03:23 05/03/2012

Doanh nghiệp tập trung phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa

“Sự liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chưa chuyên nghiệp... đã dẫn đến nhiều bất ổn về cung cầu, giá cả, khả năng kiểm soát...”, ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận xét.

“Sự liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chưa chuyên nghiệp... đã dẫn đến nhiều bất ổn về cung cầu, giá cả, khả năng kiểm soát...”, ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận xét. Chính vì vậy, phát triển chuỗi cung ứng phải là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững.

Chưa gắn kết giữa các khâu

Một chuỗi cung ứng hàng hóa cơ bản sẽ bao gồm các khâu: Sản xuất (giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi), chế biến và phân phối (bán buôn, bán lẻ). Khi ba khâu này gắn kết chặt chẽ với nhau, những hoạt động thu mua “chộp giật” của thương lái để xuất khẩu hoặc đầu cơ khi thị trường khan hiếm sẽ bị hạn chế tối đa. Tuy nhiên trên thực tế, các công đoạn này chưa thực sự gắn kết với nhau và nếu có thì vẫn ở tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm. Cụ thể như thị trường phân bón, thường xuyên có những bất ổn trong những giai đoạn cao điểm của vụ đông xuân, theo ông Năm, sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng mặt hàng này còn chồng chéo nên chi phí đã bị đẩy lên khá nhiều trong khâu phân phối, dẫn tới giá bán sản phẩm đến tay nông dân cao bất hợp lý.

Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với việc xây dựng được chuỗi cung ứng gạo hữu cơ từ gieo trồng, chăm sóc, chế biến chặt chẽ, nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu ĐBSCL. ảnh: Trần Quốc Thái


TP Hồ Chí Minh hiện có 3 chợ đầu mối, 244 chợ truyền thống, 140 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, hơn 500 cửa hàng tiện ích và hơn 10.000 cửa hàng tạp hóa các loại... Với chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trên, khách hàng vẫn chưa được hưởng lợi và nhiều khi giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn tăng, bất chấp các biện pháp của ngành chức năng. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay: “Khi chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu mang tính chuyên nghiệp, việc liên kết từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ với các địa phương vệ tinh xây dựng sẽ được triển khai một cách bài bản. Tuy nhiên đến nay chỉ một vài DN làm được điều này và chỉ mang tính nhỏ lẻ, còn lại hầu hết vẫn mang tính thời vụ, không bền vững...”.

Tại buổi hội thảo “Kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng đối với một số mặt hàng thiết yếu”, được Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng, thị trường Việt Nam vẫn còn những diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro là do sự mất cân đối cung cầu cục bộ. Các tác động mang tính tâm lý này là do chuỗi cung ứng chưa được tổ chức tốt và sự liên kết giữa những chủ thể thiếu chặt chẽ, dễ bị tổn thương khi có diễn biến bất thường. Điều này thể hiện trong việc thương lái tự do dễ dàng thu gom nông sản để xuất khẩu sang các nước lân cận khi thị trường có hiện tượng giảm cung, bất ổn của giá khiến nhà nông không yên tâm sản xuất...

Liên kết để tồn tại

Thực tế từng DN, dù mạnh về tài chính tới đâu cũng khó tự mình xây dựng hoàn toàn riêng biệt một hệ thống chuỗi cung ứng, mà phải hợp tác, liên kết với các DN khác. Để hàng hóa lưu thông một cách ổn định và có lợi cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng, việc liên kết giữa công nghiệp với nông nghiệp, liên kết giữa DN với nông dân, giữa chợ đầu mối, vựa hàng hóa với các nhà bán lẻ là những việc ưu tiên cần làm. “Vissan dù có siêu thị mini, cửa hàng, đại lý của riêng mình nhưng muốn sản phẩm tới được số đông người tiêu dùng thực phẩm trong nước, chúng tôi phải liên kết với các DN, siêu thị, trung tâm thương mại. Đó là chưa kể chính sự liên kết này còn giúp cho hàng hóa bày bán đa dạng, tiện lợi cho khách hàng khi mua thực phẩm”, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc sản xuất và cung ứng mặt hàng nông sản đang đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng nhằm giữ vững uy tín thương hiệu, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Chưa bao giờ sự liên kết của bốn nhà lại cần thiết như giai đoạn hiện nay. Đã đến lúc từng nhà riêng rẽ phải tin tưởng lẫn nhau, cùng bỏ lợi ích trước mắt mà có cái nhìn lâu dài, nương tựa vào nhau...”, ông Năm nói thêm.

Kinh nghiệm của Vissan cho thấy, xây dựng được mối liên kết giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa nhà máy và nhà nông có bốn cái lợi lớn: Chủ động được nguồn nguyên liệu, không ăn đong từng bữa; có thể giảm được giá thành hoặc chỉ tăng nhẹ; giảm thiểu được khó khăn về sản xuất kinh doanh như hiện nay và kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng Saigon Co.op, theo bà Bùi Hạnh Thu - Phó Tổng Giám đốc, để không bị tụt hậu và đủ sức cạnh tranh với những tập đoàn bán lẻ nước ngoài, đơn vị đang tăng cường công tác liên kết với các DN, hợp tác xã, nông trại theo phương thức góp vốn, đặt hàng theo yêu cầu và cam kết bao tiêu hết sản phẩm. Đây là hướng đi căn cơ mang tính chiến lược giúp DN phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trong người tiêu dùng.

Cấp thiết phát triển chuỗi cung ứng

Ông Đỗ Văn Nam - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhận thức tầm quan trọng của vấn đề, nhiều ngành đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chuỗi cung ứng cho riêng mình. Cụ thể ngành thủy sản, mô hình “Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất cá tra” lần đầu tiên được tiến hành đồng bộ với 24 thành viên, tổng diện tích nuôi tham gia trên 28 ha tại An Giang và Cần Thơ do TAFISHCO tiến hành thí điểm từ tháng 8/2011 đang mở ra nhiều triển vọng. Với chuỗi giá trị khép kín DN cung ứng thuốc, hóa chất - DN sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi...; trong đó, đầu mối là DN chế biến thực hiện tất cả các khâu trung gian nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. “Đây được xem là mô hình chuỗi cung ứng khá chặt chẽ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, hạ giá thành sản xuất và nhất là giải quyết bài toán ép giá, tranh mua, tranh bán cá tra thời gian qua”, ông Nam nhận định.

Tại An Giang, từ vụ đông xuân 2010 - 2011 đến nay, tỉnh đã nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đang mang lại những tác động hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Mô hình này cho thấy những thành công bước đầu cho việc xây dựng mối liên kết làm ăn bền vững giữa nhà DN và người nông dân theo quy trình khép kín. Nông dân khi bán lúa chỉ cần đến kho, các khâu thu hoạch, chuyên chở, bao bì, nhân công... đều do công ty đảm trách. Giá bán được niêm yết theo giá thị trường hằng ngày và nông dân khi mang lúa đến có quyền ký gửi hay bán tùy ý, miễn sao thấy có lãi nhất. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, đây chính là cái mới và điển hình của cách làm ăn bình đẳng, đảm bảo cho nông dân có lãi cao nhất từ hạt lúa và ngành sẽ triển khai đại trà trong thời gian sắp tới.

Qua nhiều năm theo dõi sự phát triển của mô hình các chuỗi cung ứng, ông Nam cho rằng, do quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo ra được sản phẩm mang tính hàng hóa đã khiến cho việc thực hiện liên kết đang rất khó khăn. Trong các mô hình, vai trò của người thu gom nguyên liệu rất ít được quan tâm và coi trọng. Ngoài ra, vai trò của ngân hàng trong việc cung cấp vốn cho các bên thực hiện liên kết và vai trò của nhà khoa học, khuyến nông trong việc cung cấp các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, cho chế biến... cũng thực sự mờ nhạt khiến cho việc nhân rộng thành công của mô hình chưa cao. Tuy khó, nhưng theo ông Nam, các DN và ngành chức năng đang có quyết tâm cao nhất trong việc xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng trong nỗ lực đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Đỗ Văn Nam - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối - Bộ NN & PTNT: Trong xây dựng chuỗi cung ứng, chúng ta còn thiếu một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của DN với người sản xuất và rộng hơn là sự cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trên thực tế, hợp đồng liên kết dẫu được ký nhưng việc thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi theo hợp đồng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự nguyện. Do vậy, việc phá vỡ hợp đồng vẫn thường xuyên xảy ra. Mặt khác, nhiều điểm thỏa thuận giữa các thành viên trong chuỗi liên kết, trong các hợp đồng còn thiếu cơ sở, tính pháp lý, sự ràng buộc về mặt pháp luật, chế tài xử phạt..., khiến các chuỗi liên kết thực chất vẫn chỉ là trên mô hình điểm, việc nhân rộng hết sức khó khăn.

Ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Là người từng nhiều năm theo dõi thị trường, tôi nhận thấy, nếu từng mặt hàng thiết yếu hình thành được sự liên kết tốt trong chuỗi cung ứng thì những tồn tại gây nên những bất ổn về cung cầu, giá cả, chất lượng hàng hóa cũng như những tác động bất lợi của các yếu tố khách quan sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Những cái lợi bao gồm: Nguồn cung hàng hóa trên thị trường sẽ được duy trì ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong từng giai đoạn; kiểm soát chặt chẽ được chất lượng hàng hóa; nhà phân phối và chế biến, thu mua luôn chủ động trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh và mở rộng quy mô; hạn chế không xảy ra thiếu cung cục bộ giữa các vùng miền...

Ông Văn Đức Mười, TGĐ Công ty Vissan: Nông dân, nhà máy, người tiêu dùng là mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau và cùng nhau phát triển nhằm mang đến cho người tiêu dùng những thực phẩm hợp túi tiền, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Vissan, chúng tôi đã thành công trong việc khép kín mô hình giữa nông nghiệp – công nghiệp – phân phối, tạo quy trình khép kín từ đầu vào là gia súc, gia cầm, rau quả của bà con nông dân với chế biến tinh sâu của nhà máy. Phương châm của các nhà sản xuất thực phẩm hiện nay là sạch, an toàn từ “Trang trại tới bàn ăn”. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải tự giác xây dựng mối gắn kết chặt chẽ giữa đầu vào (là sản xuất của bà con nông dân và việc chế biến của nhà máy) và đầu ra là hệ thống phân phối đã và đang hoàn thiện dần trong nhiều năm qua.



Lê Nghĩa thực hiện