Bến xe Lương Yên ngừng hoạt động từ ngày 27/7

Thực hiện việc di dời Bến xe Lương Yên vào ngày 27/7, đến 12 giờ ngày 26/7 đã có 36/52 đơn vị đã làm thủ tục và đăng ký Hợp đồng dịch vụ với bến mới chuẩn bị đi vào hoạt động.

Bến xe Lương Yên. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Chiều 26/7, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết các đơn vị còn lại cũng đã có hồ sơ, chỉ còn 1 - 2 đơn vị vẫn còn kiến nghị điều chỉnh lộ trình tuyến đang được Sở xem xét.

Theo ông Vũ Văn Viện, việc điều chuyển các đơn vị vận tải từ Bến xe Lương Yên về các bến xe Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nước Ngầm là phù hợp với Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đã xác định Bến xe Lương Yên không còn tồn tại và Bến xe Nước Ngầm nằm trong quy hoạch (bến xe thuê đất 50 năm). Công tác sắp xếp điều chuyển được thành phố và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất, đồng thuận. Sau nhiều cuộc họp giữa cơ quan quản lý, bến xe và các doanh nghiệp vận tải, phương án điều chuyển phương tiện về 3 bến xe nêu trên đã được thống nhất, các đơn vị vận tải đã đăng ký bằng văn bản. Hiện Bến xe Lương Yên đã chấm dứt hợp đồng với các doanh nghiệp và các doanh nghiệp cũng không có ý kiến gì về việc dừng hoạt động.

Theo các bến xe Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm, hiện nay các bến đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị để đón các doanh nghiệp vận tải được điều chuyển về đây. Bến Nước Ngầm đã ưu tiên cho những đơn vị mới về xếp xe ngay trước cửa kiểm soát vé để khách nhận biết nhà xe và lộ trình tuyến. Bến xe Gia Lâm cũng đã có phương án tiếp nhận với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được điều chuyển về, nhanh chóng ổn định hoạt động của các doanh nghiệp cũng như việc đi lại của hành khách; hạn chế tối đa sự cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự; bến bố trí vị trí đỗ xe xếp khách và quầy bán vé cho các tuyến chuyến về.

Theo kết quả sắp xếp của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, có 38 tuyến xe của 52 doanh nghiệp đang khai thác tại bến Lương Yên được điều chuyển về 3 bến xe nêu trên. Cụ thể, Bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 162 lượt xe/ngày; Bến xe Gia Lâm tiếp nhận tổng số 133 lượt xe/ngày; lượng xe về Bến xe Yên Nghĩa là 51 lượt xe/ngày.

Các bến xe đã sẵn sàng tiếp nhận các tuyến xe được điều chuyển về nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải bày tỏ sự lo lắng khi phải “lôi kéo” hành khách về bến mới.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, việc điều chuyển các tuyến xe từ Lương Yên về bến mới thời gian đầu có thể khó khăn cho hành khách và các doanh nghiệp vận tải nhưng lâu dần sẽ tạo thói quen. Quy hoạch bến xe trong thời gian tới, thành phố cũng đã có kế hoạch xây dựng thêm 5 bến xe mới là bến xe Vân Trì, Yên Sở, Xuân Phương, Cổ Bi, Sơn Tây; trong đó bến xe Cổ Bi đang được Tổng Công ty Vận tải triển khai xây dựng sẽ đưa vào hoạt động giảm tải cho bến xe Gia Lâm. Các bến xe này được đưa ra ngoài vành đai 4 sẽ giải quyết được vấn đề quá tải tại các bến xe trong nội đô cũng như giảm ùn tắc giao thông.

Tuyết Mai (TTXVN)
Lịch trình xe khách sau khi bến xe Lương Yên ngừng hoạt động
Lịch trình xe khách sau khi bến xe Lương Yên ngừng hoạt động

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở này vừa có văn bản đề nghị các các địa phương liên quan phối hợp điều chỉnh tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ toàn quốc, điều chỉnh hoạt động bến xe (BX) Lương Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN