Gian nan doanh nghiệp khởi nghiệp - Bài 2

Để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện phát triển.

MỞ CÁNH CỬA CHO DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP

Ngoài môi trường pháp lý, cơ chế chính sách, công nghệ, nguồn nhân lực thì việc lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có vốn đầu tư luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Khởi nghiệp từ một trại chăn nuôi gia cầm nhỏ đến nay Công ty cổ phần Hùng Nhơn (tỉnh Bình Phước) đã trở thành doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp hàng đầu trên cả nước. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Giảm áp lực về vốn

Theo ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hồ Chí Minh, mặc dù tại TP Hồ Chí Minh đã thành lập các tổ chức Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng xem ra các quỹ này vẫn chưa thể hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Do nhiều nguyên nhân nhưng căn bản nhất vẫn là hành lang pháp lý cho các Quỹ này hoạt động không đủ. Chẳng hạn như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại nhưng vẫn yêu cầu phải có tài sản thế chấp bảo đảm vốn vay.

Hay cho vay trong lĩnh vực khoa học - công nghệ cao rất dễ xảy ra rủi ro, nhưng pháp luật quy định với Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp lại không chấp nhận ngân sách rủi ro, buộc phải bảo toàn vốn… Do vậy, Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để các Quỹ này có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn trong việc tiếp cận vốn vay, nhất là đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa .

Trong điều kiện hiện nay khi việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng khó khăn và tồn tại nhiều vướng mắc, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc hình thành các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp là giải pháp phù hợp nhất.

Nhà nước cần hỗ trợ cơ chế, quy định pháp luật để hình thành các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có thể tham gia đầu tư vốn vào các quỹ này.

Quỹ đầu tư mạo hiểm đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như chấp nhận được mức độ rủi ro cao hơn so với quy định của hệ thống ngân hàng. Sự xuất hiện của các Quỹ đầu tư mạo hiểm có thể giải quyết bài toán về vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời có thể hỗ trợ, cung cấp vấn đề các mặt thị trường đầu ra, hồ sơ pháp lý, quản trị doanh nghiệp, kê khai thuế, báo cáo tài chính… đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ cơ sở để hoạt động hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, song song với đó cần thành lập các Trung tâm chuyên ngành uy tín để thẩm định, đánh giá khách quan, có cơ sở khoa học về các dự án, các ý tưởng sáng tạo. Đặc biệt là các ý tưởng áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, đánh giá thị trường đầu ra của sản phẩm dịch vụ mới. Đây sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc hỗ trợ cho các ngân hàng trong quá trình thẩm định dự án kinh doanh, thêm cơ hội và tăng thêm khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng cho các doanh nghiệp non trẻ. Với những đánh giá mang hàm lượng khoa học cao, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc quyết định cấp tín dụng, tài trợ cho các dự án ý tưởng kinh doanh mới.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, những năm vừa qua, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giá rẻ của ngân hàng. Từ đó có thể nhân rộng mô hình này, xây dựng các gói tín dụng ưu đãi về vốn, lãi suất, cơ chế tín dụng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp tại một số lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn, các lĩnh vực bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao cải tiến sản phẩm… Đây sẽ là nguồn vốn hữu ích hỗ trợ các doanh nghiệp này xây dựng và đưa các ý tưởng kinh doanh vào thực tiễn thị trường, giảm áp lực về nợ phải trả cho ngân hàng, từ đó, đầu tư phát triển có hiệu quả hơn.

Khởi nghiệp đi liền với đổi mới sáng tạo

Các chuyên gia cũng cho rằng, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, Nhà nước cần kiên định các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, xây dựng lòng tin cho người kinh doanh. Cần tiếp tục gỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh, kiên quyết loại bỏ các giấy phép con về các điều kiện kinh doanh gây cản trở cho việc kinh doanh. Cần minh bạch hóa các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để người làm kinh doanh có thể tiếp cận các thông tin, sự trợ giúp về kỹ thuật cũng như về lĩnh vực tài chính.

Về phía các doanh nghiệp, ông Trần Dục Thức, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường là những doanh nghiệp nhỏ, cơ sở vật chất không có, máy móc thiết bị khiêm tốn, số lượng doanh nghiệp ít, nguồn vốn hạn chế. Nhưng ưu điểm lớn nhất đối với những doanh nghiệp này là tinh thần khởi nghiệp và nguồn vốn con người, được đào tạo có trình độ và năng lực. Do đó, nếu xây dựng một cấu trúc doanh nghiệp không phù hợp thì những nguồn lực đó không thể phối hợp với nhau. Vì vậy, đối với những doanh nghiệp mới thành lập nên sử dụng mô hình đơn giản, năng động dựa trên nền tảng có thể đó là phát triển theo những nhóm sáng tạo, sau đó trong quá trình phát triển quy mô đến đâu, kết quả hoạt động thế nào thì mới chuyển cấu trúc doanh nghiệp từ dạng đơn giản sang phức tạp hơn.

Ngoài ra, nhà khởi nghiệp cũng cần xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, đổi mới công việc, chú trọng đến tầm quan trọng của việc cải tiến công nghệ, tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và xác định cách thức hòa nhập phù hợp của doanh nghiệp trong mô trường toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nhất mà nhà quản trị không thể lơ là chính là đạo đức doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội. Đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp gìn giữ được uy tín trong mắt các cổ đông, khách hàng, nhà cung cấp, người lao động, cộng đồng và chính phủ để hướng tới phát triển bền vững.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên Nhóm Tư vấn đề án phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần chủ động thay đổi mình để tiếp cận được các thông tin hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, tiếp cận với các công nghệ mới, chi phí vừa phải trong nước từ các hội chợ công nghệ, các trung tâm chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các trung tâm thông tin khoa học công nghệ…

Việt Âu (TTXVN)
Gian nan doanh nghiệp khởi nghiệp - Bài 1
Gian nan doanh nghiệp khởi nghiệp - Bài 1

Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và người trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà khởi nghiệp hiện nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN