Khu kinh tế Dung Quất - Tiên phong và thành công

Khu kinh tế (KKT) Dung Quất được thành lập và đi vào hoạt động tròn 16 năm (16/8/1996 - 16/8/2012). Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng KKT Dung Quất là một trong những KKT tiên phong và thành công nhất trong cả nước. KKT này đã và đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho việc phát triển trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

Từ những kết quả ban đầu...


Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định rằng: KKT Dung Quất đã góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua. Những con số phản ánh kết quả xây dựng, đầu tư và phát triển tại KKT Dung Quất thời gian qua đã chứng minh chủ trương của Trung ương về xây dựng KKT Dung Quất là đúng đắn. Đồng thời chứng minh những nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân Quảng Ngãi trong quá trình đầu tư, xây dựng, phát triển KKT Dung Quất. Những kết quả đó khẳng định vị thế của KKT Dung Quất là một trong những KKT ven biển được đánh giá là thành công nhất. Sự phát triển của KKT Dung Quất đã và đang mở ra sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi.


 

Trung tâm Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đến tháng 8/2012, KKT Dung Quất đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 114 dự án với tổng vốn đăng ký là 136.000 tỷ đồng, trong đó có 101 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 76.725 tỷ đồng; 13 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 3 tỷ 746,56 triệu USD. Tổng giá trị vốn thực hiện đầu tư ước đạt 60%. Trong đó có một số dự án lớn, quan trọng như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy nhựa PP, Nhà máy đóng tàu, Nhà máy BioEthanol, Nhà máy xi măng Dung Quất cùng hệ thống bến cảng và hệ thống dịch vụ khách sạn, nhà hàng... góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của KKT.

Lắp đặt đường ống dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

 

Trong 67 dự án đang hoạt động tại KKT Dung Quất, có 47 dự án hoạt động hiệu quả tốt, đặc biệt là các dự án lọc - hóa dầu, công nghiệp nặng, khai thác cảng... giải quyết việc làm cho 13.800 lao động. Năm 2011, giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại, dịch vụ của KKT Dung Quất đạt 115.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD; hàng hóa thông qua cảng Dung Quất đạt 5,3 triệu tấn; thu ngân sách trên địa bàn KKT Dung Quất đạt 15.532 tỷ đồng. Dự kiến năm 2012, giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt 150.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 7,5 triệu tấn; đóng góp nguồn thu ngân sách đạt 15.000 tỷ đồng. Từ một trong những tỉnh còn khó khăn, Quảng Ngãi đã vươn lên là một trong 10 tỉnh có mức thu ngân sách cao của cả nước.


Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cho rằng: Cùng với việc thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện tương đối tốt công tác bồi thường, tái định cư, an sinh xã hội khi triển khai các dự án. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã coi việc giải quyết đời sống cho người dân là mục tiêu của KKT và là nhiệm vụ chính trị của chính mình. Do đó, tỉnh luôn nỗ lực để hài hòa 3 lợi ích: Lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và đặc biệt là coi trọng lợi ích của người dân. Công tác bồi thường phải nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng, áp giá đền bù đúng chính sách, công khai, dân chủ để tạo sự đồng thuận của người dân. Trong công tác tái định cư, quan tâm, kết hợp chặt chẽ tái định canh, định cư cho người dân, giải quyết việc làm, khi tái định cư có việc làm mới tốt hơn, thu nhập cao hơn. Chúng tôi giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân… nhờ vậy hầu hết người dân tại các xã trong vùng dự án đồng thuận, đến nơi ở mới, nhường đất để thực hiện các dự án được thuận lợi. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã giúp cho hàng nghìn thanh niên trong độ tuổi lao động được làm việc tại các nhà máy trong KKT”, ông Cao Khoa nhấn mạnh.

 

... đến hướng phát triển tương lai

 

Để KKT Dung Quất tiếp tục phát triển toàn diện và vững chắc, tỉnh Quảng Ngãi đang đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinhgapo... Tình hình thu hút đầu tư trong năm 2012 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với việc xuất hiện một số đối tác mới, trong đó có nhiều dự án quan trọng đối với sự phát triển của KKT Dung Quất như: dự án Nhà máy nhiệt điện BOT của Tập đoàn Semcorp công suất 1.200 MW với tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD; dự án KCN Việt Nam - Xinhgapo (VSIP) với quy mô đầu tư cả 2 giai đoạn lên đến 1.200 ha; dự án Nhà máy bột giấy của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Tập đoàn JK (Ấn Độ)... Đặc biệt là khả năng tham gia Dự án Thép Guang Lian của Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản). Trong thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư tiềm năng từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đến KKT Dung Quất nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như: khai thác đá vôi, đá dolomite, khí công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng...


 

Xuất khẩu cần cẩu bánh trục của Doosan Vina.

 

Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất cho rằng: Mục tiêu lâu dài phát triển KKT Dung Quất là tiếp tục khẳng định vai trò là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu - hóa dầu - hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: luyện - cán thép, cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác Cảng nước sâu Dung Quất I và Dung Quất II. Mặt khác, Chính phủ định hướng xây dựng KKT này thành một thành phố công nghiệp mở trong tương lai, có trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ cảng. KKT là đầu mối giao thông quan trọng với miền Trung và Tây Nguyên, là tiền đề để Quảng Ngãi phát triển và có vai trò quan trọng với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.


Một góc khu đô thị Vạn Tường.

 

KKT Dung Quất được định hướng phát triển thành Thành phố công nghiệp mở - là một đơn vị hành chính lãnh thổ, được áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và các cơ chế đặc cách như: Cơ chế tự chủ về tài chính ngân sách, được trao quyền quản lý cao hơn trên một số lĩnh vực: quản lý đầu tư, xây dựng, lao động, xuất nhập khẩu, đất đai, môi trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý đô thị… định hướng phát triển này sẽ giúp cho chính quyền thành phố chủ động trong quá trình giải quyết công việc và thủ tục cho các nhà đầu tư; đồng thời được áp dụng một số cơ chế tự chủ tài chính ngân sách, đầu tư, thương mại, đất đai, phát triển đô thị mới, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu dân cư, thu hút và sử dụng nhân tài… Đây được xem là mô hình thích hợp thay thế mô hình Ban quản lý như hiện nay.


Những chỉ tiêu chủ yếu phát triển KKT Dung Quất đến năm 2015 và đến năm 2020: Phấn đấu đến 2015, thu hút đầu tư đạt 13 tỷ USD (trong đó vốn thực hiện khoảng 8 tỷ USD), thu ngân sách trên địa bàn 15.000 tỷ đồng. Đến năm 2020, thu hút đầu tư đạt 16 tỷ USD, thu ngân sách đạt 25.000 tỷ đồng.


Tuy thời gian xây dựng và phát triển của KKT Dung Quất chưa phải là dài, nhưng đã mở ra sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi trong thời kỳ mới, đặc biệt là sự phát triển của các loại hình kinh tế với quy mô lớn hơn, đồng bộ, vững chắc hơn, đưa tỉnh Quảng Ngãi dần dần trở thành một tỉnh giàu mạnh của khu vực duyên hải miền Trung.


Bài và ảnh: Nguyễn Đăng Lâm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN