Xu hướng bleisure travel khiến những chuyến công tác không còn nhàm chán

Với những lợi thế về du lịch MICE, Singapore đã tăng cường nỗ lực để thúc đẩy sức cạnh tranh và đón đầu xu hướng quan trọng này.

Bleisure được ghép từ business (công việc) và leisure (giải trí), và đề cập đến việc đi công tác kết hợp nghỉ dưỡng. Từ làn sóng của mô hình làm việc kết hợp (hybrid) và từ xa (remote) cùng với sự đổi mới trong các phương thức kết nối trực tuyến và đặc biệt là tình hình phục hồi ngày càng mạnh mẽ của ngành du lịch, bleisure travel tiếp tục được lựa chọn bởi các doanh nghiệp và những người trẻ. Tại các quốc gia mà ngành MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng) có đóng góp lớn vào GDP như Singapore, đây cũng là đề bài mà cả chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ phải tập trung giải quyết để khẳng định vị thế và thu hút khách hàng quốc tế.

Bleisure hấp dẫn các nhân viên có nhiều mong đợi hơn một chuyến công tác thông thường

Báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (World Travel and Tourism Council) cho thấy năm 2021 chứng kiến sự khởi sắc trong ngành du lịch khi doanh thu đến từ lượng du khách đi công tác tăng đến 30% so với năm 2020 và đạt mức tăng trưởng dự đoán cho năm 2022 là 41,1%. Khi nhiều hội nghị, triển lãm, sự kiện được nối lại và những chuyến đi đào tạo, nâng cao năng lực được xúc tiến, du lịch công tác cũng bùng nổ trở lại với con số tăng trưởng trung bình ước tính hàng năm từ 2022 đến 2032 là 5,5%. 

Khảo sát định kỳ hàng tháng từ tháng 11/2020 đến tháng 9/2022 của Hiệp hội Du lịch Công tác Quốc tế (Global Business Travel Association - GBTA) đã chỉ ra xu hướng tăng lên về sự sẵn sàng đi công tác của các nhân viên, với 44% người được khảo sát trả lời “Rất sẵn sàng”. Đây cũng là chất xúc tác để thúc đẩy sự phát triển của quan hệ giao thương, lĩnh vực đầu tư, cung ứng, vận tải… và từ đó ảnh hưởng tích cực đến dòng chảy thương mại quốc tế.

Một khảo sát của GBTA vào tháng 6/2022 công bố 90% người tham gia lựa chọn làm việc kết hợp với nghỉ dưỡng, trong đó có 60% nhân viên cảm thấy hứng thú tương đương và 30% nhân viên cảm thấy thích thú hơn đối với hình thức này so với trước đại dịch. Có thể thấy rằng, bleisure đang chiếm ưu thế để những chuyến công tác không còn mệt mỏi và đơn điệu như trước đó.

Điều này tác động đến cách làm du lịch của các nhà cung cấp dịch vụ khi phải thích nghi và tạo ra nhiều giá trị hơn. Trong cuộc hội thảo trực tuyến tổ chức bởi GBTA và đối tác, bà Catherine Loan – phó chủ tịch phụ trách khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, GBTA – đã nhấn mạnh nhu cầu của du khách về sự cân bằng khi kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi thay vì miệt mài giữa những chuyến bay. 

Sự thay đổi trong dịch vụ có thể được nhìn thấy rõ ràng ở ngành khách sạn, bởi đối với du khách bleisure thì chỗ ở giờ đây không chỉ đơn thuần là nơi để lưu trú. Do đó, các khách sạn cần trang bị khu vực làm việc hoặc hội họp trực tuyến dành cho những du khách có nhu cầu làm việc từ xa. 

Singapore nỗ lực trở thành điểm đến hấp dẫn của bleisure travel

Mặc dù phải tiếp tục đối mặt với những thách thức sau đại dịch, ngành MICE ở Singapore đã đạt tốc độ phát triển ấn tượng để thỏa mãn nhu cầu đa dạng và mới mẻ của các đối tượng, trong đó có du khách bleisure. Lợi thế về cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch của Singapore liên tục được đổi mới để mang đến các giá trị cao hơn và chất lượng đẳng cấp hơn. Đó cũng là mục tiêu trọng tâm trong các chiến lược, chương trình được sáng tạo bởi chính phủ Singapore, các tổ chức và doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Singapore ước tính đón đến 6 triệu du khách quốc tế vào cuối năm 2022 và đạt doanh thu vào khoảng 10 – 12 tỷ SGD. Ảnh: www.aerotime.aero.

 Tháng 10/2022, thông qua hợp tác với Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã giới thiệu Lộ trình chuyển đổi ngành khách sạn 2025 (Hotel Industry Transformation Map 2025). Với sự tham gia của các đơn vị trong ngành, dự án tập trung vào bốn chiến lược phát triển: đổi mới ngành khách sạn và kiến tạo mô hình mới; thúc đẩy sự phát triển bền vững; đẩy mạnh việc khai thác công nghệ và dữ liệu để chuẩn bị cho giai đoạn đột phá tiếp theo; và trang bị lực lượng lao động vững mạnh cho tương lai.

Trước đó, vào tháng 03/2022, Lộ trình phát triển bền vững ngành khách sạn (Hotel Sustainability Roadmap) đã được ra mắt bởi Hiệp hội Khách sạn Singapore (SHA) và STB. Lộ trình đặt ra mục tiêu và chiến lược để các khách sạn có thể áp dụng trong hành trình phát triển bền vững, từ đó mang đến một trải nghiệm xanh hơn cho du khách. 

Với những bước đi mang tính chiến lược, Singapore kỳ vọng sẽ “đi tắt đón đầu” trong xu thế bleisure travel, và ngành MICE sẽ tiếp tục đóng góp mang tỷ trọng cao trong nền kinh tế của Đảo quốc. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN