Bài toán vốn cho thủy điện nhỏ

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng hơn 200 dự án thủy điện nhỏ và vừa nhưng hiệu quả chưa cao, số dự án hoàn thành phát điện chưa nhiều và thường chậm so với kế hoạch đăng ký, nhiều chủ đầu tư không có lãi, thậm chí lỗ nặng.

 

Hầu hết các dự án thủy điện nhỏ đang gặp khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao. Khó khăn về vốn cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công chậm của nhiều dự án.

 

Không dễ tiếp cận vốn


Đầu tư thủy điện nhỏ và vừa không hề đơn giản bởi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, phần lớn các dự án thủy điện nhỏ ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, việc đầu tư thủy điện còn chịu nhiều yếu tố như trượt giá do suy thoái kinh tế, chính sách tín dụng, thiên tai lũ lụt, hạn hán kéo dài... khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng khi nhà máy thủy điện hoàn thành sẽ không có đầu ra cho sản phẩm.


Hiện lãi suất ngân hàng đã hạ rất nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp thủy điện nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Ông Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, khẳng định: Lãi suất đã hạ nhưng nhìn chung vẫn còn cao và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện vay được. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã có những cơ chế để các ngân hàng dành những khoản vay cho các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện. “Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất tốt hơn nữa, cụ thể hơn nữa cho các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ” - ông Hoàng Minh Tuấn đề xuất.


Cùng quan điểm trên, ông Hà Sĩ Dinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển năng lượng Sơn Vũ, chia sẻ: “Phải đến gần 3 năm nay, công ty chúng tôi mang hồ sơ vay vốn đến rất nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng và thời điểm này vẫn chưa vay được vốn. Vẫn là bài toán chứng minh vốn đối ứng và tài sản đảm bảo để thỏa mãn được điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng. Với các ngân hàng thương mại, chúng tôi đã chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng lại gặp ngay chính sách thắt chặt tín dụng không cho vay trung và dài hạn. Đến nay, chính sách đã dần dần được tháo gỡ, lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được vốn ngân hàng”.


Ông Hà Sĩ Dinh dẫn chứng: Theo quy định, các tổ chức tín dụng chỉ cho vay tối đa 70%, ngoài ra, chủ đầu tư phải chứng minh được vốn tự có 30% và phải có tài sản đảm bảo khác có giá trị tối thiểu 10% giá trị khoản vay vốn mới có thể vay được vốn của ngân hàng. Như vậy, tổng cộng doanh nghiệp phải huy động bằng tiền mặt vào tài sản tương ứng tối thiểu 40% tổng mức đầu tư. Có lẽ đây là con số yêu cầu khá lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh sau đợt “lũ quét” về khủng hoảng và suy thoái kinh tế trong thời gian qua.

 

Vòng luẩn quẩn của giá điện và vốn đầu tư


Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế riêng đối với các khoản vay của các doanh nghiệp thủy điện nhỏ tại vùng nông thôn miền núi. Đề nghị hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các nhà máy thủy điện nhỏ.


Theo PGS.TS Đàm Xuân Hiệp, nguồn vốn cho phát triển ngành điện có thể huy động theo mấy cách chủ yếu như sau: Tự tích lũy từ bản thân ngành điện gồm từ lợi nhuận do bán điện và khấu hao; vay vốn trong và ngoài nước từ các ngân hàng hoặc từ phát hành trái phiếu; đầu tư tư nhân dưới dạng BOT, TPP… hoặc phát hành cổ phiếu (trên cơ sở cổ phần hóa); Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.


Thực tế ở Việt Nam cả ba cách đầu tiên đều được áp dụng, vậy mà ngành điện vẫn phát triển một cách “nhọc nhằn” và luôn ở trong trạng thái “đói vốn”. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, song ông Hiệp cho rằng nguyên nhân chủ yếu là giá điện ở nước ta còn thấp. Tuy không phải là nước có giá điện thấp nhất nhưng Việt Nam hiện nay nằm trong số ít các nước giá điện thấp. Ông Hiệp lý giải, cũng vì giá thấp nên thời gian trả nợ (vay vốn ngân hàng) thường phải kéo dài. Do đó, nhiều ngân hàng khó có thể chấp nhận. Như vậy, để có vốn cho đầu tư phát triển điện chỉ còn mỗi cách là tăng giá điện (?).


Theo tính toán của các chuyên gia, để đảm bảo đủ điện cung cấp cho phát triển kinh tế thì mức đầu tư cho điện trung bình hàng năm chiếm khoảng 10% cho nền kinh tế và chiếm 30% vốn đầu tư cho toàn bộ ngành công nghiệp. Trong các giải pháp thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giải pháp về giá điện và giải pháp về vốn đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ.

 

Đỗ Huyền

Cân nhắc kỹ khi đầu tư thủy điện vừa và nhỏ

Trong khi các doanh nghiệp phản ánh bất cập trong giá bán điện, cách tính thuế tài nguyên đối với thủy điện vừa và nhỏ, thì các nhà khoa học, chuyên gia năng lượng cảnh báo các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư xây dựng nhà máy TĐVVN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN