Doanh nghiệp CNTT tại TP.HCM: “Rối” với chính sách thuế và thuê đất

Mặc dù rất muốn tiếp tục phát triển đầu tư lâu dài tại TP.HCM, nhưng các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là các DN làm việc tại Công viên phần mềm Quang trung (QTSC) lại gặp không ít khó khăn do tình hình kinh tế khó khăn cùng với chính sách đầu tư không nhất quán.

 

Thiếu nhất quán trong chính sách đầu tư


Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTSC cho biết: Từ năm 2009, UBND TP.HCM đã chỉ đạo tính lại giá giao đất cho Công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT) dựa trên Nghị định 198/2004/NĐ - CP về thu tiền sử dụng đất và thẩm định giá đất theo văn bản số 11903 của Sở Tài chính. Nhưng đến nay, giá giao đất tại CVPMQT chưa được thống nhất khiến một số DN đầu tư từ năm 2009 về trước đều phải làm thủ tục thuê đất và trả tiền thuê đất hàng năm nếu muốn tiến hành triển khai nhanh dự án.


 

Công viên phần mềm Quang Trung - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp CNTT gặp nhiều vướng mắc về chính sách thuế và thuê đất.

 

Theo ông Dũng, điều này gây trở ngại cho nhà đầu tư do họ không thể huy động được các nguồn vốn ngân hàng để triển khai dự án. Thêm vào đó, các nhà đầu tư vào lĩnh vực văn phòng sản xuất phần mềm và dịch vụ CNTT lại bị đánh đồng là DN đầu tư vào lĩnh vực địa ốc và phải chịu thuế thu nhập DN địa ốc là chưa phù hợp, khiến nhà đầu tư ngại bỏ vốn vào xây dựng hạ tầng trong khu công viên phần mềm. Ngoài ra, một số công ty gia công phần mềm và dịch vụ số hóa đang gặp khó ở quy định mới về thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ số hóa dữ liệu. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định thuế VAT đối với dịch vụ số hóa dữ liệu được điều chỉnh tăng từ 0% lên 10% từ ngày 1/3/2012 khiến nhiều DN gặp khó.


Ông Frank Schellenberg, Giám đốc điều hành Công ty TNHH GHP Far East, DN FDI chuyên về gia công phần mềm quy trình DN (BPO) và số hóa dữ liệu, cho hay việc điều chỉnh thuế GTGT ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN bởi có những hợp đồng GHP đã ký từ lâu, đến nay, chuẩn bị thanh lý hợp đồng thì phải cộng thêm 10% nên khách hàng không đồng ý trả. Còn những đơn hàng mới thì bị cân nhắc có nên thực hiện ở Việt Nam hay không vì đơn giá bị tăng thêm 10%. Ông Schellenberg nói rằng sự thay đổi đột ngột này khiến Việt Nam mất tính cạnh tranh so với thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, nơi có chính sách ưu đãi tốt đối với ngành CNTT. Đây là điều không xảy ra ở các thị trường mà GHP đang hoạt động và có thể GHP sẽ phải xem lại việc có nên tiếp tục đầu tư tại Việt Nam hay không. Hiện, GHP đã có công văn gửi lên cơ quan liên quan nhưng chưa nhận được hồi âm.


Đại diện công ty phần mềm TMA lại bức xúc: Từ năm 2000, theo Thông tư 123/2004/TT-BTC ngày 22/12/2004 hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế đối với DN phần mềm, các DN nhập khẩu thiết bị phục vụ sản xuất phần mềm sẽ được miễn thuế nhập khẩu và VAT nhưng hiện nay, ưu đãi trên đã hết hiệu lực. “Khi TMA thông báo chính sách này, các DN nước ngoài chấp nhận trả thuế nhập khẩu cho chúng tôi, nhưng nay họ không chấp nhận nữa vì họ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nhà nước cần có những chính sách về miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT đối với thiết bị hỗ trợ sản xuất của các DN phần mềm”, đại diện TMA đề nghị.


Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FPT Technology Solutions cho biết: “Việc tạm nhập tái xuất các thiết bị rất phức tạp về thời gian và thủ tục. Có những dự án làm 2 - 3 năm nhưng hết sáu tháng, DN phải xuất trả, sau đó nếu cần sử dụng thiết bị phải làm thủ tục để nhập tiếp”. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hội đồng thành viên của Công ty quản lý CVPMQT bổ sung thêm: “Trong thời gian mượn thiết bị từ đối tác nước ngoài theo hình thức tạm nhập tái xuất, DN vẫn phải ứng thuế nhập khẩu, sau khi tái xuất mới được trả lại khoản tiền trên”.


Gỡ rối cùng doanh nghiệp


Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, trong giai đoạn 2011 - 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên cũng đã tác động đến các DN CNTT, đặc biệt là các DN nhỏ, có sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho thị trường trong nước. Nguyên nhân chính là những tác động từ thị trường cũng như các biện pháp thắt chặt tín dụng đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc ngân sách đầu tư cho CNTT phần nào bị thu hẹp đã tác động đến những DN CNTT phục vụ thị trường trong nước.


Theo đó, để giúp DN tháo gỡ khó khăn, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị cho phép DN được nợ thuế nhập khẩu khi tạm nhập một số trang thiết bị và máy móc phục vụ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm CNTT. Ngoài ra, chỉ đạo Sở Tài chính, Hải quan và Sở Khoa học Công nghệ rà soát lại các quy định và tháo gỡ các vướng mắc đối với từng DN cụ thể. Riêng quy định đánh thuế GTGT 10% đối với dịch vụ số hóa dữ liệu sẽ được TP.HCM kiến nghị lên Bộ Tài chính để xem xét.
Ông Lê Mạnh Hà cũng cho hay, hiện thành phố và Trung ương mở ra nhiều chương trình hỗ trợ, trong đó có cả các quỹ cho vay ưu đãi song thông tin chưa đến được DN. “Vì vậy, các tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN cần tập hợp các thông tin đó lại để mang thông tin đến cho DN, chứ không phải chờ DN đến xin” - ông Hà nhấn mạnh.


Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN