Ngành may mặc Việt Nam tiến xa với cơ hội tốt

Ông Joachim Hensch, Chủ tịch Hiệp hội thiết kế may mặc và quản lý chất lượng quốc tế (IACDE) trong khuôn khổ Hội nghị thế giới Hiệp hội thiết kế may mặc và quản lý chất lượng quốc tế năm 2011 (IACDE 2011) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ 8-10/9 đã nhận định: Ngành may mặc Việt Nam có khả năng tiến xa hơn với những cơ hội tốt như đang đứng trong top 7 nhà sản xuất may mặc hàng đầu thế giới, có ngành thủ công truyền thống lâu đời, lực lượng lao động dồi dào, công nghệ sản xuất ngày càng được cải tiến… Với những thuận lợi trên, Việt Nam được xem là quốc gia có tiềm năng và nhiều triển vọng trong ngành thiết kế, đặc biệt là thiết kế cho nam giới.

Ngành may mặc tại Việt Nam trong những năm qua có nhiều bước tiến vượt bậc và hòa nhập vào thị trường quốc tế, tuy nhiên việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường đòi hỏi sự phát triển của thiết kế may mặc và tăng cường quản lý chất lượng. Do vậy, doanh nghiệp muốn tạo lợi thế cạnh tranh cần gia tăng kiểm soát chi phí, cải tiến khâu thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, cải thiện tốc độ làm mẫu, thời gian sản xuất, độ tin cậy về giao hàng…

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt 1,38 tỷ USD, dẫn đầu nhóm ngành hàng xuất khẩu của cả nước. Tính chung 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 8,98 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ.
Ông Vũ Đức Giang nhận định: Ngành dệt may có nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 15% trong năm nay với kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này cũng như để nâng cao vị thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp dệt may cần phải đổi mới phương thức kinh doanh, cũng như những giải pháp tích cực mới có thể đạt được kết quả trên.


Mỹ Phương
- Uyên Hương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN