những nhà đầu tư năng lực tài chính kém” – đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư phát biểu.

Găm giữ đất khiến tỉnh Nghệ An mất cơ hội trong thu hút đầu tư nhiều dự án lớn đầu tư thực chất, cán bộ cơ quan quản lý cũng mất thời gian công sức. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam “khẩn trương và kiên quyết xử lý các dự án chậm, kéo dài, chưa đầu tư, chiếm giữ đất để chuyển nhượng... theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế ở Nghệ An.” (Thông báo số 323- TB/TU ngày 6/9/2011 của BTV Tỉnh ủy).

Đã đến lúc Nhà nước phải nâng tầm địa vị pháp lý, chức năng và thẩm quyền của Ban quản lý các Khu công nghiệp – Khu kinh tế hiện nay, có như vậy, các Ban quản lý mới có thể làm tốt hơn công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với các doanh nghiệp sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai đầu tư dự án.

Bích Huệ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN