Ngành Thủy sản tái cơ cấu để phát triển bền vững-Bài 1: Gập ghềnh con đường thủy sản

Là lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu (XK) cao nhất của nông nghiệp Việt Nam, thủy sản đã trở thành ngành sản xuất mũi nhọn khi đứng đầu về tốc độ tăng trưởng (hơn 6,9% trong năm 2011). Có con số ấn tượng như thế, nhưng ngành thủy sản vẫn đang vất vả xoay xở tìm lối đi hướng đến phát triển bền vững.

 

Bài 1: Gập ghềnh con đường thủy sản


Chuỗi phát triển của thủy sản Việt Nam không hiếm những “cơn phong ba”. Tuy nhiên, chưa bao giờ ngành thủy sản phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của ngành như hiện nay.

 

Những khó khăn mới


Năm 2012 được xem là thời điểm rất khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản vì những tác động tiêu cực từ các thị trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian quay vòng vốn trả lãi suất ngân hàng, thu mua nguyên liệu... Hệ quả việc trả lãi suất quá cao từ những năm trước cộng với tình hình tài chính hiện nay và do việc thắt chặt tín dụng đã tác động kép đến hoạt động kinh doanh của không ít DN nói chung và DN thủy sản nói riêng. Mặc dù lãi suất đã giảm còn 14,5% từ đầu năm nay nhưng số DN tiếp cận được lãi suất ưu đãi này rất hạn chế và thực tế, hiện DN vẫn đang vay với mức lãi suất 15 - 19%/năm và hầu như không nhiều DN dám liều lĩnh vay trong tình hình thị trường vẫn nhiều ảm đạm. Theo khảo sát của ngành chức năng, hiện có đến hơn 90% DN cá mong muốn được tăng hạn mức vay vốn nhằm bổ sung vốn lưu động cho chế biến, nuôi cá tra và mua nguyên nhiên liệu; 54% DN tôm có nhu cầu vay vốn đầu tư cho hoạt động phát triển đầu tư nuôi tôm chân trắng, trang bị máy móc, vốn trung hạn cho hoạt động xuất khẩu...


 

Nghề nuôi thủy sản bấp bênh, rất nhiều nhà nông đang tính đến chuyện “treo ao”.

 

Nhiều DN thủy sản phản ánh, từ tháng 3/2012 các hãng tàu đã bắt đầu tăng giá cước vận tải biển, đẩy thêm gánh nặng chi phí trong kinh doanh cho DN. Chỉ tính 3 tháng qua, giá cước tàu đã tăng từ 640 - 1.200 USD cho mỗi container, ”góp phần” đưa giá cước tàu biển ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10 - 15%. Với giá cước tăng đột biến, trong tương lai gần hàng xuất khẩu của DN trong nước đến những thị trường châu Âu và Mỹ vốn là 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất, sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, làm giảm đi lợi thế. ”Từ đầu năm nay, hải quan đã triển khai qui trình thông quan hàng hóa khi nhập khẩu mới. Tuy nhiên so với qui trình cũ, tiến độ nhận hàng chậm hơn và đặc biệt là phát sinh nhiều chi phí do hàng hóa bị lưu giữ ở cảng để chờ có Giấy chứng nhận kiểm dịch. Điều này đã dẫn đến tình trạng DN thiếu hàng để chế biến trong khi hàng hóa ứ đọng ở các cảng...”, tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) năm 2012 được tổ chức ngày 12/6 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep cho biết.


Là thị trường lớn nhất trong số 129 thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam, nhưng trong các tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang EU đã sụt giảm gần 8% so với cùng kỳ 2011. Nguyên nhân do khủng hoảng nợ công ở khu vực này đã khiến tình hình kinh tế tài chính khó khăn, nhu cầu nhập khẩu không ổn định và khả năng thanh toán chậm đã dẫn đến xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều giảm mạnh (22% và 12%). Chưa hết nỗi lo về suy giảm thị trường, các DN trong nước đang “đau đầu” với giá tôm trên thị trường thế giới giảm đã tạo thêm áp lực khi đang phải đối mặt với hàng loạt chi phí đầu vào như xăng, dầu, điện, lương nhân công... đều tăng. Theo ông Dũng, đây là vấn đề báo động đối với xuất khẩu tôm khi khả năng cạnh tranh đang bị sụt giảm do giá thành sản xuất cao, dẫn đến giá chào bán thường cao hơn các nước khác.

 

“Biết rồi, khổ lắm...”


Bước vào vụ chế biến năm nay, ngành thủy sản tiếp tục đối mặt với thiếu nguyên liệu. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của cả nước trong 5 tháng đầu năm nay tăng khoảng 5% so với cùng kỳ, nhưng ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục không thoát khỏi tình trạng thiếu nguyên liệu. “Do dịch bệnh trên tôm làm giảm sản lượng, nhất là với tôm sú; diện tích nuôi cá tra giảm do nông dân thiếu vốn đầu tư nuôi và giá cá bất ổn. Trong khi đó, nhiều DN khó thu mua nguyên liệu vì nông dân không bán chịu, vòng quay vốn chậm do thị trường tiêu thụ khó khăn về tài chính. Riêng về khai thác, những loài có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, mực, bạch tuộc... thấp, ngược lại, gia tăng tập trung chủ yếu vào các loài cá có giá trị thấp, cá tạp... “, ông Trần Văn Lĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản & Thương mại Thuận Phước, phân tích.


Có sự phát triển vượt bậc nhưng do chưa có các dự án quy hoạch đồng bộ mang tính bền vững và bảo vệ môi trường, đến nay ngành thủy sản Việt Nam vẫn chưa xây dựng được nguồn nguyên liệu ổn định mang tính dài hơi. Phụ thuộc nhiều vào người nuôi, trong khi đó do không hoặc lãi ít, người nuôi không mặn mà khiến nguyên liệu cũng hết sức bấp bênh và chất lượng đạt chuẩn thấp. Trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định, giá lại cao, nhiều năm qua các DN thủy sản đã coi nhập khẩu nguyên liệu để gia công chế biến xuất khẩu như một giải pháp để duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm cho công nhân, tăng doanh số.
“Chỉ tính riêng quí 1/2012, các DN nhập 157 triệu USD thủy sản từ 72 thị trường, trong đó, nguyên liệu để chế biến và tái xuất chiếm khoảng 80%. Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về nuôi trồng và khai thác nhưng chúng ta chưa tận dụng, phát huy hiệu quả và vẫn để tình trạng DN xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bên ngoài là điều rất đáng suy nghĩ”, ông Dũng cho hay.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Bài 2: Nỗ lực tìm lối vượt khó

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN