03:23 20/03/2015

Doanh nghiệp Việt vào 'sân chơi' ASEAN - Bài cuối

Phóng viên báo Tin Tức ghi nhận ý kiến của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế và chính các DN về sự chuẩn bị trước khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh đến sự nỗ lực của tự thân các DN.

VƯƠN LÊN TỪ NỘI LỰC CỦA CHÍNH MÌNH

Phóng viên báo Tin Tức ghi nhận ý kiến của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế và chính các DN về sự chuẩn bị trước khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh đến sự nỗ lực của tự thân các DN.

Công nhân làm việc những ngày đầu năm tại Tổng công ty May 10, Sài Đồng, Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


* Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Ở góc độ vĩ mô, Chính phủ đã có những bước chuẩn bị bao gồm: Xây dựng hệ thống pháp luật, hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh… Vấn đề còn lại là ở chính bản thân mỗi DN có nắm bắt, chủ động tận dụng thời cơ hay không.

* Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Việc các DN ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam đáng mừng vì các DN sẽ có một thị trường để mua bán, chuyển nhượng các công ty, đó là một tín hiệu tốt, thị trường lành mạnh cho các nhà đầu tư bài bản. Nhưng cũng đáng lo khi các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam thì hàng ngoại liệu có ngập tràn thị trường Việt Nam, hay là hàng Việt Nam liệu có khó đến với người Việt Nam hơn không. Mặc dù vậy, tôi cho rằng không thể đảo ngược chu trình đó bởi thị trường bán lẻ Việt Nam đã mở cửa theo cam kết. Bất kì nhà đầu tư nước ngoài nào cũng có thể vào Việt Nam và chúng ta phải chấp nhận điều đó.

* Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng Phòng Thuế Xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh: Khi hội nhập kinh tế, DN sẽ đứng trước nguy cơ phụ thuộc ngày càng cao vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và giảm đầu tư cho sản xuất hàng hóa trong nước. Để không bị thất bại, các DN cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu,  tạo chữ tín trên thương trường...

DN cũng không nên chỉ ngồi chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước và các ngành chức năng mà cần phải chủ động, đổi mới liên tục, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ, tự hoàn thiện mình trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Điều đó có thể thực hiện thông qua việc liên kết với các nhà cung cấp hoặc bên thứ ba, liên minh với các đối tác có kinh nghiệm về quản lý và tiềm năng về tài chính.

* Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội: Cộng đồng DN đang thiếu hẳn các “vũ khí”, kiến thức cho việc gia nhập AEC. DN Việt cần chủ động hơn trong  tìm kiếm cơ hội và tìm đường đi nước bước cho mình. Bên cạnh đó, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất xứ hàng hóa.

* Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing chuỗi siêu thị Saigon Co.op:
Hội nhập là xu hướng bắt buộc. Xét về mặt tích cực, người tiêu dùng sẽ có lợi bởi khi khối ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ giúp các mô hình kinh doanh, sản xuất của DN trong nước hoàn thiện hơn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn bởi hàng hóa phong phú. Với thị trường bán lẻ, trong thời gian đầu xâm nhập, các thương hiệu ngoại sẽ đẩy mạnh việc thu hút nguồn cung nội địa giúp kích thích sản xuất và thu hút người mua bằng chính sách giá.

Tuy nhiên, quá trình xâm nhập nhanh và mạnh này cũng sẽ tạo áp lực lớn cho hệ thống bán lẻ nội địa vì nếu xét tương quan lực lượng về lịch sử phát triển, kinh nghiệm quản lý, tiềm lực kinh tế thì khối nội còn khá non trẻ. Chưa tính đến chuyện sau khi xâm nhập thị trường mới thành công, khối ngoại sẽ tận dụng lợi thế về vốn và kỹ xảo thương trường để từng bước khống chế cả nhà phân phối, DN sản xuất lẫn người tiêu dùng.

* Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Trước đây, mở siêu thị, bán được hàng là vui rồi, nhưng hiện nay, nếu không thể cạnh tranh, không có sự cá biệt, không có sự đổi mới, thì “chết” là chắc chắn. Đổi mới, cá biệt không có nghĩa là phải đứng đầu mà là đổi mới về sản xuất và phân phối, về cách xử lý các mối quan hệ. Thế giới ngày nay là thế giới của các mối quan hệ: mối quan hệ giữa siêu thị với khách hàng, mối quan hệ giữa siêu thị với nhà bán lẻ, mối quan hệ giữa siêu thị với nhà cung ứng và giữa các siêu thị với nhau. Bây giờ, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi những sản phẩm mới hơn, tốt hơn, thời trang hơn, tiện dụng hơn.


Hoàng Dương - Lê Nghĩa - Thu Hồng