06:07 18/06/2015

Doanh nghiệp vẫn loay hoay hội nhập

Việt Nam đã chính ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU). Hiệp định là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, nhưng cũng là thách thức khi hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn bị tốt khi hội nhập.

Ngày 19/5 vừa qua, Việt Nam đã chính ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU). Việc ký kết với liên minh có tổng GDP lên tới 2.500 tỷ USD thực sự là cơ hội cho lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam mở rộng thị trường, nhưng cũng là thách thức khi hầu hết các DN vẫn chưa chuẩn bị tốt khi hội nhập.

Áp lực nhiều phía

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Mai Lan, ông Phạm Như Bách, cho biết, công ty có mặt trên thị trường đã hơn 30 năm và 14 năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, thế nhưng thương hiệu giấy Kissme của Công ty vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Làn sóng đầu tư của DN FDI trong phân khúc giấy tiêu dùng khiến thương hiệu giấy Kissme không trụ nổi trên quầy kệ các siêu thị, trung tâm thương mại, buộc phải dạt về các chợ hoặc qua kênh phân phối là đại lý bán hàng. “Chúng tôi cũng muốn đầu tư máy móc để cạnh tranh, nhất là trong xu thế hội nhập, nhưng khoảng 3 - 4 năm nay chúng tôi chỉ sản xuất cầm cự do không đủ vốn để đầu tư”, ông Bách nói.

Còn ông Nguyễn Đắc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Hải Sơn thì lo ngại: DN đủ điều kiện vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thế nhưng trong tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, rất khó đòi hỏi lãi suất vay trung, dài hạn thấp hơn nữa. Trong khi đó, lãi suất ưu đãi thường chỉ có 1 - 2 năm đầu, các năm sau biến động theo thị trường. Vì thế, DN không dám mạo hiểm vay thêm vốn dù cơ hội kinh doanh rất lớn.

Một thực trạng khác là nhân sự giỏi, trình độ cao lần lượt bỏ công ty trong nuớc để đầu quân cho các DN FDI vì mức lương và môi trường làm việc tốt hơn. Nhiều DN xuất nhập khẩu thiếu thông tin đầu tư khi hội nhập. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, có một vấn đề quan trọng được nhiều DN quan tâm là việc công nhận số lượng DN đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường này. “Hiện số lượng DN được công nhận quá ít so với năng lực sản xuất, cung ứng của Việt Nam. Chúng ta đã có tới 400 cơ sở sản xuất được Liên minh châu Âu (EU) công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, nhưng mới chỉ có khoảng hơn 30 DN được công nhận xuất khẩu vào khu vực Liên minh kinh tế Á - Âu. Đây thực sự đang là trở ngại với DN”.

DN cần phải tự đứng lên

Theo các chuyên gia, các DN xuất khẩu vẫn chưa hiểu rõ nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu thụ của khách hàng, các kênh phân phối, xu hướng sản phẩm, xu hướng giá cả, các hoạt động của đối thủ… tại thị trường xuất khẩu. Điển hình như thị trường Hàn Quốc, hiện nước này đã có những động thái siết chặt khi đưa ra yêu cầu cao hơn về chất lượng. Nhiều động thái cho thấy Hàn Quốc có thể kiểm tra Ethoxyquin với mặt hàng tôm. Chính vì vậy, phần lớn các DNVVN đều lúng túng vì chưa vạch ra được một chiến lược sản phẩm, chiến lược marketing để thành công khi hội nhập.

Ngay cả thị trường trong nước, các DN cũng không thể “chống cự” nổi trước áp lực cạnh tranh gay gắt của các đối thủ. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều DNNVV sẽ tiếp tục bị dồn vào thế yếu khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vì khả năng cạnh tranh của họ không có. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Chính phủ trong vay vốn, tiếp cận các chính sách còn yếu nên không nhiều đơn vị được hưởng lợi. Ngoài ra, thời gian qua Việt Nam cũng đã quá ưu đãi cho DN FDI trong khi khối DN tư nhân trong nước bị bỏ rơi, điều này không sòng phẳng đối với DN trong nước. Vì thế, tới đây Chính phủ cần có chính sách nâng đỡ cả DN trong nước bằng các chính sách thông thoáng, thủ tục nhanh gọn để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương thì cho rằng, mấu chốt của hội nhập và cạnh tranh là khoa học công nghệ, năng suất lao động và vấn đề con người. Nhiều nước đã phát triển mạnh nhờ tập trung vào giáo dục và đào tạo. Vì thế, DN phải giành lấy bằng năng lực, quyết tâm, ý chí và hiểu biết của mình để mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất thấp, nhập khẩu thuận lợi. Điều này đồng nghĩa DN Việt phải nghiêm túc đầu tư, học hỏi, tiếp thu và thích nghi với những quy định ngặt nghèo của các cuộc chơi lớn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, DN cần liên kết mạnh mẽ với nhau, tạo ra chuỗi giá trị trong nội bộ nền kinh tế để tham gia chuỗi giá trị của bên ngoài. DN cũng phải nhanh chóng kết hợp với các viện, trường để ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động, đặc biệt là công nghệ thông tin... TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị, về lâu dài, khu vực kinh tế tư nhân phải là động lực tăng trưởng chính nhằm bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và sự kết nối có hiệu quả giữa DN FDI và DN nội địa, vì hiện nay, Việt Nam đang thiếu trầm trọng các DN cỡ vừa để kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu hoặc trực tiếp tham gia thị trường quốc tế.
Hải Yên