12:06 26/12/2014

Doanh nghiệp tranh thủ vay ngoại tệ

Ngày 1/1/2015 tới đây, “cửa” cho vay ngoại tệ sẽ “hẹp” lại khi Thông tư 29/2013/TT-NHNN hết hiệu lực. Ngân hàng sẽ chỉ cho doanh nghiệp (DN) vay ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài với các dự án, công trình quan trọng được cấp phép.

Ngày 1/1/2015 tới đây, “cửa” cho vay ngoại tệ sẽ “hẹp” lại khi Thông tư 29/2013/TT-NHNN hết hiệu lực. Ngân hàng sẽ chỉ cho doanh nghiệp (DN) vay ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài với các dự án, công trình quan trọng được cấp phép.

Đổ xô vay ngoại tệ

Thông tư 29/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành có hiệu lực từ đầu năm 2013 đã mở rộng danh sách các nhóm DN được vay vốn bằng ngoại tệ, gồm 4 nhóm: vay ngắn hạn - trung và dài hạn để thanh toán nhập khẩu; vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu; vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu và vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Tuy nhiên, thông tư này chỉ có hiệu lực đến hết năm 2014. Như vậy, sang năm 2015, các ngân hàng chỉ được cho DN vay ngoại tệ với hai mục đích, gồm: cho vay để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài.

Đầu năm 2015 cửa cho vay ngoại tệ sẽ bị thu hẹp.


Vì vậy, DN đổ xô vay ngoại tệ xảy ra ở hầu hết các ngân hàng thời gian gần đây. Theo ông Vũ Nhật Lâm, Phó Tổng giám đốc OceanBank, lượng khách hàng vay ngoại tệ của ngân hàng này tăng mạnh. Đặc biệt, lượng khách càng tăng hơn khi Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) hạ lãi suất cho vay USD cho đến hết 31/12/2014 cho tất cả các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với mức lãi suất 2,8%/năm kéo dài trong 6 tháng.

Bên cạnh đó, tỷ giá USD trong năm 2014 cũng tương đối ổn định, lãi suất vay USD thấp hơn VND cũng đã kích thích DN vay. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhiều DN chủ yếu vay USD và chuyển đổi sang tiền đồng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, những đơn vị hoạt động tốt có thể tiếp cận lãi suất USD ngắn hạn trên dưới 3,5% một năm.

Theo tính toán của ông Nguyễn Cường, Giám đốc công ty xuất khẩu đồ gốm tại Bình Dương, DN có quy mô lớn sẽ tiết kiệm được một nửa lãi suất nếu vay USD. Chẳng hạn, với 500.000 USD (hơn 10 tỷ đồng), lãi suất 4% một năm thì lãi phải trả cho khoản vay này khoảng 20.000 USD, tương đương tầm 428 triệu đồng/năm. Trong khi đó, với khoản vay tiền VND, chỉ cần lãi suất 10% năm thì DN phải trả lãi trên 1 tỷ đồng. Chính điều này, việc DN tranh thủ vay ngoại tệ trong thời điểm cuối năm là điều dễ hiểu.

Kỳ vọng nới cho vay ngoại tệ

Với nhu cầu vay ngoại tệ tăng, dư nợ tín dụng của các ngân hàng cũng tăng trưởng đáng kể. Có thể thấy hết tháng 11, dư nợ ngoại tệ tại các ngân hàng trên cả nước cao hơn nội tệ gần 2%, đạt gần 13%. Vì vậy, NHNN đang cân nhắc việc có mở rộng đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn cho DN thuộc lĩnh vực ưu tiên hay không.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, hiện NHNN đã đánh giá thực tế, dự tính tiếp tục cho phép cho vay ngoại tệ các nhóm nhu cầu nói trên (4 nhóm) đến hết năm 2015. Dự kiến văn bản cụ thể thay thế Thông tư 29/2013/TT-NHNN sẽ có vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, cho rằng trong bối cảnh kinh tế chậm phục hồi, tín dụng tăng trưởng như hiện nay, dù là ngoại tệ hay tiền đồng tăng đều là dấu hiệu đáng mừng. Vì thế, việc xem xét nới cho vay ngoại tệ là cần thiết.

Còn theo nhận định của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tín dụng ngoại tệ tuy có tăng nhưng không tạo áp lực với tỷ giá. Nguyên nhân các khoản vay tín dụng chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng là DN xuất khẩu, họ là những đơn vị có thể cân đối được nguồn USD trả nợ. Do đó, khi đến lúc đáo hạn hợp đồng tín dụng, DN không phải lo ngại vấn đề mua ngoại tệ để trả nợ ngân hàng nên khó tạo ra sự căng thẳng tỷ giá. Đối với trường hợp DN có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ nhưng không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, các ngân hàng chỉ xem xét cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ nhằm góp phần hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng, hiện thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối của NHNN khá dồi dào. Do đó, trong giai đoạn trước mắt, NHNN có thể tiếp tục “nới” cho vay ngoại tệ, song về lâu dài, phải kéo mặt bằng lãi suất tiền đồng xuống thấp hơn nữa. Khi đó, DN sẽ tăng vay vốn tiền đồng thay vì vay vốn ngoại tệ như hiện nay.

Bài và ảnh: Hải Yên