Chắp cánh cho thương hiệu thanh long Bình Thuận

Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 22.000 hộ ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, TP Phan Thiết... trồng thanh long. Nhiều hộ thu nhập bình quân vài trăm triệu đến cả tỷ đồng hàng năm nhờ sản xuất, làm đại lý, cơ sở thu mua xuất khẩu thanh long.

Thanh long Bình Thuận cũng đã có mặt ở thị trường nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đem lại nguồn ngoại tệ vài chục triệu USD hàng năm cho địa phương. Qua thống kê, sản lượng thanh long được xuất khẩu qua đường chính ngạch chiếm 15-20%, còn lại 60-65% sản lượng thanh long Bình Thuận vào thị trường các nước qua đường tiểu ngạch...

Theo Sở NN-PTNT, đến nay diện tích cây thanh long trong tỉnh là hơn 13.400 ha; trong đó có gần 10.900 ha cho thu hoạch với sản lượng hơn 300.000 tấn quả/năm. Năm 2006, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho thanh long Bình Thuận, xác định là tài sản quốc gia được Nhà nước bảo hộ trên phạm vi toàn quốc.

Ảnh: Internet


Năm 2007, tỉnh Bình Thuận hình thành Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long, tập trung xây dựng vùng chuyên sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 2 năm thực hiện, toàn tỉnh hiện có 140 đơn vị, hơn 3.700 hộ được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất thanh long VietGAP với diện tích gần 3.000 ha, tạo thêm sức cho thanh long Bình Thuận phát triển và vươn xa hơn.

Một số nhà vườn, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã... đã liên kết, hướng đến sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; cam kết sản xuất an toàn, không lạm dụng hóa chất trên thanh long. Các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cam kết không vi phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh thuốc BVTV.

Để thanh long Bình Thuận khẳng định được thương hiệu, vị thế và phát triển bền vững, ngoài các yếu tố về quy hoạch sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng các biện pháp khoa học cho sản xuất; phát triển hệ thống thu mua, sơ chế, đóng gói theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa bốn nhà. Trước mắt là gắn lợi ích giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long Bình Thuận nhằm giúp nhà vườn tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu...

Năm 2011, tỉnh Bình Thuận quy hoạch vùng, xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn nông dân sản xuất khoảng 7.000 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận đến từng hộ sản xuất, phối hợp doanh nghiệp thu mua, đóng gói xuất khẩu thanh long thực hiện tốt quy trình sản xuất, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ và chắp cánh cho thương hiệu thanh long Bình Thuận vươn xa hơn.

Tấn Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN