Ngành bia, rượu, nước giải khát tăng sức cạnh tranh nhờ hội nhập

Sau 2 năm thực hiện cam kết về mở cửa thị trường bán lẻ tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp (DN) trong ngành bia rượu nước giải khát đã nhận thức được rõ tác động của việc mở cửa thị trường bán lẻ. Mặt tốt là các DN trong nước đã năng động hơn; tăng sức cạnh tranh; sản xuất các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, DN cũng gặp nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.

Đo lường mức độ ảnh hưởng

Đối với ngành bia, nguồn bia nhập khẩu chính thức được cấp phép không gây ảnh hưởng lớn đến DN vì đó là các sản phẩm cạnh tranh lành mạnh. DN chỉ bị ảnh hưởng bởi các loại bia nhập lậu và các loại bia được phân phối theo kênh miễn thuế. Theo báo cáo khảo sát thì có khoảng 30 triệu lít bia mỗi năm được nhập khẩu và tiêu thụ qua nguồn này. Điều này tác động rất lớn đến các DN như: tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; hàng giả, hàng nhái khó kiểm soát hơn, không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, làm thất thu thuế của Nhà nước.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Tân Hiệp Phát.


Với ngành rượu, rượu ngoại chỉ chiếm ưu thế ở thị trường cao cấp, còn ở phân khúc thị trường trung và thấp thì rượu nội vẫn có nhiều ưu thế. Về một mặt nào đó, đối với một số DN có thương hiệu, có uy tín trên thị trường không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình hội nhập. Tuy nhiên, nhìn tổng thể trong cả ngành và xã hội, vẫn có những ảnh hưởng không tốt: chi phí thu nhập cho tiêu dùng hàng xa xỉ lớn hơn, kích thích xu hướng dùng hàng ngoại của người dân, gây khó khăn cho việc kiểm soát hàng lậu…

Cùng với sự tăng trưởng của kinh tế và tiêu dùng, nhu cầu về nước giải khát cũng tăng lên khá mạnh, thậm chí mạnh hơn cả tăng trưởng tiêu dùng chung. Chính sự hấp dẫn của thị trường nước giải khát Việt Nam đã là động lực thu hút sự tham gia của các DN có vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường này. Do đó, với ngành nước giải khát, thị trường đồ uống có vẻ như chịu tác động trực tiếp nhất của các chính sách mở cửa thị trường. Đến nay, thị trường nước giải khát Việt Nam đã có sự tham gia của rất nhiều hãng đồ uống nước ngoài khiến cho sự cạnh tranh thị phần khá gay gắt.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hàng ngoại đổ bộ thị trường nội địa do xu hướng chuộng hàng ngoại vẫn còn phổ biến trong tâm lý người tiêu dùng Việt Nam. Mở cửa thị trường bán lẻ làm giá các mặt hàng nhập khẩu thấp xuống, không chênh lệch nhiều với hàng trong nước, càng dễ tạo điều kiện cho xu hướng tiêu dùng hàng ngoại.

Kiểm soát thị trường và nâng cao năng lực DN

Trước diễn biến của thị trường rượu, bia, nước giải khát, Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần tăng cường các biện pháp quản lý để kiểm soát hàng nhập lậu, đặc biệt ở các cửa hàng bán lẻ, kiểm soát nguồn nhập, đơn vị vận chuyển và tiêu thụ. Cần có chính sách quản lý ở các kênh duty free (miễn thuế) vì hiện nay, ở các điểm mua hàng miễn thuế có chính sách như mỗi người dân được phép mua hàng dưới 500.000 đồng/ngày nên các nhà bán lẻ thường thuê người dân mua và vận chuyển hàng ra thị trường mà rất khó kiểm soát.

Đối với rượu nên đánh thuế theo độ rượu tuyệt đối (quy định về độ cồn). Vì các sản phẩm rượu mạnh của nước ngoài thường có độ cồn cao, không nên cho bán rượu tại các cửa hàng miễn thuế tại biên giới. Bên cạnh đó, nên tăng cường hiệu lực kiểm tra của cán bộ quản lý thị trường chống buôn lậu.

Đối với các DN, một cách làm có hiệu quả để bảo vệ bản thân trước hàng nhập khẩu là cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín và thương hiệu trên thị trường Việt Nam.

Minh Khuê

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN