Giúp đồng bào Chăm thoát nghèo

Nhờ đồng vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đã thoát nghèo bền vững.

Những năm qua, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân trong tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt là vùng có đông đồng bào Chăm sinh sống. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Chính phủ về triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào Chăm, nhiều hộ nghèo ở Ninh Thuận có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Phụ nữ người dân tộc Chăm ở xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đầu tư trồng rau màu nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào Chăm theo kết luận tại Thông báo số 396/TB - VPCP ngày 9/12/2015 của Văn phòng Chính phủ, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận đã chủ động đưa nguồn vốn ưu đãi đến với đồng bào, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, chăn nuôi.

Theo đánh giá của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận, hầu hết số hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như phát triển chăn nuôi bò vỗ béo; sản xuất rau màu theo chuỗi liên kết; đầu tư buôn bán nhỏ lẻ... Nhờ đó, cuộc sống của những hộ vay vốn được cải thiện, nhiều hộ đã trở thành hộ khá.

Tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, trước đây do thiếu vốn làm ăn, cuộc sống của nhiều hộ dân gặp không ít khó khăn. Được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều chị đã đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi... Đến nay, nhiều gia đình đã có của ăn của để.


Chị Châu Thị Dung ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, cho biết trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Do tác động của hạn hán, thiếu nước tưới nên việc sản xuất của gia đình gặp nhiều khó khăn. Được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng, chị Dung đã đầu tư mô hình sản xuất măng tây xanh, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây trồng với diện tích gần 0,2 ha. Hiện gia đình chị đã mở rộng thêm diện tích canh tác lên gần 0,3 ha, hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại khá cao, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho gia đình chị.


Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, Trương Thị Phương Trang khẳng định: Vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chính là đòn bẩy giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã có việc làm ổn định. Bà Trang cho rằng, để đồng vốn vay phát huy tác dụng, giúp các hộ thoát nghèo bền vững, ngân hàng cần tạo điều kiện nâng mức vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm ăn có hiệu quả hơn.


Ông Nguyễn Thế Hoàn, Giám đốc phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Phước cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hơn 5.790 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 149,6 tỷ đồng. Dư nợ bình quân cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc Chăm hiện là gần 26 triệu đồng/hộ, so với trước đây chỉ từ 10 - 17 triệu đồng/hộ. Nhìn chung, những hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả mang lại rất khả quan. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 4,68% (trước kia là hơn 6%), cho thấy nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.


Năm 2017, phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Phước tiếp tục triển khai những chính sách tín dụng đến với người dân, đặc biệt là đồng bào Chăm và các xã phấn đấu được công nhận nông thôn mới trong năm 2017, tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.


Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2016 đơn vị đã đề xuất và được Trung ương phân bổ nguồn vốn 234 tỷ đồng để giải quyết khó khăn cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Theo đó, đơn vị đã đẩy mạnh tiến độ giải ngân cho hơn 4.000 hộ là đồng bào dân tộc Chăm với số tiền hơn 97,7 tỷ đồng; đến nay đã có 10.053 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 256 tỷ đồng. Nhờ đồng vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đồng bào Chăm đã thoát nghèo bền vững.


Theo ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, do điều kiện canh tác của đồng bào còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo có thể xảy ra, do đó Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục tập trung cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào; chủ động tham mưu, bố trí ưu tiên nguồn vốn các chương trình tín dụng đang triển khai thực hiện cho các đơn vị trực thuộc có đông đồng bào Chăm sinh sống; đồng thời tham mưu cho tỉnh hàng năm cân đối, bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách sang Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận vốn vay thuận lợi nhất.

 

Bài và ảnh: Công Thử
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng đồng bào Chăm
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng đồng bào Chăm

Vui mừng được gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng của bà con dân tộc Chăm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định không có đồng bào dân tộc không có đất nước hôm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN