Đã có kế hoạch dài hơi cho hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo

Trong năm 2011, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có một kế hoạch dài hơi cho hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các địa phương để tổ chức các hoạt động thăm khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo, các đối tượng gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi tại các vùng mà các dịch vụ y tế công còn thiếu thốn.

Dược sĩ Tâm Bình (thứ 2 phải sang) cùng các thầy thuốc cấp phát thuốc miễn phí cho bà con dân tộc tại huyện Phong Thổ - Lai Châu vào tháng 12/2011.


Đầu năm mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Hữu Hồng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Đội trưởng Đội thầy thuốc tình nguyện trước chuyến khám chữa bệnh nhân đạo đầu tiên năm 2012.

´Xin ông cho biết, trong thời gian vừa qua, Đội thầy thuốc tình nguyện đã làm được những gì và kế hoạch của năm 2012 này?

Mục đích của Đội thầy thuốc tình nguyện là chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho những người nghèo ở những nơi không có điều kiện về dịch vụ y tế công. Kể từ khi thành lập năm 2005, đến nay chúng tôi đã tổ chức được 39 đợt khám chữa bệnh cho 13.631 người với tổng số tiền lên tới 2.487.485.000. Thành công của chúng tôi năm qua là đã vận động được sự ủng hộ lâu bền và dài hơi của doanh nghiệp về nguồn tài chính cũng như nhân sự tham gia trong việc khám chữa bệnh nhân đạo cùng với Đội thầy thuốc tình nguyện nên chúng tôi đã có kế hoạch dài hơi cho hoạt động này.

Thầy thuốc tình nguyện khám cho bệnh nhân.


Năm 2012, chúng tôi sẽ có ít nhất là 8 đợt thăm khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi, các đối tượng gia đình chính sách, người có công…, tập trung chủ yếu vào các địa phương vùng xa xôi hẻo lánh mà người dân ít được tiếp xúc với các dịch vụ y tế công, môi trường và thời tiết lại không thuận lợi nên người dân dễ bị mắc các bệnh thông thường như tiểu đường, thấp khớp, đại tràng, rối loạn tiêu hóa...

´Xin ông cho biết kế hoạch của chuyến khám chữa bệnh nhân đạo đầu tiên năm 2012?

Chúng tôi tổ chức đợt tình nguyện đầu tiên của năm 2012 này vào ngày 22/2 tới tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Tổng số thầy thuốc là 27 người, dự kiến sẽ lập ra khoảng 10 phòng khám trong đó có phòng đón tiếp bệnh nhân, phòng khám nội nhi, phòng khám ngoại, khám chữa tai mũi họng, phòng khám mắt, phòng siêu âm, phòng phát thuốc, phòng kết luận… để thăm khám và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 200 người. Đối tượng là các bệnh nhân nghèo, trẻ em, đối tượng thuộc gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi…

Để tránh ùn tắc, chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với địa phương đề nghị gửi giấy mời đến từng đối tượng. Vì có sự chủ động về tài chính là nguồn kinh phí từ Công ty Dược phẩm Tâm Bình tài trợ toàn bộ cho chuyến đi nên chúng tôi đã lên kế hoạch từ trước rất kỹ lưỡng để có thể tổ chức việc thăm khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con được tốt nhất. Ngoài ra thì Công ty Dược phẩm Tâm Bình cũng còn mang thêm 10 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng để tặng cho hộ gia đình bệnh nhân nghèo.

Không chỉ riêng đợt này mà các đợt khám chữa bệnh khác trong năm chắc chắn chúng tôi sẽ chủ động hơn vì đã có hợp đồng khám chữa bệnh nhân đạo trong vòng 3 năm, mỗi năm 8 lần với Công ty Dược phẩm Tâm Bình. Kinh phí cho mỗi chuyến từ thiện, công ty sẽ tài trợ toàn bộ, vì thế mà việc khám chữa bệnh chúng tôi đã có thể lên kế hoạch từ đầu năm chứ không phải chờ kinh phí rồi mới làm như trước nữa. Ngoài ra thì Công ty Dược phẩm Tâm Bình cũng sẽ có cán bộ tham gia cùng, đặc biệt là có TGĐ Lê Thị Bình tham gia nên công tác tổ chức sẽ đỡ vất vả hơn - Đó là một điều hết sức đáng quý.

´Là một thầy thuốc gắn với các hoạt động nhân đạo, từ thiện, ông có lời chia sẻ, nhắn nhủ gì tới các đồng nghiệp?

Cuộc sống còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn cần đến những bàn tay của người thầy thuốc. Cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống mang lại lợi ích không những cho bản thân mà mang nhiều lợi ích cho xã hội. Dù ở vị trí nào, vai trò nào thì cũng hãy cố gắng cống hiến được nhiều nhất cho cuộc sống - đó là lúc chúng ta sống được nhiều nhất. Không gì vui hơn là mình làm được những việc có ích cho cộng đồng bằng chính tri thức và chuyên môn của mình. Những thầy thuốc tình nguyện chính là những người như thế và dược sĩ Lê Thị Bình chính là một điển hình về vai trò người thầy thuốc với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi mong muốn trong giới thầy thuốc sẽ có nhiều người có Tâm với người nghèo như dược sĩ Lê Thị Bình thì chủ trương chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Nhà nước sẽ được thực hiện ngày càng tốt hơn nữa.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Ánh Xuân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN