Tham gia các hiệp định thương mại tự do:

Doanh nghiệp e ngại

Việc thực hiện các Hiệp định tự do thương mại (FTA) là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập. Hiện Việt Nam đã tham gia 6 FTA với các đối tác. Điều đáng nói là các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường trong các FTA thậm chí còn lớn hơn và mạnh hơn các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trong bối cảnh đó, Hội nghị tham vấn doanh nghiệp về thực hiện các FTA do Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức hôm qua (4/11) tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Cam kết mở cửa thị trường ngày càng mạnh hơn

Ông Nguyễn Sơn, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế cho biết, hầu hết các FTA của Việt Nam với các nước đối tác đều có cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa còn rộng hơn cam kết WTO. Theo đó, đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải loại bỏ từ 85 - 90% dòng thuế và đến 2020 thì hầu hết các dòng thuế về 0%. Số mặt hàng "nhạy cảm" như vật liệu xây dựng, sắt, thép... được duy trì thuế cao chỉ chiếm khoảng 5%.

Sản xuất ô tô trong nước: Có nên rút ngắn lộ trình mở cửa?
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Lấy dẫn chứng từ Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán với các nước đối tác, ông Sơn cho hay, việc tham gia vào TPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường với những đối tác kinh tế lớn trên thế giới. Hơn nữa, nhiều cơ hội cũng mở ra khi những thách thức cạnh tranh buộc nền kinh tế Việt Nam phải bật lên để tranh thủ những cơ hội mà TPP đem lại, như tăng xuất khẩu và dịch vụ, từ việc hoàn thiện pháp luật đến tổ chức thực hiện các cam kết đó… Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý, cộng đồng DN, TPP có tính chất cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu của các bên tham gia (ví dụ như loại bỏ hoàn toàn nhiều dòng thuế nhập khẩu, mở cửa dịch vụ, các yêu cầu cao về môi trường và lao động…). Đặc biệt, đối tác đàm phán lớn nhất trong TTP là Hoa Kỳ có thể sẽ giữ quan điểm cứng rắn trong đàm phán hiệp định này, thậm chí coi TPP là các FTA thế hệ mới với những điều khoản cam kết mở cửa thị trường cao hơn.

Đáng lo ngại là thực tiễn tham gia các FTA trong thời gian qua cho thấy, Việt Nam lại tận dụng cơ hội không tốt bằng các nước khác. Chẳng hạn, trong việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã thực hiện hơn 10 năm nay và ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) đã thực hiện được 4 năm, dù xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và Hàn Quốc đều tăng trưởng nhưng nhập khẩu của Việt Nam từ các nước này lại tăng mạnh hơn, dẫn tới Việt Nam rơi vào tình trạng nhập siêu ngày càng lớn từ các nước này. Ông Nguyễn Sơn phân tích: Hiện nay, trên 90% biểu thuế của Trung Quốc dành cho Việt Nam đã về mức 0% nhưng vấn đề là Trung Quốc chuyển đổi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu hợp lý hơn Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trên 60% là hàng máy móc thiết bị và sản phẩm công nghiệp chế biến với giá trị cao. Còn Việt Nam xuất sang Trung Quốc với cơ cấu hàng không khác mấy trước khi thực hiện Hiệp định mở cửa thị trường, vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô, hàm lượng chế biến thấp, do đó giá trị không cao. Ngoài ra, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vốn đã có mức thuế suất rất thấp hoặc bằng 0%, nên không hưởng lợi nhiều từ các FTA như các đối tác.

Vươn lên cạnh tranh hay là níu kéo bảo hộ

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn hơn khi Việt Nam phải thực hiện các cam kết FTA, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị Nhà nước nên duy trì chính sách đàm phán ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước. Bà Thu Hương, Phó Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam đề nghị Việt Nam không nên giảm nhanh thuế nhập khẩu ô tô vì theo cam kết trong WTO thì đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô mới bị đưa về mức 0%. Lý do là, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện còn rất non trẻ. Theo đó, nếu rút ngắn rút ngắn lộ trình mở cửa thì doanh nghiệp ô tô Việt Nam có nguy cơ phá sản.

Ở lĩnh vực bán lẻ, chịu tác động nhất của các cam kết thị trường, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng lo ngại: Các FTA với mức độ mở cửa thị trường thậm chí lớn hơn WTO là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Trong thực hiện cam kết WTO, Việt Nam đã đàm phán để 10 mặt hàng không mở cửa cho các nhà phân phối nước ngoài, trong đó có: Thuốc lá, xì gà, sách báo, thuốc nổ, dầu thô, xăng, dầu, đường... Hiệp hội bán lẻ kiến nghị các vòng đàm phán FTA mới nên duy trì diện bảo lưu này.

Tuy nhiên, không ít ý kiến tại hội nghị đã không đồng tình với các tư tưởng bảo hộ. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Việt Nam nêu quan điểm: "Hiệp hội vận tải cũng như người tiêu dùng Việt Nam mong đẩy nhanh lộ trình giảm thuế với ô tô nhập khẩu vào Việt Nam nhanh hơn mốc năm 2018. Giá ô tô ở Việt Nam hiện nay đắt hơn các nước trong khi chất lượng lại không bằng xe nhập nhẩu. Có mở cửa, có cạnh tranh thì giá xe mới rẻ và người tiêu dùng mới được hưởng lợi.".

Giám đốc một công ty tư vấn luật cũng nhìn nhận: Các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường vẫn cần thiết trong điều kiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế chưa cao. Nhưng, việc bảo hộ ở một số lĩnh vực mà trong nước còn nhiều yếu kém như dịch vụ y tế, chuyển phát nhanh... lại dẫn đến tình trạng chậm phát triển, chất lượng thấp, giá thành cao... Thực tế này, khiến người tiêu dùng chịu thiệt còn Nhà nước thì thất thu thuế.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc thực hiện các FTA sẽ có mức độ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, trong quá trình đàm phán và thực hiện, cần tham vấn một cách rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin một cách cụ thể và đa chiều, hạn chế những tác động không tốt.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN