Doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cơ hội đầu tư xây dựng tại Việt Nam

Sáng 16/9, tại Hà Nội, 25 doanh nghiệp và tổ chức Hàn Quốc đã tham gia hội thảo “Luật Xây dựng Việt Nam 2014 và khung pháp lý liên quan - Cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam và Hàn Quốc” do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) và Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS) tổ chức. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu các cơ hội cũng như thách thức khi đầu tư xây dựng tại Việt Nam.

Hội thảo nhằm giúp các DN Hàn Quốc hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Thọ Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã trình bày những điểm mới của Luật Xây dựng 2014, có hiêu lực thi hành từ 1/1/2015.

Trong hoạt động xây dựng, ông Vinh cũng đề cập đến những hành vi bị cấm xây dựng gồm: Doanh nghiệp khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện; xây dựng trong khu vực cấm; xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng; nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng không đủ điều kiện năng lực… Đây là cơ sở để các DN Hàn Quốc xem xét đầu tư vào Việt Nam.

“Luật Xây dựng 2014 với nhiều điểm mới sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch về quy trình cấp giấy phép xây dựng; khắc phục trình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo, đảm bảo dự án đầu tư xây dựng đúng mục tiêu, chất lượng, hiệu quả, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về xây dựng” - ông Vinh khẳng định.

Grand Plaza - một trong những dự án xây dựng lớn tại Hà Nội do Hàn Quốc đầu tư.

Bàn về tình hình đầu tư tại Việt Nam, ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính từ năm 1988 - 8/2014 có 16.910 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 243 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2014 có 992 dự án mới và 349 dự án mở rộng với 10,23 tỷ USD.

Ông Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam, chiếm 22,6%. Về ODA, Hàn Quốc hiện là nước cung cấp ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam.

Ông Nội cũng đưa ra một số điểm cần lưu ý trong thu hút đầu tư Hàn Quốc thời gian tới như: Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến và xây dựng. Bên cạnh việc tăng cường thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng, Việt Nam cũng cần chú trọng thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào các ngành công nghiệp và công nghệ xanh. Đồng thời cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm doanh nghiệp.

Ông Bùi Đức Hưng, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng).

Ông Bùi Đức Hưng, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, hội thảo không chỉ mở ra cơ hội hợp tác cho các DN hai phía mà còn đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.



Bài và ảnh: Hoàng Dương

17 doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội
17 doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội

Triển lãm các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu TP Bucheon (Hàn Quốc) tại Việt Nam khai mạc ngày 28/11 có sự tham gia của 17 doanh nghiệp với các ngành hàng xuất khẩu tiêu biểu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN