Cần vực dậy khu vực dân doanh

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm nay có những chuyển biến tích cực tuy còn không ít khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp. PV Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ảnh), Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế xoay quanh vấn đề này.

 

´Thưa ông, chúng ta không thể phủ nhận về những điểm sáng của nền kinh tế trong quý I?


So với nền kinh tế thế giới, đúng là nền kinh tế Việt Nam có những tín hiệu lạc quan hơn vì không phải chịu tác động ảnh hưởng của cuộc chạy đua vũ trang, chính trị, nợ công... Chính vì vậy, trong quý I, kinh tế Việt Nam có một số điểm nổi bật.


Thứ nhất, chỉ số giá cả tháng 3 giảm 0,19% sau khi tăng cao ở tháng 1 và 2. Theo đó, nó giữ cho chỉ số CPI của 3 tháng đầu năm chỉ tăng 2,39%. Thứ hai, mức lạm phát năm (từ tháng 3/2012 - 3/2013) chỉ ở mức 6,6%. Thứ ba, kim ngạch xuất khẩu gần 29,7 tỷ USD và giữ được nhịp tăng xuất khẩu là 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Thứ tư, Việt Nam vẫn là điểm đến của khách du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, giải ngân cho đầu tư FDI trong quý I là 2,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vốn đăng ký mới và đăng ký thêm là trên 6 tỷ USD, đây là con số ngoài dự đoán.


Nguồn cung ngoại tệ phong phú, tỷ giá ổn định đã góp phần kiểm soát được lạm phát. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cắt giảm 50 điểm cho lãi suất trần huy động vốn và 100 điểm cho lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu. Điều này sẽ tạo cơ hội kích cầu và tiêu dùng trong giai đoạn tới.


´Nhưng xét cho cùng thì kinh tế tăng trưởng vẫn thấp. Vậy, những điểm nghẽn ở đây là gì, thưa ông?


Thứ nhất là do vấn đề nợ xấu. Hiện nay, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ nợ xấu từ 8,82% xuống còn 6,62%. Tuy nhiên, cần sớm thành lập công ty giải quyết nợ xấu (VAMC) với những quy định cụ thể và minh bạch để nhanh chóng giải quyết điểm nghẽn này.


Thứ hai là việc triển khai quy định hỗ trợ về lãi suất cho người thuê, mua nhà ở xã hội với gói 30.000 tỷ, lãi suất 6% trong 3 năm còn chậm. Theo tôi, NHNN cần quy định rõ, sau 3 năm ưu đãi, lãi suất sẽ còn là bao nhiêu. Ví dụ, người dân có thể trả lãi suất bằng lãi suất tái chiết khấu của NHNN. Hiện nay, lãi suất tái chiết khấu của NHNN là 6%/năm, lãi suất cho vay hỗ trợ cũng bằng 6%. Nếu sau 3 năm, lãi suất tái chiết khấu của NHNN tăng lên 7% thì đối tượng thuộc diện được vay ưu đãi từ chương trình này sẽ trả lãi 7%. Ngoài ra, NHNN không nên quan tâm đến diện tích nhà để cho vay mà nên quy định số tiền vay tối đa là bao nhiêu, cụ thể không được vay quá 500 triệu hay 1 tỷ đồng.


Một vấn đề nữa là nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng thường dựa chủ yếu vào vốn, chứ không phải là năng suất, nhưng hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn. Có thể thấy, dự nợ 3 tháng đầu năm có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhưng tăng rất chậm. Như vậy, vốn cho nền kinh tế đang bị nghẽn.

 

´Vậy theo ông, Nhà nước cần làm gì để giúp doanh nghiệp tháo gỡ “nút thắt” này?


Thông thường, nguồn vốn đầu tư xã hội tập trung tại 3 khu vực: khu vực Nhà nước, khu vực dân doanh và khu vực đầu tư nước ngoài.


Ở khu vực Nhà nước, thời gian vừa qua chúng ta đang tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cụ thể, tổng vốn đầu tư xã hội cho khu vực Nhà nước giảm từ 40% xuống còn 35%.


Khi giảm nguồn vốn cho khu vực Nhà nước thì nên tăng cho khu vực dân doanh. Tuy nhiên, khu vực dân doanh đang yếu dần vì số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản trong 2 năm vừa rồi lên đến 100.000. Như vậy, nếu chúng ta không có giải pháp, hay nghị quyết tập trung phát triển hoặc vực dậy khu vực dân doanh này thì coi như sân nhà được nhường cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, đã đến lúc cần có một nghị quyết dành cho khu vực doanh dân.

 

´Ông có thể nói rõ hơn lý do phải có một nghị quyết dành cho khu vực này, thưa ông?


Hiện nay, khu vực dân doanh có nhiều khiếm khuyết nên khó có thể tự vươn lên. Do đó, Nhà nước cần đầu tư tổng lực về vốn, cơ chế và chính sách. Và như vậy, Chính phủ cần có một nghị quyết riêng để vực dậy khu vực dân doanh. Nếu không, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chớp lấy cơ hội này để chiếm lĩnh thị trường. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang bỏ tiền mua lại các tài sản rẻ của doanh nghiệp Việt Nam. Ngay cả thị trường cà phê, nước, bánh kẹo, vật dụng hàng ngày đều bị “ngoại hóa”... và thiếu đi bóng dáng của các doanh nghiệp Việt.


´Ông có thể dự đoán nền kinh tế quý II/2013 như thế nào?


Thông thường, GDP quý II tăng so với quý I. Bên cạnh đó, các chính sách, quy định được ban hành trong quý I sẽ phát huy tác dụng trong quý II. Theo đó, tôi dự đoán kinh tế quý II sẽ tăng trưởng ở mức 5,5%. Tuy nhiên, để GDP tăng trưởng tốt, quan trọng nhất vẫn là cần có nghị quyết vực dậy khu vực dân doanh.


Hải Yên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN