Đề xuất xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn

Một trong những điểm nhấn của dự thảo Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản nước ta đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đề xuất xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn, gắn liền với các ngư trường trọng điểm.

 

Vận chuyển thuỷ sản đi tiêu thụ từ cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

 

Tại Hội thảo Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức ngày 22/6 tại Hà Nội, ý tưởng này nhận được sự đồng tình và kỳ vọng sẽ thực sự tạo đòn bẩy cho sự phát triển các vùng kinh tế thủy sản năng động.


Theo dự thảo, mục tiêu chung của Quy hoạch tổng thể ngành đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là phát triển thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao khi hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở đẩy mạnh phát triển công nghệ trong các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, cơ sở hạ tầng, cơ khí và dịch vụ hậu cần nghề cá; tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD vào năm 2020 và đạt 20 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời, hình thành các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm, đảm bảo phát triển hài hòa, đồng bộ và lâu bền vì lợi ích tổng thể. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản khẳng định, đây là một trong những điểm đột phá của quy hoạch lần này.

 

Gắn với ngư trường trọng điểm


Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện đã lựa chọn và xác định cụ thể 5 địa phương để xây dựng trung tâm nghề cá lớn, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Cần Thơ. Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng hình thành trung tâm nghề cá tại Hải Phòng; vùng miền Trung hình thành trung tâm nghề cá tại Đà Nẵng và Khánh Hòa; vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ sẽ hình thành trung tâm nghề cá tại Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành trung tâm nghề cá vùng tại Cần Thơ với Cần Thơ là hạt nhân và mạng lưới vệ tinh xung quanh là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.


Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, các trung tâm này sẽ gắn liền với những ngư trường trọng điểm. Việc cụ thể hóa các trung tâm nghề cá vùng vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến qua nhiều hội thảo tới đây nhằm đóng góp ý kiến cho bản quy hoạch. Tuy nhiên, theo dự tính trước mắt, khi bản Quy hoạch được phê duyệt, trung tâm sẽ được thí điểm xây dựng trước hết ở Cần Thơ. Theo đánh giá của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, đây là một địa phương có nhiều lợi thế đặc thù. Xung quanh Cần Thơ có nhiều tỉnh vệ tinh đều là vùng nuôi, cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho nghề cá, đặc biệt là gắn liền với các vùng sản xuất cá tra của vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Cà Mau, Tiền Giang, An Giang... Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có những thế mạnh về thương mại, đào tạo và giao thông. Hiện nay, việc hình thành trung tâm nghề cá lớn tại Cần Thơ đã được các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đồng thuận và ủng hộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ NN&PTNT chuẩn bị khảo sát cho việc xây dựng trung tâm nghề cá ở đây.


Việc hình thành các trung tâm này là căn cứ trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các nguồn lực sẵn có. Chính vì vậy, ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản quả quyết, khi các trung tâm nghề cá này hình thành xong, đây sẽ là “đòn bẩy” giúp phát triển các vùng kinh tế thủy sản năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, trở thành động lực phát triển, giữ vai trò quyết định đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Đồng thời, nhờ được quy hoạch gắn với quy hoạch của địa phương, phát huy được thế mạnh của vùng, cùng với thế mạnh của từng địa phương, 5 trung tâm nghề cá lớn sẽ là nơi đi đầu trong hiện đại hóa, thương mại hóa nghề cá, các trung tâm nghề cá vùng sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam, tạo ra thị trường thủy sản có sức hút trong khu vực và quốc tế. Khi đó, các trung tâm nghề cá vùng trở thành “cực hút” đầu tư và tăng trưởng trong thời gian tới.


Tán đồng và đánh giá cao đề xuất quy hoạch các trung tâm nghề cá vùng, chuyên gia Ngô Anh Tuấn, nguyên là Vụ trưởng Vụ Tài chính của Bộ NN&PTNT khẳng định: “Đây là một đề xuất có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, trong Dự thảo quy hoạch, danh mục những dự án ưu tiên còn quá dàn trải, không rõ trọng tâm cần đầu tư, vì vậy, nên rà soát lại. Việc xây dựng trung tâm nghề cá vùng cần xác định rõ hơn, cụ thể hơn là đầu tư trọng điểm như thế nào”, ông Tuấn góp ý.


Bổ sung cho bản dự thảo quy hoạch, chuyên gia Ngô Anh Tuấn cho rằng, một giải pháp đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tới cần phải quan tâm xứng tầm hơn là vấn đề đào tạo nhân lực. Việc quy hoạch các trung tâm nghề cá vùng không thể tách rời với giải pháp này. “Trong thời kỳ từ nay đến năm 2020, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cần sớm đề xuất những chính sách để lựa chọn và cử người đào tạo, trong vấn đề hợp tác quốc tế cũng cần nâng tầm hợp tác, đặc biệt là hợp tác về nhân lực”, ông Tuấn góp ý.

 

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN