Đào tạo lao động nông thôn theo phương pháp "cầm tay chỉ việc"

trong 5 năm tới, mục tiêu của Bộ NN&PTNT là đào tạo cho trên 1 triệu nông dân về nông nghiệp.

Từ năm 2016, nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được giao cho NN&PTNT theo nội dung trong Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Tổ chức Oxfam mới công bố về hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2014- 2016 ở 7 tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đăk Nông, Ninh Thuận và Trà Vinh, là những vùng đại diện trong cả nước. Theo đó, các chương trình dạy nghề nông thôn ở Việt Nam thay vì chú trọng đầu tư xây dựng lớp học, mua sắm trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề, các địa phương cần tăng kinh phí để nâng cao trình độ giáo viên; giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo, cầm tay chỉ việc cho nông dân.

Cán bộ phòng Lao động (Huyện Than Uyên, Lai Châu) tuyên truyền kiến thức trồng trọt cho người dân.Ảnh: Quang Duy- TTXVN

Ông Hoàng Xuân Thành, thành viên nhóm nghiên cứu của Oxfam cho biết: “Tình trạng đầu tư lớn cho các trung tâm dạy nghề ở tất cả các huyện là không cần thiết và gây lãng phí nguồn lực. Điều phối, phối hợp các bên ở các cấp địa phương trong công tác đào tạo nghề chưa tốt, bản chất là do cách nhìn đào tạo nghề vẫn theo nghĩa hẹp (phát triển kỹ năng) chưa theo nghĩa rộng hơn (cải thiện sinh kế và tăng thu nhập)”. 

Theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề Thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), phải xác định rõ nghề nông nghiệp là nghề gì, những đối tượng nào sẽ được đào tạo và áp dụng thực tế như thế nào. Ví dụ học nghề chăn nuôi lợn, người học phải có điều kiện về chuồng trại, diện tích chăn nuôi, vốn… Nuôi hàng trăm, hàng ngàn con mới nên đi học, còn nuôi nhỏ lẻ một vài con thì không nên đi học.  Hoặc đi học trồng lúa phải gắn với cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp. Do vậy, phải thay đổi căn bản cách đào tạo nghề cho nông dân. Xác định được nơi làm việc của nông dân, thu nhập có thể đạt được mới tổ chức đào tạo.

Về vấn đề này, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết: “Phương pháp đào tạo của Bộ NN&PTNT là hạn chế học lý thuyết; chủ yếu đào tạo gắn với mô hình sản xuất, cầm tay chỉ việc. Đặc biệt, sẽ hỗ trợ các mô hình sản xuất tốt để người dân học tập ngay tại các mô hình. Phương pháp này sẽ giúp những người đọc chưa thông, viết chưa thạo vẫn tiếp thu được kiến thức”. 

Theo ông Trung, cơ cấu đào tạo nghề sẽ linh hoạt. Ví dụ đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, sẽ đào tạo giúp nông dân chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm, cây ăn trái… Hoặc, trong sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung vừa qua, một số hộ dân không đánh bắt cá nữa đã được đào tạo chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi. Do vậy, việc đào tạo sẽ sát với thực tế hơn.

Ngoài ra, theo Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở đào tạo nghề cho nông dân cũng được đa dạng hóa, các trung tâm khuyến nông, doanh nghiệp, hợp tác xã… cũng có thể là đầu mối đào tạo. Về  cơ chế tài chính, ưu tiên vùng sâu, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.  Các địa phương sẽ tập hợp nhu cầu, đối tượng, các bộ rà soát lại trước khi trình Thủ tướng ký duyệt, giao kinh phí trung hạn, hàng năm sẽ có đánh giá lại.


Theo Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, giai đoạn 2017-2020 sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho 913.500 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động nông thôn nâng cao thu nhập và có việc làm sau khi đào tạo nghề đạt trên 80%. Tổng kinh phí thực hiện 1.750 tỷ đồng. Trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1.375 tỷ đồng. Kinh phí địa phương 300 tỷ đồng. Nguồn kinh phí khác: 76 tỷ đồng. Kinh phí cấp cho các địa phương là 1.702 tỷ đồng. Kinh phí giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT: 48,0 tỷ đồng (Nguồn: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

 

H.V
Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao
Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực sẽ là cầu nối giữa lưu học sinh và nhà tuyển dụng. Trung tâm được giao nhiệm vụ giới thiệu tuyển dụng lưu học sinh tốt nghiệp về nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN