01:15 01/01/2015

Doanh nghiệp tìm về thị trường nội địa

Những năm gần đây, khi xuất khẩu ngày càng gặp nhiều rào cản hơn thì doanh nghiệp (DN) nội mới thay đổi chiến lược kinh doanh của mình, trở về thị trường tiềm năng trong nước với sức mua của hơn 90 triệu dân.

Những năm gần đây, khi xuất khẩu ngày càng gặp nhiều rào cản hơn thì doanh nghiệp (DN) nội mới thay đổi chiến lược kinh doanh của mình, trở về thị trường tiềm năng trong nước với sức mua của hơn 90 triệu dân.

Không để thua trên sân nhà

Đó là những nhận định của nhiều DN đang thực hiện chiến lược “về nhà” sau thời gian “mang chuông đi đánh xứ người”. Một trong những lĩnh vực có nhiều DN thay đổi chiến lược là ngành dệt may. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, cho rằng với dân số hơn 90 triệu người, thị trường nội địa là thị trường tiềm năng lớn đối với doanh nghiệp dệt may. “Nếu như trước đây DN chăm chăm vào việc xuất khẩu mà bỏ ngỏ thị trường trong nước thì những năm gần đây DN đã chú trọng hơn trong việc phát triển thị trường nội địa”, ông Hồng nhận định.

Dệt may là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp quay lại đầu tư cho thị trường nội địa. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), những năm gần đây, sản phẩm dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng hơn trên thị trường nội địa. Nhiều thương hiệu quần áo của các DN “nội” như An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10… đã được nhiều người dân biết đến. “DN Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc mở rộng thị trường nội địa. Các DN trong ngành dệt may cũng đã tích cực mở rộng thị trường trong nước thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm may mặc và thời trang của ngành dệt may Việt Nam đã có mặt trên mọi vùng miền của đất nước từ thành thị đến nông thôn. Tiêu biểu như hệ thống siêu thị Vinatexmart đã trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam về hàng dệt may với 100% các sản phẩm là hàng Việt. Các Tổng công ty lớn của Vinatex như: May 10, Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè... đã xây dựng hơn 1.000 cửa hàng và đại lý tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước”, ông Lê Tiến Trường cho biết.

Không chỉ ngành dệt may, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản cũng có các chiến dịch tiếp cận thị trường nội địa với nhiều phân khúc sản phẩm tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Theo đó, lần đầu tiên, câu lạc bộ “Doanh nghiệp cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa” được thành lập với 26 thành viên đăng ký tham gia. Đây là tổ chức tự nguyện của các DN có hàng thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa nhằm mục đích phối hợp, liên kết hoạt động, cùng nhau nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng nội địa và có tiếng nói chung, hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi với các kênh phân phối tại thị trường Việt Nam. “Hiện sản phẩm của câu lạc bộ rất đa dạng và đang được người tiêu dùng quan tâm. Có thể liệt kê từ sản phẩm tươi sống như cá ba sa, tôm, cá ngừ, mực... cho đến những mặt hàng chế biến, hàng giá trị gia tăng như hải sản tẩm bột, chả cá ba sa... Do tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu… nên sản phẩm thường có giá cao hơn 1,5 lần so với sản phẩm cùng loại”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), những năm gần đây, DN điều cũng đã hướng đến thị trường tiêu thụ nội địa sau khi thị trường xuất khẩu có những cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, lâu nay các doanh nghiệp chỉ quen với việc xuất khẩu nên việc đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng “nội” cũng gặp không ít khó khăn. “Hiện nay hạt điều được đa số người tiêu dùng Việt Nam xem như là sản phẩm cao cấp dành cho gia đình khá giả hoặc dùng biếu tặng. Sản lượng xuất khẩu hạt điều hàng năm của các DN trên cả nước là 300.000 tấn, nhưng mức tiêu thụ trong nước năm 2014 chỉ vào khoảng 10.000 tấn”, ông Thanh cho biết.

Mở rộng kênh phân phối


Việc mở rộng hệ thống phân phối là một trong những giải pháp giúp các DN “nội” đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước. Theo ông Lê Tiến Trường, Vinatex không ngừng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Nếu như năm 2013, tổng số cửa hàng, đại lý, điểm giới thiệu sản phẩm của các đơn vị thành viên Vinatex trên toàn quốc đạt 4.125 điểm, thì trong năm 2014 này đã tăng lên gần 4.300 điểm. Đặc biệt, thực hiện lộ trình phát triển mạng lưới phân phối, đồng thời thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động đưa hàng về thị trường nông thôn, Vinatex đã mở rộng hệ thống phân phối qua kênh siêu thị (Vinatexmart) đến 28 tỉnh, thành phố trong cả nước, kinh doanh hơn 6.000 mặt hàng với tỷ lệ 100% hàng Việt Nam.

"Căn bệnh cố hữu của các DN Việt Nam là quá dựa vào xuất khẩu, không chú trọng hoặc còn bỏ ngỏ thị trường trong nước. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai chiến lược tiêu thụ nội địa, còn Việt Nam vẫn chưa có chuyển biến lớn trong lĩnh vực này.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam

Đặc biệt, trong những năm gần đây, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, các DN trong ngành đã đẩy mạnh công tác thiết kế, xây dựng thương hiệu để có những sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã đẹp để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước. “Mục tiêu của Vinatex là chiếm lĩnh tốt thị trường nội địa với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15 - 20% và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 60% vào năm 2015. Để làm được điều này, thời gian tới Vinatex sẽ tiếp tục tăng khả năng sản xuất nguyên phụ liệu, thành lập chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, chất lượng cao, từ đó giảm tối đa chi phí sản xuất, hỗ trợ cho người tiêu dùng trong nước”, ông Trường cho biết.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng Việt Nam đứng thứ tư thế giới về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, trong đó cá tra đứng thứ nhất thế giới nhưng ở thị trường nội địa với mức tiêu thụ thủy sản lên đến 27 kg/người/năm, DN thủy sản lại chưa quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp đã quen với việc xuất khẩu nên khi quay lại thị trường nội địa gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nan giải nhất là thay đổi thói quen ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống của người tiêu dùng. Để bán được hàng thủy sản đông lạnh, chế biến sẵn, các doanh nghiệp phải đầu tư phương tiện bảo quản thì lại đội giá thành lên cao. “Các doanh nghiệp phải có biện pháp thâm nhập và phát triển phù hợp nhằm gia tăng thị phần tiêu thụ nội địa nhằm tạo ra nhiều kênh, đầu ra cho sản phẩm, từng bước giảm lệ thuộc vào xuất khẩu. Muốn được như vậy, sản phẩm thủy sản phải có chất lượng và hình thức không thua kém gì hàng xuất khẩu, giá cả hợp lý cũng như tuân thủ nghiêm những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Thừa nói thêm.

Còn theo ông Nguyễn Đức Thanh, để sản phẩm từ hạt điều có thể thâm nhập sâu vào thị trường nội địa thì DN phải có chiến lược quảng bá và đa dạng hóa sản phẩm. Bởi hiện nay, sản phẩm từ hạt điều trong nước chỉ quanh đi quẩn lại ở các dạng sấy, rang muối, kẹo hoặc bánh có nhân điều…; công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm hạn chế, chỉ bán rộng rãi vào dịp Tết Nguyên đán... nên chưa tạo thói quen tiêu dùng trong người dân. “Các DN vẫn chưa chú trọng đầu tư vào sự phát triển thị trường nội địa. Đây là điều đáng suy nghĩ, bởi Ấn Độ là nước xuất khẩu hạt điều đứng hàng thứ 2 thế giới nhưng thị trường trong nước chiếm đến 40 - 50% sản lượng”, ông Thanh cho biết.

M.T - Lê Nghĩa