Hậu trường Tết và câu chuyện của các doanh nghiệp Việt

Với những dự báo chưa mấy sáng sủa về “bức tranh” kinh tế năm 2012, ngay sau Tết, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lo suy tính bài toán kinh doanh trong năm Nhâm Thìn. Theo nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức tiêu dùng giảm sút thì các doanh nghiệp càng phải chú trọng tới việc nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường nội địa.

Lấy đà từ thị trường Tết

Ngay cả với các DN sản xuất hàng tiêu dùng, mùa kinh doanh Tết sôi động vừa qua cũng không làm họ chủ quan với những diễn biến của thị trường năm 2012. Nhờ cam kết giữ ổn định giá bán, chất lượng và tăng cường các chương trình khuyến mại, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, DN sản xuất và kinh doanh nước giải khát hàng đầu Việt Nam vẫn tăng mạnh doanh số bán hàng trong dịp Tết.

Nhưng, theo đại diện của DN này, các DN Việt Nam vẫn cần lường rõ những khó khăn của thị trường trong năm 2012. “Người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu là thách thức lớn nhất với các DN khi hướng về thị trường nội địa. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng vẫn cao cũng là áp lực rất lớn cho DN trong việc muốn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo của Tân Hiệp Phát cho biết.

Tuy nhiên, nhìn lại thị trường Tết năm nay lại thấy một tín hiệu khả quan cho Tân Hiệp Phát cũng như các DN khác là trong khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa nói chung có xu hướng giảm nhưng xu hướng tiêu dùng hàng Việt lại tăng lên. Dịp Tết, với việc người tiêu dùng thường rộng rãi hơn trong chi tiêu, hàng ngoại thường có xu hướng lấn át hàng nội. Nhưng Tết Nhâm Thìn vừa qua thì ngược lại, cơ cấu hàng Việt Nam trong hệ thống kinh doanh của các siêu thị đã tăng rất mạnh. Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart), hiện nay, tỷ trọng hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị Fivimart chiếm trên 80% hàng Việt Nam trong tổng số 25.000 mặt hàng đang kinh doanh. Ngay cả các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Big C, trong cơ cấu hàng hóa của siêu thị cũng có đến 80 - 90% các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Từ những tín hiệu tích cực của hàng Việt tại thị trường Tết, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN trong nước thay vì lo lắng thì hãy chủ động tiếp cận người tiêu dùng trong nước. Thực tế, ngay cả những ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may... đã bị giảm sút đơn hàng xuất khẩu. Nếu DN chỉ trông vào thị trường xuất khẩu thì sẽ rất bị động. Ngược lại, những DN có kế hoạch bài bản ở thị trường nội địa thì vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ. “Thị trường trong nước vẫn được đánh giá là rất tiềm năng. Những DN sản xuất hàng thiết yếu, có giá thành hợp lý và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã vẫn có cơ hội để tăng trưởng trong năm 2012”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận xét.

Chiếm lĩnh thị trường nội địa

Theo Bộ Công Thương, từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp trong nước đã dần nhận thấy đây là thời cơ để vượt lên chiếm lĩnh thị trường trong nước. Từ đó, nhiều DN đã rất nỗ lực tận dụng và phát huy các lợi thế để dần chiếm lĩnh thị trường nội địa. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng giúp nâng cao uy tín sản phẩm trong nước, củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Tuy nhiên, về lâu dài, khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ, các mặt hàng ngoại nhập sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, đủ sức cạnh tranh về giá với hàng nội. Để chiếm lĩnh thị trường nội địa, cạnh tranh tốt hơn với hàng ngoại, theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp phải tập trung mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm. DN cũng nên quan tâm củng cố và xây dựng hệ thống phân phối tại thị trường nội địa.
Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, để hàng nội chiếm lĩnh được thị trường nội địa, theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cuộc vận động và quảng bá hàng nội hơn nữa. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng nên tăng cường kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với lãi suất thấp nhằm ổn định sản xuất và cung cấp hàng Việt chất lượng cao, giá thành phù hợp với người tiêu dùng trong nước.

Minh Khuê

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN