Hà Nam: Doanh nghiệp kiến nghị tăng quỹ đất xây nhà cho công nhân

Ngày 18/4, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để nghe những ý kiến, kiến nghị và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Nam đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (ảnh dưới). 

Cụ thể là tình trạng thiếu hụt lao động, khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư trong xây dựng cơ bản. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay; thiếu nhà ở cho người lao động…

Do vậy, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Nam đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã nhanh chóng thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các doanh nghiệp. Các sở, ngành xem xét thành lập đoàn liên ngành để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra cùng một vấn đề tại doanh nghiệp. Đồng thời, tăng quỹ đất để tạo điều kiện xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.

Theo đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Xây lắp Trường Sơn, hạ tầng cơ sở tại một vài khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn, UBND tỉnh Hà Nam quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh thêm về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động, trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, lĩnh vực đất đai…

Sau khi nghe các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã ghi nhận và tiếp thu những ý kiến, đề nghị của các doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương có liên quan giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp.

Ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp như: tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối các doanh nghiệp theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Các ngành, địa phương cần chuyển nhận thức và hành động từ “quản lý doanh nghiệp” sang “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo.

Ngoài ra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, trốn thuế, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường… để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính, tạo môi trường lành mạnh để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.

Tỉnh Hà Nam hiện có gần 4.400 doanh nghiệp được đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã đóng góp phần lớn vào ngân sách địa phương, góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam.

Năm 2016, tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt hơn 3.700 tỷ đồng, chiếm 93,3% tổng thu ngân sách năm 2016 và tăng 39,8% so với năm 2015. Trong 3 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng.

Thanh Tuấn (TTXVN)
Gia Lai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Gia Lai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 16/2, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị gặp mặt Doanh nghiệp đầu năm mới 2017 với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, các địa phương cùng 400 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho hơn 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN