Gian nan hành trình đòi nợ thuế

Việc doanh nghiệp “quỵt” tiền thuế không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn tạo ra một áp lực rất lớn đối với các cấp quản lý. Trong khi đó, việc đòi nợ thuế của các cấp quản lý đang gặp phải nhiều vướng mắc, nhất là khi trong tay không có chế tài đủ mạnh để xử lý .

Áp lực cho cơ quan quản lý

Báo cáo mới nhất của Cục thuế thành phố Hà Nội cho thấy: d ự kiến số nợ thuế, phí tính đến thời điểm ngày 31/12/2011 sẽ lên tới 3.682 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4% tổng số thu ngân sách năm 2011. Trong đó, nợ không có khả năng thu hồi lên tới 430 tỷ, còn nợ chờ xử lý là 369 tỷ đồng.

Số nợ khó đòi đều là do các doanh nghiệp bị khởi tố, hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể, không có khả năng thanh toán...

Ảnh:Internet

Số liệu thống kê của Cục Hải quan thành phố Hà Nội cũng khiến nhiều người phải giật mình lo ngại khi tính đến tháng 6, cơ quan này đang phải quản lý số nợ lên tới 2.391,33 tỷ đồng.

Một cán bộ công tác lâu năm trong Cục Hải quan thành phố Hà Nội cho biết: những khoản nợ thuế tồn đọng hiện nay ở Hải quan Hà Nội chủ yếu là các khoản nợ phát sinh từ trước khi thực hiện Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành. Và đó là hậu quả của việc các doanh nghiệp giải thể, phá sản, tự ngừng hoạt động, nợ phạt chậm nộp, chây ỳ….

Cơ quan Hải quan đã thực hiện phân loại nợ, truy tìm chủ nợ để kiên quyết thu hồi đối với các khoản nợ chây ỳ. Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình nợ kéo dài, cơ quan Hải quan phối hợp với cơ quan pháp luật tại địa phương để cưỡng chế thi hành. Nhưng thực tế cho thấy, việc đốc thu, đòi nợ thuế các doanh nghiệp là chuyện không đơn giản.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan bắc Hà Nội Phạm Trần Thành cho biết: việc thu hồi nợ thuế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bởi đa số các khoản nợ thuế còn tồn đọng phát sinh đã lâu, nhiều khoản rất khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, tự ngừng hoạt động…

Có trường hợp người đứng tên chức danh giám đốc lại không phải là chủ doanh nghiệp mà chỉ là giám đốc thuê; hoặc một số chủ doanh nghiệp lĩnh án tù nên cũng không có khả năng nộp thuế. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp đã có quyết định giải thể phá sản nhưng khi làm thủ tục, cơ quan có thẩm quyền không thông báo cho cơ quan Hải quan nên khoản nợ thuế vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, cán bộ Hải quan được giao nhiệm vụ đi đốc thu phải đi truy tìm, xác minh, điều tra đối tượng nợ thuế trong hoàn cảnh rất vất vả, có khi còn nguy hiểm vì không có phương tiện, người nợ thuế chây ỳ gây gổ, hành hung; các cơ quan thì không muốn tiếp vì sợ mất thời gian cho việc không phải của mình..

Nhận xét về tình trạng nợ đọng thuế xuất nhập khẩu, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng cho rằng, có 5 nguyên nhân dẫn đến nợ đọng gồm: yếu tố chính sách, nhận thức của doanh nghiệp, thay đổi về cơ chế dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp có xáo trộn, doanh nghiệp cố tình vi phạm và cuối cùng là các biện pháp thu đòi của cơ quan chức năng chưa hiệu quả.

“Điều lo nhất chính là ý thức chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp đã cố tình trốn thuế, việc thu đòi nợ thuế sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc thực hiện cưỡng chế theo trình tự quy định của Luật Quản lý thuế còn phức tạp, khó thực hiện. Hoặc khi áp dụng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá phải mất nhiều thời gian, gây tốn kém do tiền lưu kho, lưu bãi quá lớn” - ông Phụng cho hay.

Bịt kẽ hở của luật

Theo đại diện các cơ quan chức năng, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng doanh nghiệp “xù” nợ thuế cũng như giải quyết việc nợ đọng thuế, nợ khó đòi, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan Thuế, Hải quan, thì vấn đề tiên quyết là cần có sự thay đổi từ chính sách. Về lâu dài, những điều khoản không còn phù hợp với thực tiễn trong các chính sách thuế cần phải có sự thay đổi.

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Nội Bài Đào Văn Liên cho biết: hiện nay, vấn đề hiệu quả của ân hạn thuế cần phải xem lại. Chủ trương ưu đãi của chính sách ân hạn thuế vốn chủ yếu nhằm vào việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất và sản xuất hàng xuất khẩu.

Nhưng trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp có chức năng sản xuất thì lại không kiêm nhiệm chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu. “Sự ưu ái của chính sách ân hạn thuế hầu như rơi vào các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh xuất nhập khẩu, với chức danh nhà nhập khẩu uỷ thác mà đáng lý ra nó phải được dành cho những đơn vị trực tiếp sản xuất ra hàng hoá. Tôi cho rằng nên bỏ chính sách ân hạn thuế” – ông Liên nhấn mạnh.

“Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét cho sửa Luật Quản lý thuế theo hướng trừ trường hợp có bảo lãnh được áp dụng thời hạn nộp thuế 30 ngày, doanh nghiệp phải nộp thuế trước khi nhận hàng, mà như hiện nay chỉ hàng tiêu dùng và hàng phi mậu dịch phải nộp thuế trước khi nhận hàn”- Bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết.

Cùng với những động thái của ngành Hải quan, Cục thuế thành phố Hà Nội cũng đang tìm cách khắc phục những kẽ hở của Luật. Theo đó, trong khi chờ đợi có những văn bản pháp luật, chính sách cụ thể về chống chuyển giá, từ nay đến cuối năm 2011, cơ quan thuế đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế, trong đó, chú ý tiến hành kiểm tra ngay trong tháng sau đối với các doanh nghiệp xin hoàn số thuế không lớn, tốn ít thời gian kiểm tra; trường hợp các doanh nghiệp xin hoàn số thuế lớn nhưng lỗ liên tục, hoặc tốn nhiều thời gian kiểm tra (hoặc nghi ngờ có dấu hiệu gian lận thuế). Song song với thanh tra, cơ quan thuế cũng tăng cường tuyên truyền để người nộp thuế hiểu rằng nếu không tuân thủ tự nguyện sẽ bị xử phạt.

Anh Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN