BOT và trăn trở của doanh nghiệp vận tải

Hiệu quả của các dự án BOT là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên vẫn còn đó không ít trăn trở, hoài nghi trong nhân dân và các doanh nghiệp vận tải.

Ô tô của Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Quý Ngân chở quá tải 163,4%, khi qua kiểm tra tải trọng tại trạm cân thị trấn Chợ Mới (Bắc Kạn). Ảnh: Nguyễn Trình/TTXVN

Tỉnh Quảng Nam có 2 dự án BOT giao thông đường bộ gồm dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Km 942 – Km 1027, dài 85 km, với quy mô 4 làn xe đã hoàn thành, đưa vào khai thác và dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được khởi công xây dựng vào giữa năm 2013, chiều dài gần 140 km, trong đó đoạn qua địa phận Quảng Nam dài 94 km sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Đây là hai dự án BOT về giao thông đường bộ lớn nhất tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay.

Sau khi nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác, Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam đã phát huy hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc, xóa được những điểm đen thường xuyên gây tai nạn giao thông và góp phần thay đổi nhanh chóng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển.

Trong khi đó, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trong khu vực phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng. Khi đưa vào khai thác, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không những “chia lửa” cho giao thông trên Quốc lộ 1 mà còn thúc đẩy phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong khu vực mà còn góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế giữa Lào – Campuchia – Việt Nam qua hành lang kinh tế Đông - Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đối với 8 gói thầu thuộc phần vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, đến đầu tháng 11/2016 sẽ hoàn thành thi công nền đường, cầu cống và đến ngày 30/12/2016 sẽ hoàn tất toàn bộ hạng mục mặt đường bằng bê tông nhựa. Với 5 gói thầu thuộc vốn vay của WB, đến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành việc thi công các hạng mục gồm: cầu, cống, nền đường, móng đường và các hạng mục quan trọng khác, đảm bảo toàn dự án sẽ về đích vào cuối năm 2017.

Hiệu quả của các dự án BOT về giao thông đường bộ cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Nam nói riêng là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng như khi đưa vào sử dụng, các dự án BOT giao thông đường bộ đã tạo ra không ít trăn trở, hoài nghi trong nhân dân và trong doanh nghiệp vận tải.

Là doanh nghiệp chuyên vận tải hành khách với hơn 70 đầu xe, ông Ông Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải (Công ty Cổ phần vận tải Quảng Nam) chia sẻ, trong khi nguồn vốn đầu tư của nhà nước còn khó khăn, vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng giao thông lại rất lớn nên việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, tức là vốn trong nhân dân, trong cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT là chủ trương đúng đắn. 

Tuy vậy, các dự án BOT khi đưa vào sử dụng đã bộc lộ những áp lực lớn về gánh nặng chi phí cho người dân, cho doanh nghiệp khiến cả người dân, doanh nghiệp đều lo ngại. Vì thế dự án BOT từ chỗ ưu việt trở nên méo mó, biến dạng ít nhiều. 


Ông Dũng phân tích, “chi phí cho mỗi đầu xe khi đưa vào hoạt động bao gồm phí bảo trì đường bộ (đóng lúc đăng kiểm), phí giao thông đường bộ (cộng trong chi phí xăng dầu) và phí qua các trạm thu phí của nhà đầu tư dự án BOT đã đưa tổng mức chi phí cho một chuyến vận chuyển của mỗi đầu xe lên gần bằng với chi phí xăng dầu cho cả chuyến đi, điều này đã và đang tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiêp vận tải và cho cả người dân khi sử dụng phương tiện cá nhân".

Theo ông Dũng, chi phí quá cao cũng là lý do trực tiếp khiến hầu hết các xe tải khi vận chuyển hàng hóa đều chở quá mức tải trọng cho phép và tìm cách né trạm cân xe, trạm thu phí. Hệ lụy tất yếu của việc chở quá tải, né trạm cân, trạm thu phí là tai nạn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhanh chóng bị xuống cấp.

Là người có kinh nghiệm trong quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, ông Hà Phước Lộc (Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam) chỉ ra những bất cập cần khắc phục để dự án BOT hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp vận tải.

Thứ nhất, dự án BOT trước khi đi vào triển khai thực hiện là do cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên đơn giá dự toán cụ thể lại do nhà đầu tư quyết định nên việc quản lý chi phí đầu vào gặp nhiều khó khăn và thiếu minh bạch. 


Thứ hai, nguồn vốn nhà đầu tư bắt buộc phải có cho mỗi dự án là quá thấp, chỉ chiếm từ 10% - 15%, để thi công dự án BOT nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng, tiền lãi ngân hàng lại được nhà đầu tư cộng vào chi phí và thu hồi sau khi dự án đưa vào khai thác. Rõ ràng đây là hình thức đầu tư kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc” và đây chính là nguyên nhân khiến chi phí dự án BOT luôn cao và mức thu phí khi dự án đưa vào khai thác quá lớn, gây bức xúc trong nhân dân. 


Giám đốc Xí nghiệp Vận tải (Công ty Cổ phần vận tải Quảng Nam ) ông Văn Dũng đánh giá, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng là chủ trương đúng nhưng khi đưa vào khái thác, gánh nặng tăng phí ngày càng đè nặng vai người dân và doanh nghiệp.


Làm thế nào để bảo đảm lợi ích nhà nước, lợi ích của các nhà đầu tư và lợi ích của người dân phải được hài hòa để dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đường bộ thật sự phát huy được tính ưu việt của mình chính là điều mong mỏi của người dân nói chung và của doanh nghiệp vận tải nói riêng.


Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Thẩm định chặt các dự án BOT, BT trước khi cho vay
Thẩm định chặt các dự án BOT, BT trước khi cho vay

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT (xây dựng- kinh doanh chuyển giao), BT (xây dựng- chuyển giao) giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN