Đồng bằng sông Cửu Long: Nâng cấp cảng sông, biển

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nâng cấp, xây dựng mới các cảng sông, biển khu vực sông Tiền và khu vực sông Hậu nhằm nâng công suất vận chuyển các cảng này từ 15,7 triệu tấn năm 2010 lên 28 triệu tấn vào năm 2020 theo qui hoạch của Chính phủ.

Trong số này có các cảng sông khu vực sông Tiền, gồm các cảng: Cao Lãnh – Sa Đéc (Đồng Tháp), Mỹ Tho (Tiền Giang), Vĩnh Thái (Vĩnh Long), Hàm Luông (Bến Tre) và một số cảng chuyên dùng khác ven sông Tiền, có khả năng cho tàu có tải trọng 5.000 tấn vào bốc dỡ hàng. Các cảng khu vực sông Hậu gồm Cái Cui, Trà Nóc, Cần Thơ (thuộc thành phố Cần Thơ), Mỹ Thới (tỉnh An Giang), Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng), Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) và một số cảng chuyên dùng khác ven sông Hậu có khả năng cho tàu có tải trọng từ 5.000 đến 10.000 tấn cập cảng bốc dỡ hàng. Ngoài ra, còn xây dựng các cảng biển thuộc khu vực bán đảo Cà Mau và ven biển khu vực vịnh Thái Lan gồm cảng tổng hợp Năm Căn thuộc tỉnh Cà Mau, cảng Hòn Chông, cảng Bãi Nò, cảng Bình Trị và một số cảng chuyên dùng bên bờ biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang có khả năng cho tàu có tải trọng 5.000 – 10.000 tấn cập vào bốc dỡ hàng.

Bốc dỡ hàng hóa ở cảng Cần Thơ.


Nhóm cảng tại Cần Thơ được xem là cụm cảng chính của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối thương mại, hàng hải phục vụ trực tiếp cho tiểu vùng Tây sông Hậu, tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu. Hiện tại, các cảng thuộc nhóm cảng chính là Cái Cui (Cần Thơ) đã được đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng mới, đến nay đã hoàn thành giai đoạn một. Đây là cảng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Khi hoàn thành, cảng có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 20.000 tấn. Hai cảng Cần Thơ, Trà Nóc (cũng tại thành phố Cần Thơ) cũng được đầu tư nâng cấp, hiện đã xây dựng cầu cảng mới dài 90 mét, mở rộng kho bãi tăng thêm 12.000 m2, trong đó có bãi chứa container rộng 6.000 m2. Việc vận chuyển hàng hóa thông qua hai cảng này tiết kiệm khoảng 5 USD/tấn hàng so với vận chuyển tại các cảng thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, thành phố Cần Thơ đang nghiên cứu để xây dựng cảng nổi ngoài Biển Đông (hình thức cảng trung chuyển hoặc nối bờ). Dự kiến đến năm 2025, công trình này sẽ hoàn thành, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 60.000 tấn.

Tuy nhiên, hiện nay, luồng lạch tại các cửa sông chính như cửa Định An, cửa Tiểu thuộc sông Tiền, sông Hậu bị bồi lắng, khiến các tàu có tải trọng trên 3.000 tấn ra vào khó khăn. Tại luồng Định An (nơi có tàu biển ra vào nhiều nhất hiện nay) trên chiều dài khoảng 30 km, độ sâu chỉ khoảng 3 m. Hàng năm, được đầu tư từ 3 đến 14 tỉ đồng để nạo vét nhưng vài tháng sau luồng này lại bị bồi lắng. Trước thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã cho đào một kênh tắt tránh cửa Định An qua kênh Quan Chánh Bố (huyện Trà Cú, Trà Vinh) thông với Biển Đông. Tuyến kênh mới và cũ sẽ được đào, vét để đạt độ sâu từ 6,5 – 8,5 m, mặt kênh rộng 200 m, đáy kênh rộng ít nhất 85 m. Để tránh bồi lắng, sẽ xây dựng hai đê chắn sóng tại hai bên bờ kênh với tổng chiều dài 4 km.

Thế Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN